Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất

Nguyễn Vũ ghi 14/11/2009 00:00

Tại Phiên làm việc toàn thể sáng qua, 13.11, các ĐBQH cơ bản nhất trí với chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, một số ĐBQH vẫn băn khoăn về công tác di dân tái định cư của dự án và đề nghị: các cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu và lựa chọn phương án di dân tái định cư thật chắc chắn, bảo đảm có lợi nhất cho người dân...

Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất ảnh 1

ĐBQH NGÔ THỊ MINH (QUẢNG NINH): Lựa chọn phương án di dân tái định cư tốt nhất cho người dân

Cần đặt vào vị trí của người dân khi bị di dời để nghiên cứu phương án di dân tái định cư như thế nào là tốt nhất cho người dân. Chính phủ cần nghiên cứu kỹ hơn để có những chính sách thực sự thỏa đáng, hiệu quả, phát triển các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm để người dân khi đến ở mới sớm ổn định cuộc sống. Người dân không khó khăn gì chuyện di dời đi nơi khác để phục vụ cho lợi ích chung, nhưng họ cần phải có diện tích đất rộng để canh tác, để phát triển nông, lâm nghiệp và cần được hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp và vẫn giữ được những nét văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình.

Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất ảnh 2

ĐBQH NGÔ QUANG XUÂN (ĐỒNG THÁP): Cần làm rất tốt công tác chuẩn bị

Dự án Thủy điện Lai Châu đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong đó có đến 80% tổng mức đầu tư là vốn đi vay nên việc rút ngắn thời gian hoàn thành dự án là rất cần thiết. Muốn vậy phải làm rất tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là giải phóng mặt bằng và công tác tái định cư cho nhân dân. Tôi tán thành quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là phải giải quyết tổng thể các vấn đề liên quan đến dự án, kể cả đường ven bờ; phải có các giải pháp hiệu quả cho vấn đề môi trường, bảo vệ rừng, trồng lại rừng, bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc...

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đang bước vào giai đoạn xây dựng chiến lược phát triển năng lượng sạch, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nước ta có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng sạch. Vừa qua, cũng đã có một số dự án có đối tác nước ngoài nhưng sau đó, việc giải quyết bán điện, bán nước cũng chưa thuận lợi nên người ta cũng không muốn làm. Tôi đề nghị, tới đây, cùng với việc xây dựng các dự án thủy điện nên có chiến lược và dành nguồn lực đầu tư thích đáng hơn cho các dự án phát triển nguồn năng lượng sạch nêu trên.

Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất ảnh 3

ĐBQH BẾ XUÂN TRƯỜNG (BẮC KẠN): Chúng ta đã có kinh nghiệm...

Việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu phải được gắn kết với nhiều dự án và lồng ghép nhiều chương trình khác để sau khi hoàn thành, nhà máy Thủy điện Lai Châu đồng thời cũng là một công trình văn hóa, du lịch và môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế sẽ được nâng lên gấp nhiều lần. Lồng ghép với việc thực hiện các Chương trình 135, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng cũng sẽ gia tăng hiệu quả và tuổi thọ của đập thủy điện. Nếu các rừng phòng hộ đầu nguồn được bảo vệ tốt thì sẽ giữ được nguồn nước, hạn chế được mực nước lũ lên cao, giảm bớt được lượng đất phù sa đổ về lòng hồ khiến cho lòng hồ bị dâng cao làm giảm thể tích nước của hồ.

Tôi cũng đề nghị tách dự án di dân tái định cư Thủy điện Lai Châu thành dự án riêng và để tỉnh Lai Châu trực tiếp làm chủ dự án. Khi xây dựng khu tái định cư phải nằm trong quy hoạch tổng thể, chiến lược phát triển KT-XH của vùng Tây Bắc nói chung và của tỉnh Lai Châu nói riêng. Đặc biệt là vấn đề hệ thống giao thông của tỉnh Lai Châu. Chúng ta đã có kinh nghiệm về di dân tái định cư của Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La nên chắc chắn dự án nhà máy Thủy điện Lai Châu sẽ được tính toán một cách kỹ lưỡng và hiệu quả di dân tái định cư sẽ tốt hơn với phương châm làm sao người dân chuyển đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất ảnh 4

ĐBQH TRẦN ĐÌNH LONG (ĐĂK LĂK): Lựa chọn phương án an toàn tuyệt đối

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương đầu tư xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu. Tuy nhiên, Thủy điện Lai Châu nằm ở tuyến đầu của hệ thống thủy điện Lai Châu – Sơn La – Hòa Bình nên cần bảo đảm an toàn tuyệt đối, tính đến tất cả các tình huống, kể cả thiên tai, địch họa... Vì nói như các nhà quân sự là Thủy điện Lai Châu giống như tuyến phòng thủ số 1, nếu để vỡ thì toàn bộ hệ thống phía sau sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cho dù có đầu tư tốn kém hơn thì cũng cần lựa chọn phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đối với tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc thì cần đầu tư xây dựng hệ thống giao thông liên hoàn, đồng bộ kết hợp với việc bố trí lại dân cư, di dân tái định cư và tổ chức sản xuất. Việc đầu tư này có thể không nên đưa vào hạch toán chung trong dự án Thủy điện mà có thể xây dựng một dự án riêng. Việc di dân tái định cư bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ thực ra không đơn giản nên ngoài việc quy hoạch, bố trí, tổ chức sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp cũng cần tính tới mục tiêu lâu dài hơn. Cần khẩn trương quy hoạch và phát triển công nghiệp, giải quyết lao động tại chỗ, kết hợp kinh tế và quốc phòng. Nếu không thực hiện được điều này thì dù có đề nghị hỗ trợ đồng bào tái định cư trong 2 năm hay 5 năm có lẽ cũng khó bảo đảm đời sống của người dân tốt hơn nơi ở cũ.   

Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất ảnh 5

ĐBQH GIÀNG A CHU (YÊN BÁI): Phương án di dân tái định cư cần thật chắc chắn

Công tác di dân tái định cư các công trình thủy điện khá phức tạp. Làm tốt công tác di dân tái định cư thì mới bảo đảm giải phóng được mặt bằng, giải phóng được lòng hồ, đẩy nhanh được tiến độ xây dựng. Tôi đề nghị công tác di dân tái định cư phải được đặt lên hàng đầu và các cơ quan hữu quan cần phải phối hợp xây dựng các phương án thật chắc chắn. Theo số liệu ban đầu thì số hộ dân phải di dời không lớn. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn là số hộ dân phải di dời này được bố trí tái định cư ngay trên địa bàn huyện Mường Tè nhưng toàn bộ đất tốt và đất sản xuất được đều đã nằm trong lòng hồ, dân sẽ di chuyển lên cao hơn, đất dốc hơn, xấu hơn... thì có bảo đảm điều kiện sản xuất và sinh sống cho người dân hay không? Cần rút kinh nghiệm từ quá trình xây dựng các công trình thủy điện, nhất là Thủy điện Sơn La để xây dựng các phương án di dân tái định cư tối ưu, bảo đảm người dân có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ không chỉ về các công trình hạ tầng cơ sở mà cả về thu nhập, mức sống... bảo đảm quỹ đất sản xuất cho người dân và có phương án chuyển đổi ngành nghề cho người dân... bảo đảm định canh, định cư bền vững, lâu dài cho người dân.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lựa chọn phương án di dân chắc chắn và có lợi nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO