Thí điểm cơ chế đặc thù cho Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Nghệ An

Lựa chọn phù hợp

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 06:13 - Chia sẻ
Các dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế thành phố Hải Phòng và hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới. Nhưng do một số cơ chế, chính sách chưa được quy định pháp luật điều chỉnh, có ảnh hưởng rộng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo cơ quan có thẩm quyền và gợi mở thay đổi phạm vi áp dụng để phù hợp với điều kiện thực thi hiện nay.

Cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết

Cơ chế, chính sách đặc thù được đề nghị áp dụng với thành phố Hải Phòng và hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được Chính phủ trình ra chủ yếu xoay quanh mức dư nợ vay địa phương; thí điểm thực hiện chính sách phí và lệ phí trên địa bàn thành phố Hải Phòng và Thừa Thiên Huế; thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất; nguồn thu khi bán tài sản công trên đất; sử dụng nguồn cải cách tiền lương và tổ chức bộ máy; việc ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và định mức phân bổ chi thường xuyên... Đồng thời có một số chính sách, cơ chế đặc thù như cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế; thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng.

Dù có một số cơ chế, chính sách khác biệt, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận thấy, những cơ chế, chính sách đã quyết định cho các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và vừa rồi là tỉnh Thanh Hóa cơ bản tương đồng với các cơ chế, chính sách đề xuất áp dụng cho 3 địa phương này, có chênh nhau một ít. "Lập luận và các giải trình được Chính phủ đưa ra đã hợp lý, "có khóa, có van" cả rồi".

Tác động của cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An cũng không chỉ như Tờ trình của Chính phủ đưa ra. Đơn cử như, tại dự thảo Nghị quyết áp dụng với tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra quy định, phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước... Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa cơ chế đặc thù này vào dự thảo Nghị quyết với tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, 100% số thu từ nguồn thu phí tham quan để thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu di tích cố đô Huế nhưng không dùng để xác định tỷ lệ điều tiết, số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương (tương tự như khoản thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết). Tuy nhiên, ở đây không chỉ là điều chỉnh phân bổ nguồn thu từ phí và lệ phí, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích kỹ hơn tác động của chính sách này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, Bộ Chính trị đã có nghị quyết và cho phép xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Theo đó, thành phố loại này có tiêu chí và những quy định có thể đặc thù riêng, chứ không theo những tiêu chí chung như của đô thị. Do đó, cơ chế, chính sách đặc thù nếu khai thác được hết ý này - thế nào là thành phố di sản, và để trở thành thành phố di sản thì Thừa Thiên Huế cần gì?

Đặt vấn đề như vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên ủng hộ trình ra Quốc hội quyết định áp dụng ngay, "dù được một việc nhỏ cũng là tốt". Lấy ví dụ từ việc tăng vé vào các khu vực di sản nổi tiếng tại Angkor Wat, Xiêm Riệp của Campuchia đã giúp tăng nguồn thu lớn cho các khu vực này, lên đến hàng trăm triệu USD; trong khi đó, kinh phí trùng tu một công trình di sản tại khu vực thành cổ khá tốn kém, tính tổng nhu cầu là một con số lớn. Nguồn lực của chúng ta còn rất hạn chế, vừa rồi phải tập trung mãi mới xử lý được việc đền bù giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân trong nội đô khu hoàng thành ra bên ngoài. Do vậy, bên cạnh các cơ chế, chính sách được Chính phủ trình lần này, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nếu nghiên cứu được hơn nữa thì càng tốt để có chính sách hữu hiệu phát triển thành phố di sản.

Cùng quan điểm này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, 4 chính sách được đề xuất áp dụng với tỉnh Thừa Thiên Huế chưa phải là những chính sách lâu dài với sự phát triển của địa phương. Bởi hạ tầng và các loại hình di sản của Thừa Thiên Huế nhiều, yêu cầu trùng tu, tôn tạo hàng năm tới hàng nghìn tỷ đồng và với cơ chế này chỉ giải quyết trong một số năm. “Ở đây thiếu chính sách lâu dài, đặc biệt là chính sách về đất đai và các chính sách để thu hút các dự án đầu tư, tạo ra nguồn thu ngân sách lớn, bảo đảm được cân đối và trở thành một trong những địa phương có đóng góp ngân sách với Trung ương. Các chính sách đề xuất áp dụng với Thừa Thiên Huế giải quyết mang tính chất tình thế trong thời gian ngắn hạn”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhận định.

Cần bảo đảm nội hàm chính sách

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An được Chính phủ đề xuất, việc cho phép thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến. Bởi, tại Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trước mắt chưa quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách. Trên cơ sở hoàn thiện Đề án, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền. 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn với đề xuất này, vì Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 quy định, nghiên cứu các cơ chế, chính sách đang được áp dụng tại khu vực thương mại tự do thành công trên thế giới để vận dụng phù hợp với thành phố Hải Phòng. So sánh với kinh nghiệm thế giới về mô hình này, cũng như từ thực tế thành lập và vận hành các khu kinh tế ven biển ở nước ta hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để triển khai thành công phải có bộ máy quản lý mang tính hành chính, kinh tế vượt trội hẳn, thủ tục hành chính rất đơn giản; hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh; lao động chất lượng cao; nhà đầu tư chiến lược. Tờ trình của Chính phủ và tài liệu liên quan về cơ chế đặc thù với thành phố Hải Phòng chưa lý giải về nguồn lực bảo đảm thực hiện, nên Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên chọn ra một số chính sách áp dụng ngay cho khu kinh tế ven biển Đình Vũ của Hải Phòng đề cập trong dự thảo Nghị quyết và cho thực hiện ngay. Việc thành lập Khu thương mại tự do sẽ được nghiên cứu và đề xuất thực hiện sau.

Với tinh thần chắc chắn, "được nội dung nào trình nội dung đó", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, toàn bộ chính sách còn lại tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét quyết định, sau đó có báo cáo trình Bộ Chính trị chấp thuận cho chủ trương này.

Như vậy, với sự thận trọng cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình các dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Hai tới theo quy trình một kỳ họp. Song, riêng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng sẽ cần tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng xây dựng đề án, có đề xuất nhằm bảo đảm tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách.

Lê Bình