Lựa chọn hợp lý nhất

- Thứ Tư, 01/12/2021, 05:59 - Chia sẻ
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành Thông báo 530/TB-TTKQH về Kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế về Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án).

Thông báo 530 cho biết, Chủ tịch Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư Dự án và đồng ý về nguyên tắc có thể đầu tư công toàn bộ các dự án thành phần. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện Dự án.

Trước đó, Chính phủ có Tờ trình đề nghị chia Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và đề xuất Quốc hội giao cho các địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì. Việc này nhằm bảo đảm tiến độ; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của địa phương... 

Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc giao cho các địa phương không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hơn nữa, đường cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất. Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến. Trong khi đó, kinh nghiệm của các địa phương hiện nay rất hạn chế, lại đang phải tập trung phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và quản lý, giải ngân vốn đầu tư công của địa phương. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư Dự án. 

Trong thực tế có nhiều ví dụ cho thấy, giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là lựa chọn hợp lý nhất, thay vì đưa về các địa phương.

Chẳng hạn, cùng quốc lộ 1A, trong khi đoạn Ninh Thuận - Khánh Hòa đưa vào sử dụng 5 - 6 năm nay chất lượng vẫn tốt dù trải qua nhiều bão, lũ thì đoạn qua Phú Yên liên tục hư hỏng, phải nâng cấp, tu sửa. Nguyên nhân không phải do có chuyện bớt xén mà vì trình độ quản lý kỹ thuật khác nhau. Điều này hàm ý, năng lực quản lý dự án của địa phương ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình.

Thời gian qua, một vài địa phương đã làm chủ đầu tư dự án cao tốc theo hình thức BOT nhưng số này không nhiều, lại có doanh nghiệp dự án trực tiếp triển khai, chịu trách nhiệm kỹ thuật và Bộ Giao thông Vận tải cũng phải “bám sát” để bảo đảm chất lượng. Còn lại, đa phần các địa phương đều chưa có kinh nghiệm làm đường cao tốc. Hơn nữa trong một dự án đầu tư công, vai trò của chủ đầu tư rất lớn - từ lựa chọn phương án thiết kế, chọn nhà thầu, tổ chức thi công và giám sát. Nếu địa phương không có kinh nghiệm thì rủi ro rất lớn.

Mới đây, 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã nhất trí phương án Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Lý do là việc triển khai dự án đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, công nghệ, phương án thiết kế, tổ chức giao thông cũng như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành. Hơn nữa, Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị nghiên cứu dự án, nếu giao cho địa phương sẽ mất thời gian nghiên cứu hồ sơ, nên giao cho Bộ là phù hợp.

Cũng có ý kiến cho rằng, nếu địa phương làm chủ đầu tư thì đây là cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 dài 729km, có tổng mức đầu tư 139,6 nghìn tỷ đồng từ ngân sách theo đề nghị của Chính phủ và đóng vai trò quan trọng với việc phát triển đất nước. Rõ ràng, không thể mạo hiểm để tích lũy kinh nghiệm trong trường hợp này, nếu không học phí phải trả sẽ vô cùng đắt đỏ.

Hà Lan