Hướng tới cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp

Lựa chọn được người xứng đáng

- Thứ Năm, 18/03/2021, 09:02 - Chia sẻ
Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Để người dân sáng suốt lựa chọn được người xứng đáng đại diện cho mình, công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin là bước quan trọng đầu tiên củng cố và nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân. Tiếp đó, khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, cần thực hiện kịp thời việc niêm yết ở khu vực bỏ phiếu và thông tin cho cử tri dành thời gian tìm hiểu.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện quyền làm chủ đại diện của Nhân dân ta trong giai đoạn 2021 - 2026, làm sao để chọn được người xứng đáng đang là vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm.

Không có chuyện “khoai sắp vào ấm”

17 giờ ngày Chủ nhật 14.3.2021 đánh dấu thời khắc cuối cùng những người ứng cử ĐBQH nộp hồ sơ về Ủy ban Bầu cử tỉnh và người ứng cử đại biểu HĐND các cấp nộp hồ sơ về Ủy ban Bầu cử nơi mình ứng cử. Trong đợt bầu cử lần này, qua theo dõi ngoài những người nộp hồ sơ ứng cử qua giới thiệu, số người tự ứng cử đã tăng lên đáng kể.

Nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, cử tri và các tầng lớp Nhân dân dễ dàng tìm kiếm các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử qua Internet và hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng. Việc lựa chọn ra người xứng đáng đại diện cho mình chính là cách thức phổ biến nhất hiện nay để người dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ đại diện. Do đó, tín nhiệm ai, bỏ phiếu cho ai là quyền quyết định của mỗi cử tri, không có chuyện “khoai sắp vào ấm” hay quân xanh quân đỏ như quan niệm của nhiều người. Đành rằng có cơ cấu, có phân bổ số lượng để bảo đảm cơ quan dân cử hội tụ đủ đại diện của các tầng lớp, thành phần xã hội nhưng qua hiệp thương, chốt danh sách và phân chia về các đơn vị bầu cử thì mọi ứng viên trong danh sách bầu cử đều bình đẳng như nhau. Bởi quy trình bầu cử chặt chẽ, minh bạch, có sự giám sát của đại diện cử tri cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, bên cạnh những cử tri tích cực, nghiên cứu kỹ quy định, thực hiện nghiêm túc quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong lựa chọn người đại diện cho mình để trao quyền làm chủ, trao niềm tin và sự kỳ vọng thì cũng có không ít cử tri còn thờ ơ với việc này. Có nhiều lý do được đưa ra như bận công việc, đi làm ăn, đau ốm… nên số lượng cử tri tham dự các hội nghị TXCT giữa ứng cử viên đại biểu dân cử với cử tri thường không đông, nhất là ở các thôn, tổ dân phố, số lượng đại cử tri vẫn còn nhiều.

Không dành thời gian tiếp xúc nên cử tri cũng không biết ứng viên là ai, chương trình hành động như thế nào, khi bỏ phiếu thì tranh thủ đến, thời gian nghiên cứu tiểu sử ứng viên cũng không có, bỏ cho xong việc để về đi làm nên thành thử bầu ai có khi cử tri cũng không nhớ. Có những trường hợp cử một đại diện gia đình đi bỏ phiếu cho cả nhà, cũng có nhiều trường hợp làm vội nên phiếu không hợp lệ. Cử tri chưa ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình, khi bỏ phiếu thì theo hội chứng “đám đông”, bỏ theo thành thử nên rất thiệt thòi cho những ứng viên ưu tú nếu cử tri không lựa chọn.

Cử tri hãy tìm hiểu và lựa chọn cho trúng người xứng đáng thực sự để thay mình thực hiện quyền làm chủ

Ảnh: Bình Nguyên 

Công tác tuyên truyền - bước quan trọng đầu tiên

Thực tế trên cho thấy, làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin là bước quan trọng đầu tiên củng cố và nâng cao nhận thức của cử tri và Nhân dân về cuộc bầu cử. Ngay từ bây giờ, nếu địa phương nào chưa khởi động việc tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp thì có lẽ nên thực hiện ngay để các tầng lớp Nhân dân và cử tri nắm được mục đích, ý nghĩa trọng đại của cuộc bầu cử này.

Đó là các thông tin về ngày bầu cử, các thông tin liên quan về tiêu chuẩn đại biểu nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng; đồng thời, cung cấp thông tin cho cử tri biết tình hình công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tại địa phương cũng như số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp khu vực mình được bầu là bao nhiêu để cử tri hình dung cụ thể. Ngoài qua loa truyền thanh, cần lồng ghép trong sinh hoạt đảng, đoàn thể, tuyên truyền di động và trực quan qua hệ thông pano, khẩu hiệu… tuyên truyền qua các nhóm, diễn đàn của mạng xã hội… để cử tri và Nhân dân tiếp cận thường xuyên, cập nhật kịp thời.

Tiếp đó, khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử, cần thực hiện kịp thời việc niêm yết ở khu vực bỏ phiếu và thông tin cho cử tri dành thời gian tìm hiểu. Thực hiện chặt chẽ các bước trong quy trình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri giữa ứng viên với cử tri, từ việc lập kế hoạch, phân công thực hiện, đến thông báo cho người ứng cử biết thời gian, địa điểm cũng như tuyên truyền, thông báo sớm, thường xuyên cho cử tri biết để sắp xếp tham dự đông đủ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là Ban Công tác mặt trận ở cơ sở cần bám, nắm tình hình, vận động cử tri tham gia, trừ những người bất khả kháng không thể tham gia được.

Về phía cử tri, thiết nghĩ chúng ta nên nghiên cứu và dành một chút thời gian cho việc thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình. Hãy tìm hiểu và lựa chọn cho trúng người xứng đáng thực sự để thay mình thực hiện quyền làm chủ. Đó vừa là quyền lợi, trách nhiệm nhưng cũng là thể hiện lòng yêu nước, yêu đồng bào trong ngày hội lớn của dân tộc. Dùng tâm để cảm nhận, để lựa chọn người xứng đáng cũng là cách cử tri góp phần nâng cao chất lượng cơ quan đại biểu đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để quyền không trao nhầm người, mỗi cử tri chúng ta hãy đồng hành và cùng hành động để quyết định sáng suốt vào ngày Chủ nhật 23.5 sắp tới.