Lựa chọn đúng đắn dù sứ mệnh thất bại

- Thứ Ba, 17/08/2021, 06:32 - Chia sẻ
Sứ mệnh kéo dài 20 năm của Mỹ và NATO ở Afghanistan đã sụp đổ chỉ trong một ngày khi lực lượng Taliban tiến vào chiếm trọn Thủ đô Kabul. Tổng thống Ashraf Ghani nhanh chóng rời bỏ đất nước trong khi Mỹ hối hả sơ tán nhân viên Đại sứ quán của mình. Sự thất thủ quá chóng vánh của Afghanistan chứng tỏ hoài nghi của Tổng thống Mỹ Joe Biden về nỗ lực của Mỹ và đồng minh có thể giúp chính quyền Afghanistan đứng vững là hoàn toàn có cơ sở; và quyết định rút quân đội Mỹ khỏi vũng lầy 20 năm này là hoàn toàn đúng đắn.
Lính Mỹ rời khỏi Afghanistan
Nguồn: Los Angeles Times

20 năm sụp đổ trong một ngày

Theo CBS News, chỉ trong ngày 15.8, Taliban thành công chiếm giữ Thủ đô Kabul và buộc Tổng thống Ashraf Ghani phải rời khỏi đất nước. Thậm chí, chính những tay súng Taliban cũng bất ngờ với tốc độ giành chiến thắng của mình, khi người đứng đầu Văn phòng Chính trị của tổ chức này Mullah Abdul Ghani Baradar thừa nhận trong một tuyên bố cùng ngày rằng, Taliban đang đối mặt với những thách thức cầm quyền và sẽ sớm thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan mới.

Như vậy, đúng 2 thập kỷ sau khi liên minh quốc tế do Mỹ và Anh đứng đầu lật đổ Taliban vào năm 2001, lực lượng này đã quay trở lại nắm quyền ở Afghanistan với chiến thắng chóng vánh đáng kinh ngạc. Trước đó, Taliban đã chiếm gần như toàn bộ Afghanistan chỉ trong hơn một tuần bất chấp việc Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ USD trong gần hai thập kỷ với kỳ vọng xây dựng lực lượng an ninh Afghanistan và hỗ trợ chính quyền Kabul xây dựng một nhà nước hoạt động hiệu quả.

Theo CNN, sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng quốc gia và Chính phủ Afghanistan đã gây ra một cú sốc cho Tổng thống Joe Biden và các thành viên cấp cao trong chính quyền của ông, những người hồi tháng trước cho rằng, có thể mất vài tháng trước khi chính quyền Kabul sụp đổ; trong khi một báo cáo quân sự của Mỹ ước tính, phải mất một tháng nữa Thủ đô Kabul mới có thể bị Taliban chiếm đóng.

Giờ đây, các quan chức Mỹ thẳng thắn thừa nhận họ đã tính toán sai. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho hay: "Thực tế của vấn đề là chúng tôi thấy rằng lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đã không thể bảo vệ đất nước. Điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán".

Đằng sau một quyết định 

Việc Taliban tiếp quản một Afghanistan hầu như không bị kiểm soát đã làm dấy lên nhiều tranh cãi rằng, quyết định của Mỹ vội vã rút quân có phải đang đẩy Afghanistan vào vòng nguy hiểm. Tuy nhiên, lại cũng chính thất bại quá dễ dàng của chính quyền Afhganistan cho thấy quyết định của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi rút các lực lượng Mỹ và liên quân khỏi quốc gia này là bước đi sáng suốt.

Hoạt động kém hiệu quả của các thể chế quân sự và quản lý của Afghanistan đã trả lời cho câu hỏi trước đó. Liệu những nỗ lực quốc tế do Mỹ đứng đầu trong suốt hai thập kỷ với hàng nghìn sinh mạng và hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ Afghanistan: tiêu diệt Al-Qaeda; đánh lui Taliban; hỗ trợ, cố vấn, huấn luyện và trang bị cho quân đội Afghanistan; củng cố các thể chế quản lý; và đầu tư vào xã hội dân sự của đất nước… có thể giúp Afghanistan đứng vững trên đôi chân của mình hay không? Câu trả lời là không. Như bước tiến thần tốc của Taliban đã chứng tỏ, ngay cả phương Tây có thể dành ra 20 năm hỗ trợ nữa cũng không thể tạo ra các thể chế giúp Afghanistan tự bảo đảm an ninh cho mình.

Các chuyên gia cho rằng, quá ngây thơ khi phương Tây muốn biến Afghanistan thành một quốc gia tập trung, thống nhất. Đặc điểm địa hình đồi núi và sa mạc; sự phức tạp về sắc tộc; sự trung thành của các bộ lạc và thái độ thù địch của chính người dân Afghanistan với chính sách can thiệp của nước ngoài đã tạo ra tình trạng phân hóa chính trị lâu dài ở Afghanistan. Những điều kiện không thể tránh khỏi này dẫn đến bất kỳ các nỗ lực nhằm biến Afghanistan thành một quốc gia hiện đại cũng đều thất bại. Tổng thống Joe Biden nhìn thấy điều đó và ông đã đưa ra lựa chọn khó khăn nhưng chính xác - rút lui, kết thúc một nỗ lực vốn đã tuyệt vọng ngay từ ban đầu.

Quyết định rút quân cũng được thúc đẩy bởi một thực tế là mặc dù khi Mỹ đã thất bại trên mặt trận xây dựng quốc gia, họ đã đạt được mục tiêu chiến lược chính của mình: Ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai nhằm vào Mỹ hoặc các đồng minh của họ từ lãnh thổ Afghanistan. Mỹ và các đối tác liên minh đã tiêu diệt Al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan. Điều tương tự cũng xảy ra đối với chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo Afghanistan, vốn đã chứng tỏ không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công xuyên quốc gia từ Afghanistan.

Cùng lúc đó, Mỹ đã xây dựng một mạng lưới đối tác toàn cầu để chống lại chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới, chia sẻ thông tin tình báo liên quan và cùng nhau tăng cường khả năng phòng thủ trong nước chống lại các cuộc tấn công khủng bố. Mỹ và các đồng minh ngày nay trở thành những mục tiêu khó hơn nhiều so với thời điểm ngày 11.9.2001. Al-Qaeda đã không thể thực hiện một cuộc tấn công lớn ở nước ngoài kể từ vụ đánh bom ở London năm 2005.

Tất nhiên, không có gì bảo đảm rằng, Taliban sẽ không cung cấp bến đỗ an toàn cho Al-Qaeda hoặc các nhóm tương tự nhưng khả năng đó rất khó xảy ra. Bởi sau khi chiếm Thủ đô Kabul, Taliban vốn đang tìm cách xây dựng một quốc gia mới, sẽ muốn duy trì tính hợp pháp như một lực lượng chính trị chính thống và tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Lực lượng này sẽ không hợp tác với các nhóm khủng bố đang tìm cách tấn công các thế lực nước ngoài.

Còn một nhân tố nữa cho thấy Tổng thống Biden đã đúng khi đưa ra quyết định chấm dứt sứ mệnh quân sự ở Afghanistan, đó là bởi lựa chọn này phù hợp với ý nguyện của người dân Mỹ. Hầu hết công chúng Mỹ, bao gồm cả những người ủng hộ phe Dân chủ và Cộng hòa, đều đã mất kiên nhẫn với “những cuộc chiến không hồi kết” Afghanistan hay Iraq. Chủ nghĩa dân túy phi tự do, yếu tố đưa đến chiến thắng của Tổng thống Donald Trump năm 2016 và suýt mang lại chiến thắng thứ hai cho ông năm 2020 một phần là phản ứng trước những chính sách mệt mỏi của Mỹ ở các nước Trung Đông. Trong bối cảnh những người lao động Mỹ bất mãn về kinh tế trong nhiều thập kỷ, gần đây càng trở nên trầm trọng hơn do tác động tàn phá của đại dịch, họ muốn tiền thuế của họ được chuyển đến Kansas, chứ không phải Kandahar.

Về phần mình, Afghanistan xứng đáng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nhưng điều tốt nhất mà cộng đồng quốc tế có thể làm lúc này là tránh cho người dân nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo; thúc đẩy thỏa hiệp chính trị để đưa đến một quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và ổn định. Phái bộ quân sự do Mỹ dẫn đầu đã không thể làm gì hơn, và họ đã rời đi đúng hướng.

Đạt Quốc