Lựa chọn đại biểu ưu tú

- Thứ Năm, 06/05/2021, 08:36 - Chia sẻ
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang VŨ MẠNH HÙNG, công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại tỉnh Bắc Giang được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Qua đó, lựa chọn những đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Công khai, đúng pháp luật

- Đến nay công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp tại Bắc Giang đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Công tác chuẩn bị cho bầu cử được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cùng các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Theo đó, công tác triển khai quán triệt về công tác bầu cử được thực hiện đồng thời với hội nghị triển khai của Trung ương, thông qua hình thức trực tuyến đến cấp xã. Công tác thành lập các tổ chỉ đạo, phụ trách bầu cử được thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã như Ban chỉ đạo bầu cử; Ủy ban Bầu cử các cấp; Ban Bầu cử các cấp; Tổ Bầu cử, bảo đảm theo luật định.

Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang Vũ  Mạnh Hùng

Tỉnh Bắc Giang cũng tiến hành triển khai thực hiện các bước của công tác hiệp thương giới thiệu, phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH khu vực tỉnh Bắc Giang và đại biểu HĐND các cấp; lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với ứng cử viên bảo đảm dân chủ, công khai và đúng pháp luật.

Công tác tuyên truyền đến đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp Nhân dân về cuộc bầu cử cũng được thực hiện thường quyên, liên tục trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng như biên tập bản in thông báo nội bộ 8.500 bản/số; phát động hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND”. Mở chuyên mục “Bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” trên cổng thông tin điện tử của Sở Nội vụ. Đăng tải các văn bản chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Bầu cử tỉnh; biên soạn đăng tải 200 câu hỏi - đáp về bầu cử.

Ngoài ra, cơ sở vật chất cho công tác bầu cử cũng được chuẩn bị. Với nguồn kinh phí được tiếp nhận từ Trung ương khoảng hơn 29 tỷ đồng, tỉnh đã cấp phát kịp thời đến Tổ Bầu cử, Ban Bầu cử và Ủy ban Bầu cử, UBND cấp huyện, cấp xã; in tài liệu, biểu mẫu thống nhất phục vụ công tác nghiên cứu và tổng hợp kết quả bầu cử trên địa bàn tỉnh.

- Trong công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, tỉnh Bắc Giang gặp phải những khó khăn nào, và cách giải quyết những khó khăn đó, thưa ông?

- Trong quá trình chuẩn bị công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh, ngoài những mặt thuận lợi, tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Một là, việc lập danh sách cử tri nói chung, nhất là đối với lực lượng công an chính quy ở cấp xã; cử tri là công nhân trong các khu công nghiệp chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hai là, quy định danh mục chi, mức chi phục vụ bầu cử; kinh phí chi bầu cử. Ba là, hầu hết công chức trực tiếp tham mưu công tác bầu cử cấp huyện, cấp xã lần đầu tiên tham gia nên chưa hiểu biết rõ về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, dẫn đến công tác tham mưu bầu cử ở một vài đơn vị còn hạn chế.

Trước những khó khăn đó, căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Cư trú, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu ban hành Hướng dẫn số 79/HD-SNV về nghiệp vụ công tác bầu cử, trong đó hướng dẫn chi tiết việc lập danh sách cử tri, giúp UBND cấp xã, cơ quan, đơn vị liên quan có căn cứ để rà soát lập danh sách cử tri. Cụ thể, lực lượng công an chính quy cấp xã thực hiện theo Công văn số 109/VPHĐBCQG-PL ngày 25.3.2021; các đối tượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp được UBND cấp xã rà soát cụ thể từng hộ gia đình quản lý phòng trọ, trao đổi trực tiếp đối tượng để lập danh sách cử tri bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định.

Sở Nội vụ cũng đã phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐND ngày 29.3.2021 ban hành quy định về danh mục chi, mức chi hoạt động công tác bầu cử, giúp cho các tổ chức phụ trách bầu cử trên địa bàn chi phục vụ bầu cử bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiểu biết sâu về công tác bầu cử, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 49/KH-UBBC tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bầu cử đối với những người trực tiếp làm công tác bầu cử cấp xã, tổ bầu cử, ban bầu cử, dự kiến 7.000 thành viên, dưới dạng cầm tay chỉ việc, thời gian thực hiện từ 15.4 đến hết 15.5.2021.

Rà soát, bảo đảm quyền lợi cho cử tri

- Bắc Giang là địa phương có nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều công nhân, số lượng lớn lao động ngoại tỉnh, vì vậy việc rà soát, bảo đảm quyền lợi cho các cử tri được tiến hành như thế nào? Phương thức bầu cử tại những vùng này ra sao, thưa ông?

- Việc rà soát, lập danh sách cử tri đối với lực lượng lớn công nhân người ngoại tỉnh, đang trọ và làm việc tại các khu công nghiệp là một trong những khó khăn vướng mắc đối với UBND cấp xã trong quá trình rà soát lập danh sách cử tri. Mặc dù vậy, do làm tốt ngay từ đầu công tác khai báo tạm trú trên địa bàn, nên UBND cấp xã đã nắm chắc số lượng các đối tượng có thời gian tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên và đối tượng chưa đủ 12 tháng.

Để mọi cử tri trong độ tuổi bầu cử đều có quyền bầu cử, Hướng dẫn số 79/HD-SNV đã hướng dẫn chi tiết việc rà soát, lập danh sách cử tri theo quy định. Theo đó, việc rà soát đến từng chủ hộ phòng trọ được triển khai thực hiện quyết liệt, không để bỏ sót cử tri có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú, được Ủy ban Bầu cử tỉnh chỉ đạo Ủy ban Bầu cử các huyện, thành phố và UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

- Ông có thể nói rõ về điểm nổi bật trong công tác bầu cử nhiệm kỳ 2021 - 2026 của tỉnh Bắc Giang?

- Có thể kể đến một số điểm nổi bật trong công tác bầu cử của nhiệm kỳ này, cụ thể như việc quán triệt công tác bầu cử được thực hiện sớm, cùng với hội nghị triển khai của Trung ương, giúp cơ sở chủ động trong công tác chuẩn bị phục vụ công tác bầu cử. Bên cạnh đó, quy định về hồ sơ những người ứng cử và hệ thống biểu mẫu, biên bản ban hành kèm theo Nghị quyết số 41/HĐBCQG rõ ràng hơn, giúp cơ sở triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả.

Giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp theo Luật số 47/2019/QH14, theo đó cấp tỉnh Bắc Giang được bầu 75 đại biểu (giảm 10 đại biểu so nhiệm kỳ trước); cấp huyện tối đã 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu), cấp xã tối đa 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu), nên việc lựa chọn cơ cấu, giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp được quan tâm, nhất là quy trình giới thiệu nhân sự ứng cử chặt chẽ nhằm lựa chọn những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về rà soát, thẩm định tiêu chuẩn đại biểu cũng có một số điểm mới. Theo đó, Luật số 47/2019/QH14 và Luật số 65/2020/QH14 đã bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND “có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”. Theo đó, người có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam phải là người không đồng thời có quốc tịch của một quốc gia khác.

Ngoài ra, người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh thực hiện