Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, kể từ khi ra đời, Đảng ta luôn xác định vị trí, vai trò quan trọng của vấn đề dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đề ra những nguyên tắc, định hướng chiến lược cơ bản về dân tộc và chính sách dân tộc, đó là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc. Đường lối, quan điểm của Đảng đối với vấn đề dân tộc liên tục được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của đất nước qua mỗi giai đoạn cách mạng.
Để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc, việc xây dựng một đạo luật về lĩnh vực dân tộc đã được tiến hành từ năm 1993, có thể nói là một trong những dự luật có thời gian "thai nghén" dài nhất.
Trong đó, giai đoạn 1993 - 2002, dự thảo Luật Dân tộc được Hội đồng Dân tộc nghiên cứu và soạn thảo với 13 lần lấy ý kiến, tiếp thu và chỉnh lý. Giai đoạn 2003 - 2007, nhiệm vụ trên được giao cho Ủy ban Dân tộc chủ trì và có sự phối hợp của 10 bộ, ngành liên quan, dự luật tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung đến lần thứ 5.
Giai đoạn 2016 - 2017, Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tên gọi “Luật Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số”. Sau đó, một phần của nội dung này được phát triển thành đề án tổng thể “Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Nghị số 88/2019/QH14.
"Mặc dù qua nhiều lần, nhiều bước, các dự thảo Luật đã dần được hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, dự thảo Luật Dân tộc vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhiều vấn đề chưa thuyết giải được rõ ràng, chưa tạo được sự đồng thuận ngay từ những vấn đề rất chung như: tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và cấu trúc nội dung...".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho biết, sang đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Đảng đoàn Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Hội đồng Dân tộc tiếp tục triển khai hoạt động nghiên cứu cơ sở lý luận, khoa học, pháp lý, thực tiễn làm cơ sở để đề xuất xây dựng Hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc, điều chỉnh toàn diện các mối quan hệ xã hội về dân tộc, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các cơ sở, căn cứ đề xuất tên gọi, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Các đại biểu đánh giá, hệ thống chính sách dân tộc hiện nay đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực, nhưng nội dung các chính sách còn một số hạn chế, bất cập, các lĩnh vực được triển khai còn chồng chéo, hiệu quả còn thấp. Do đó, việc xây dựng và ban hành luật chuyên ngành để điều chỉnh lĩnh vực dân tộc có ý nghĩa cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới hiện nay.
Các đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng dự luật phải thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc, đó là: bảo đảm sự bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển và tạo điều kiện để các dân tộc phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước. Đồng thời đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết để lựa chọn cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng Luật Dân tộc; xác định các vấn đề mấu chốt, nguyên tắc thể hiện ra sao để khai triển các nội dung tiếp theo.