Lữ khách Italy và hành trình khám phá Việt Nam

Hương Sen 29/03/2013 08:38

17 chân dung lữ khách Italy và hành trình khám phá Việt Nam của họ trong cuốn sách Những lữ khách Ý trong hành trình khám phá Việt Nam của nguyên Đại sứ Italy tại Việt Nam Mario Sica đã đem lại những góc nhìn thú vị về đất nước và con người Việt Nam.

Mario Sica có nhiệm kỳ ngoại giao đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Xuất phát từ sự gắn bó với đất nước và con người nơi đây, ông đã sưu tầm, tìm kiếm những ghi chép, bút ký của các lữ khách người Italy, từ nhà thám hiểm Marco Polo đến thầy tu Giuliano Baldinotti, nhà động vật và nhân chủng học Enrico Hillyer Giglioli, nhà truyền giáo Cristoforo Borri… với mong muốn đem đến cho độc giả một góc nhìn độc đáo và thú vị về thế giới người Việt, từ văn hóa, phong tục, tập quán đến lịch sử.

Mario Sica mở đầu cuốn sách của mình bằng ghi chép của nhà thám hiểm Marco Polo khi khắc họa những sản vật trù phú cùng những nét tiêu biểu trong phong tục của người Việt cổ: quận Giao Chỉ là nơi có nhiều vàng và gia vị quý hiếm chất lượng cao; phụ nữ Đông Kinh đeo rất nhiều vòng vàng bạc quý giá ở cánh tay và cẳng chân, đàn ông cũng đeo trang sức, nhưng quý hiếm và đẹp hơn của phụ nữ, ở đây họ có mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Quận Lu Lộc Màn (một trong những vùng cao nguyên Việt Nam) có nhiều thành phố, đặc biệt là nhiều làng trên những ngọn núi cao, họ không có rượu nho, nhưng biết nấu một loại rượu rất ngon bằng gạo và gia vị…

Ở những trang sách tiếp theo, Mario Sica đã cho độc giả Việt Nam tiếp cận nhiều ghi chép thú vị về muôn mặt đời sống của con người Việt Nam như trang phục, nhà cửa, lễ hội của người Đàng Trong. Nhà truyền giáo Cristoforo Borri đã nhắc đến trong trang viết của mình như một khám phá thú vị: “Về trang phục, lụa nhiều đến nỗi nông dân và người lao động chân tay cũng mặc nó… Những người phụ nữ Đàng Trong mặc năm hoặc sáu lớp áo lụa, lớp nọ phủ lên lớp kia, mỗi cái một màu… Họ để kiểu tóc gợn sóng, xõa xuống vai, có khi tóc dài chạm đất. Trên đầu họ đội một loại mũ lớn, được tết từ lụa và vàng…”

Nói chuyện với độc giả Việt Nam nhân dịp ra mắt cuốn sách, tác giả Mario Sica cho rằng: những lữ khách Italy đến Việt Nam đều trong thời kỳ chiến tranh nhưng trong ký ức của họ không có sự hiện diện của súng đạn. Cái họ nhìn thấy là những nét đẹp của con người Việt, sự độc đáo của văn hóa Việt. Enrico Hillyer Giglioli, lữ khách kiêm nhà động vật học đã có những dòng miêu tả đầy cảm xúc về cây đa cổ thụ, một loại cây điển hình của vùng Đông Nam châu Á: “với thân cây to lớn có nhiều cành nhánh, một số bám rễ rồi uốn lượn một cách kỳ diệu trên mặt đất giống như những con rắn khổng lồ, trong khi đó những nhánh cây non rủ xuống đu đưa như những sợi dây thừng mỏng mảnh. Tôi chưa từng bắt gặp ở bất cứ nơi đâu khác một hình mẫu to lớn và đẹp đến thế của loài cây này”. Và ông có sự ví von, nếu như ở Italy, để thể hiện quan niệm về quốc gia, người ta thường sử dụng hình ảnh cây sồi, thì ở Việt Nam, người ta liên tưởng đến cây đa với những cành cây thòng xuống đất, bắt rễ rồi tạo thành một lùm cây sum suê. Đó chính là sự đa dạng nằm trong tổng thể thống nhất của quốc gia này.

Mối quan tâm của người Italy đến Việt Nam còn thể hiện ở chỗ họ nhìn thấy sức bền bỉ, dẻo dai của người Việt trong đời sống canh tác, đặc biệt là cây lúa nước. Linh mục Giuseppe Capra viết: “Việc thu hoạch lúa cũng giống như tại Italy, để lúa được tinh khiết hơn, người nông dân phải đập lúa. Họ làm việc tập thể: tất cả dân làng, hoặc ít nhất là các thành viên của gia đình tập hợp lại cùng nhau làm việc. Hình ảnh cả gia đình quây quần, giúp đỡ lẫn nhau hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp”. “Chính những điểm tương đồng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành trình khám phá Việt Nam của lữ khách Italy, khác với những gì từng được thể hiện trong các cuốn sách trước đây của người Anh, người Pháp hay người Bồ Đào Nha” - tác giả Marrio Sica chia sẻ.

Cùng với sự tương đồng của nền văn minh lúa nước (giữa miền Bắc Italy và Việt Nam), yếu tố diện tích, dân số, sự trải dài về mặt địa lý thành ba miền Bắc - Trung - Nam…, người Italy còn cảm nhận được cuộc chiến bền bỉ của các thế hệ người Việt chống lại kẻ thù. Cristoforo Borri cho rằng, những con người Đàng Trong dũng cảm, gan dạ đã chứng minh được giá trị của mình. Khi bị kẻ thù tấn công quyết liệt, họ phải đốt nhà để kẻ thù phải rút quân… Đến năm 1945, Francesco Vincenti Mareri, lúc bấy giờ là Trưởng lãnh sự ở Sài Gòn, đã viết: “Ở đây Hồ Chí Minh có uy tín, danh tiếng và được xem như người cha của đất nước, người dân rất đỗi vui mừng khi tìm thấy ở Người, ở tướng Giáp và những người Cộng sản khác thế hệ lãnh đạo của một nước Việt Nam độc lập”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lữ khách Italy và hành trình khám phá Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO