Lồng ghép với các chương trình mục tiêu để tăng hiệu quả khuyến công
Ngành công thương Hà Giang sẽ lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu khác như khuyến nông, nông thôn mới để nâng cao hiệu quả của các đề án khuyến công, hỗ trợ tốt hơn nữa cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Khẳng định vai trò quan trọng
Sở Công Thương Hà Giang cho biết, giai đoạn 2012 - 2023, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công tỉnh Hà Giang đã triển khai trên 180 đề án với tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng.
Riêng năm 2023 triển khai 6 đề án và 1 nhiệm vụ chi quản lý chương trình đề án với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 1 đề án nhóm cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí 900 triệu đồng; khuyến công địa phương hỗ trợ 5 đề án và 1 nhiệm vụ chi quản lý chương trình đề án với kinh phí trên 746 triệu đồng.

Bước sang năm 2024, hoạt động khuyến công trên địa bàn Hà Giang tiếp tục được triển khai kịp thời, đúng hướng. Nguồn kinh phí cho hoạt động khuyến công ngày càng ổn định. UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương cho 4 đề án và một số nhiệm vụ chi khác với tổng kinh phí hỗ trợ 593,1 triệu đồng. Các đề án đang triển khai theo đúng kế hoạch và dự kiến đến tháng 9.2024 sẽ tổ chức nghiệm thu hoàn thành 100% kế hoạch.
Có thể nói, khuyến công Hà Giang ngày càng có những bước tiến vững chắc, dần khẳng định được vị trí, vai trò của mình với sự phát triển của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, quá trình triển khai hoạt động khuyến công cũng gặp một số khó khăn như: việc kiểm tra, giám sát thực hiện đề án chưa được thường xuyên do biên chế khuyến công quá mỏng so với khối lượng; chi phí cho công tác quản lý đề án còn hạn chế.
Đáng chú ý, công tác tổng hợp nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các huyện, thành phố chưa được kịp thời do chưa có cán bộ chuyên trách về lĩnh vực khuyến công ở cấp huyện. Năng lực của các cơ sở còn hạn chế nên chất lượng đề án khuyến công chưa cao, việc hoàn thiện thủ tục đề án còn gặp nhiều khó khăn. Với các đề án triển khai tại các xã vùng sâu, vùng xa, mùa mưa bão làm sạt lở đất, gây ách tắc giao thông cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Ngoài ra, các ngành nghề tham gia đăng ký vẫn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực bề nổi, chưa thực sự đi vào khai thác chiều sâu để tận dụng hết tiềm năng thế mạnh hiện có như nông lâm sản, vật liệu xây dựng, gia công cơ khí...
Ưu tiên hỗ trợ các ngành có thế mạnh ở địa phương
Để nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công thời gian tới, ngành công thương tỉnh Hà Giang sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp. Theo đó, lồng ghép chương trình khuyến công với các chương trình mục tiêu khác như khuyến nông, nông thôn mới để nâng cao hiệu quả thực hiện đề án, đem lại những lợi ích đáng kể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.
Tăng cường quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đề án khuyến công. Đẩy mạnh giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố; đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ưu tiên hỗ trợ các ngành sản xuất, chế biến sản phẩm có thế mạnh tại địa phương, những sản phẩm thân thiện với môi trường, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới và ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động.
Cùng với đó, chú trọng các nội dung hỗ trợ theo nhu cầu thực tế của các cơ sở như: xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng thiết bị vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, tư vấn thiết kế bao bì sản phẩm; hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm. Cải tiến và mở rộng phương thức tuyên truyền, đặc biệt tại các huyện, thành phố, giúp các cơ sở nắm bắt kịp thời chương trình khuyến công hàng năm, tham gia đăng ký hỗ trợ.
Ngành công thương Hà Giang đề xuất Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về xác định mức hỗ trợ đề án, thẩm định giá đối với các đề án khuyến công địa phương và số lần hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khuyến công. Ví dụ, nếu cơ sở đầu tư máy móc, thiết bị khác nhau trong nhiều năm liên tiếp hoặc gián đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm theo đề án thì có được hỗ trợ kinh phí khuyến công nhiều năm liên tiếp và gián đoạn không? Hoặc, trong một năm, cơ sở có được hỗ trợ lồng ghép 2 nguồn khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương cho cùng một nội dung hỗ trợ máy móc thiết bị nhưng các máy móc, thiết bị đó khác nhau hay không?