Lồng ghép giới trong chính sách: Một vài khái niệm
Giới tính (sex) là một khái niệm thuộc phạm trù sinh học, thế nhưng, giới (gender) là một khái niệm thuộc phạm trù xã hội và văn hóa. Khái niệm này liên quan tới các đặc tính mà một nền văn hoá gắn cho nam giới và nữ giới sống trong nền văn hoá đó.

Chẳng hạn, nữ giới có xu hướng làm các công việc khác với nam giới như chăm sóc gia đình, thường được coi là kém quan trọng hơn công việc của nam giới. Nam giới có xu hướng tham gia các công việc ngoài xã hội và quản lý kinh tế. Cần nhấn mạnh rằng sự phân công lao động theo giới tính không phải là sự phân công có tính chất tự nhiên. Việc phân công này xuất phát từ các chuẩn mực xã hội và văn hoá và do vậy nó không giống nhau trong các xã hội và có thể thay đổi theo thời gian.
Để đạt được bình đằng giới, cần tìm hiểu nhu cầu giới. Nhu cầu giới có hai cấp độ: Nhu cầu giới thực tiễn và lợi ích giới chiến lược. Nhu cầu giới thực tiễn là những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống của mỗi giới. Việc đáp ứng nhu cầu giới không giúp thay đổi vị thế giữa nam và nữ trong gia đình và xã hội, do vậy cũng chưa cải thiện được bình đẳng giới. Lợi ích giới chiến lược là nhu cầu học tập, tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Việc đáp ứng nhu cầu này sẽ dẫn đến thay đổi vị thế của nam và nữ trong gia đình và xã hội, góp phần tiến tới bình đẳng giới.
Nếu giới hầu như không thay đổi được, thì điều có thể và cần thay đổi là thái độ mà xã hội ứng xử với cả hai giới và với từng giới. Về mặt pháp luật, tức là từ góc độ quyền con người, nam nữ có quyền bình đẳng như nhau trên tất cả mọi phương diện. Nhưng trên thực tế, trong nhiều xã hội, phụ nữ luôn ở vị thế thấp hơn so với nam giới. Để hướng tới một xã hội, một nhà nước văn minh, tiến bộ, thì bình đẳng giới là một vấn đề cần được đề cao, và điều đó phải được điều chỉnh bằng pháp luật, được quan tâm trong quá trình hoạch định chính sách của Nhà nước.
Bình đẳng giới là chiến lược của một quốc gia nhằm mục đích tối đa hóa tiềm năng của cả nam giới và nữ giới, nhờ sử dụng tốt nhất các nguồn nhân lực sẵn có; Thoát khỏi những định kiến mang tính xã hội và lịch sử đặt ra đối với nam giới và nữ giới, làm hạn chế các cơ hội của nữ giới; Là quan tâm một cách nghiêm túc tới công việc chăm sóc gia đình của phái nữ. Như cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Anan từng nhấn mạnh:“Bình đẳng giới không chỉ đơn thuần là mục tiêu tự thân. Đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển bền vững và xây dựng một nền quản trị quốc gia tốt đẹp”.
Một trong những biện pháp để Nhà nước thúc đẩy bình đẳng giới đó là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoạch định chính sách, mà cụ thể hơn là quá trình lập pháp. Lồng ghép giới (gender mainstreaming) là biện pháp nhằm đưa mối quan tâm của cả phụ nữ và nam giới trở thành những mục tiêu xuyên suốt quá trình hoạch định chính sách, thực hiện, giám sát, đánh giá chính sách trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội sao cho phụ nữ và nam giới có thể thụ hưởng một cách bình đẳng những chính sách đó. Đây có thể được coi như công cụ chiến lược để đưa vấn đề giới vào các chính sách nhà nước và phân công trách nhiệm rõ ràng để thực hiện các cam kết bình đẳng giới. Quan điểm về lồng ghép giới được đưa ra tại Hội nghị thế giới lần thứ 4 của LHQ về phụ nữ được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, và được cộng đồng quốc tế coi là biện pháp mang tính chiến lược nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Hoài Thu