Lòng dân hướng về Đảng

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:49 - Chia sẻ
Chọn lọc những tài liệu, hiện vật tiêu biểu nhất về các kỳ Đại hội Đảng, trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội” khẳng định sâu sắc hơn tấm lòng của Nhân dân đối với Đảng, hướng về Đảng, nguyện đi theo con đường của Đảng. Trưng bày khai mạc sáng 19.1 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Những bằng chứng thuyết phục

PGS.TS. Phạm Mai Hùng, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, trưng bày tổ chức dịp này là hoạt động bổ ích, nên có và cần có. “Toàn bộ nội dung trưng bày với 200 hiện vật, tài liệu, hình ảnh, đã cung cấp những thông tin hết sức cơ bản về quá trình ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từng kỳ Đại hội của Đảng, từ Đại hội đại biểu lần thứ I đến Đại hội đại biểu lần thứ XII”.

	Trưng bày đặc biệt nhấn mạnh phần nội dung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng Ảnh: Khiếu Minh
Trưng bày đặc biệt nhấn mạnh phần nội dung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ảnh: Khiếu Minh

Cũng theo PGS.TS. Phạm Mai Hùng, ngay sau khi ra đời, Đảng đã có những hoạt động tích cực, góp phần củng cố vai trò và uy tín của mình. Sau cao trào cách mạng 1930 - 1931, phần lớn cơ sở của Đảng những năm đó bị tê liệt. Do vậy, Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng năm 1935 ở Ma Cao, Trung Quốc, có nhiệm vụ củng cố cơ sở, tổ chức của Đảng, củng cố vị thế cũng như vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng, mở rộng tuyên truyền chống đế quốc, chống chiến tranh... Giai đoạn này được thể hiện cô đọng trong nhiều tài liệu, điển hình là Nghị quyết Chính trị của Đại hội.

Các kỳ đại hội sau đó, như Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, được coi là đại hội kháng chiến và kiến quốc; hay Đại hội đại biểu lần thứ III là đại hội xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội… đều có các tư liệu giá trị nguyên gốc, như: Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; các nghị quyết của đại hội; phương hướng, nhiệm vụ và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế và xã hội… Nói cách khác, đây là những bằng chứng có tính thuyết phục về các kỳ đại hội Đảng. Đồng thời, cũng thấy được tấm lòng của Nhân dân đối với Đảng, hướng về Đảng, nguyện đi theo con đường của Đảng.

Theo bà Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày thể hiện xuyên suốt từ thời điểm Bác ra đi tìm đường cứu nước, tới cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành tựu của đất nước qua các kỳ đại hội, hướng tới Đại hội đại biểu lần thứ XIII. Do các sự kiện diễn ra rất nhiều, nên tại mỗi giai đoạn chỉ chọn lọc tài liệu, hiện vật tiêu biểu. Ví dụ, giai đoạn đầu là hình ảnh Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp tại Tour, tháng 12.1920. Tại Đại hội, Người ủng hộ sự ra đời của Quốc tế Cộng sản, Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên.

Tiếp đó là hình ảnh về Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3.2.1930; văn bản “Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt” - Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, tháng 2.1930; Sơ đồ tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam và các hội quần chúng, năm 1930. Đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt nhịp bài "Kết đoàn" trong buổi dạ hội chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng do Đoàn Thanh niên Lao động tổ chức tại vườn Bách thảo Hà Nội, ngày 19.9.1960…

“Các nội dung được trưng bày theo vấn đề, trong vấn đề lại tổ chức theo biên niên, kết hợp với thủ pháp media, bổ sung những thành công, thành tựu lớn của đất nước thông qua các kỳ đại hội. Đây là cách làm mới, để các nội dung không bị lặp, người xem vì thế tránh được sự nhàm chán”, bà Trần Thu Hà cho biết.

Xây dựng Đảng, đào tạo đội ngũ cán bộ

Với khối lượng hiện vật phong phú, trưng bày giúp người xem nhớ lại các kỳ đại hội qua hình ảnh, văn bản, hiện vật. Ở tư liệu văn bản, tác phẩm “Đường kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập hợp các bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị từ năm 1925 - 1927 chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là văn bản có giá trị đặc biệt. Theo bà Trần Thu Hà, thay vì giới thiệu ở phần đầu, tác phẩm này được chuyển sang thể hiện trong phần công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đạo đức cách mạng.

	Trang đầu tiên trong cuốn "Đường kách mệnh" (Bảo vật quốc gia)
Trang đầu tiên trong cuốn "Đường kách mệnh" (Bảo vật quốc gia)

Được dành riêng một tủ trưng bày, phần nội dung tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khái quát từ những ngày đầu Bác ra đi tìm đường cứu nước, những hoạt động hướng tới chuẩn bị thành lập một chính đảng tại Việt Nam, chuẩn bị đào tạo đội ngũ cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, thể hiện trong cuốn "Đường kách mệnh" với hình ảnh trang đầu tiên “Tư cách một người cách mệnh" - nội dung chỉ rõ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng.

Bên cạnh đó còn có các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: "Sửa đổi lối làm việc", tháng 10.1947; "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", bút danh T.L, NXB Tiền Phong miền Nam Việt Nam, năm 1969. Các bản phê bình có chữ viết của Bác gửi đồng chí Trường Chinh, văn kiện của đồng chí Lê Duẩn, nghị quyết nói về vấn đề xây dựng Đảng, các nội dung do Tổng Bí thư các thời kỳ soạn về xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng chiến lược…

Giới thiệu về Đại hội lần thứ XII, năm 2016, nội dung trưng bày nhấn mạnh: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

PGS.TS. Phạm Mai Hùng nhận xét, cách phân bổ tài liệu, sự kết hợp của các khối tài liệu, cùng cách trình bày mới giúp người xem có được nhận thức sống động mang tính thời sự về các kỳ đại hội nối tiếp. Đây cũng là các hành động cụ thể, chứ không phải là hô khẩu hiệu, về quá trình sống, chiến đấu, xây dựng và đổi mới đất nước của nhân dân ta và những kỳ vọng tốt đẹp cho Đại hội đại biểu lần thứ XIII.

Hương Sen