Long An - điểm sáng thu hút đầu tư

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:19 - Chia sẻ
Với tiềm năng phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao, Long An được kỳ vọng trở thành một trong những khu kinh tế lớn nhất khu vực Nam Bộ, một khu kinh tế kiểu mẫu của Việt Nam, cũng như trong khu vực.

“Cô gái đẹp nhiều khát vọng”

Tại tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao” được tổ chức sáng 19.4, tại UBND tỉnh Long An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, Long An là 1 trong 8 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nhiều đặc điểm thuận lợi để thành công là vị trí địa lý thuận lợi, kết nối giao thông hoàn chỉnh và nền tảng khu công nghiệp có sẵn.

Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh tăng trưởng với tốc độ khá cao, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 9,11%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng định hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đời sống người dân ngày càng cải thiện. Mặc dù, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nhưng tỉnh Long An vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá cao 5,91% trong năm 2020.

Toàn cảnh Tọa đàm Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao Long An

Công nghiệp xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh. Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được quan tâm, đôn đốc thực hiện. Hiện nay, Long An đã quy hoạch 35 khu công nghiệp trên diện tích 11.954,79 hecta đã đưa vào quy hoạch khu công nghiệp Việt Nam. Trong đó, có 20 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận nhà đầu tư. Tỷ lệ lấp đầy các khu đang hoạt động là 87,39%. Đặc biệt, những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An luôn ở nhóm tốt đến rất tốt, năm 2020 giữ vị trí 3/63 tỉnh, thành phố cả nước trong bảng xếp hạng PCI.

Ví von “Long An như một cô gái đẹp nhiều khát vọng”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được khẳng định, Long An luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư; phát triển kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; chú trọng thu hút và triển khai các dự án đầu tư lớn, có tác động mạnh đến phát triển kinh tế xã hội; phấn đấu 100% khu, cụm công nghiệp đã có chủ trương thành lập đi vào hoạt động.

Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao

Tại tọa đàm, các đại biểu đều nhận định, chuyển đổi số là một xu thế không thể đảo ngược trong thời đại ngày nay, kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế, mà còn làm các nền kinh tế thay đổi. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng... Kinh tế số còn tạo thêm nguồn tài nguyên mới (tài nguyên số, của cải số) cho phát triển, thay đổi cách giao tiếp của con người, tạo cơ hội cho các địa phương, các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và địa phương nào, nước nào tận dụng tốt cơ hội sẽ vượt lên.

Nhận thức được điều này, Long An rất quyết tâm trong chuyển đổi số. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An Nguyễn Bá Luân nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh hiểu rằng chuyển đổi số phải bắt đầu từ chuyển đổi về thể chế, về chính sách và nhận thức. Chuyển đổi số cũng phải đồng hành với chuyển đổi về công nghệ. “Phải làm thế nào công nghệ số len lỏi vào nhà, từng ngõ ngách, từng con phố, dựa trên 3 trụ cột chính: Xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng kinh tế số; xây dựng xã hội số”… ông Luân chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân để đề ra các định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao thông minh của tỉnh, trong đó cần chú trọng phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh cần xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế để tập trung phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Đối với nông nghiệp cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thể chế, xây dựng thành công chính quyền điện tử/số, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, nhất là trong giai đoạn hiện nay bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cần phải sâu sát hơn, kịp thời quan tâm, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhấn mạnh, xác định phát triển kinh tế công nghệ cao rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu Long An cần phải nhanh chóng hợp tác trong nước và quốc tế trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, khai thác tốt lợi thế bên cạnh TP. Hồ Chí Minh (Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao) để phục vụ phát triển.

Lan Chi - Nguyễn Thúy