Chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc Lớn mạnh cùng quá trình mở rộng không gian chính sách
Cho tới nay, khu vực tư nhân đã phát triển thành một thành phần cơ bản của hệ thống kinh tế Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và mạnh mẽ.
Bước khởi đầu
Trước năm 1978, việc thúc đẩy kinh tế tư nhân tại Trung Quốc chưa được chú trọng. Tuy nhiên, kể từ năm 1978, cùng với chính sách "Cải cách và Mở cửa", Trung Quốc đã ban hành quy định thúc đẩy phát triển hộ kinh doanh cá thể. Thống kê cho thấy, năm 1979, số hộ kinh doanh cá thể ở Trung Quốc đạt mức 310.000 hộ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 1978.

Cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân là sự kiện người bán hàng rong 19 tuổi tên Zhang Huamei đăng ký quầy hàng bán cúc áo và đồ chơi ở thành phố cảng Ôn Châu vào năm 1980. Kể từ đó, các doanh nghiệp tư nhân liên tục xuất hiện và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia, dù vẫn chịu nhiều hạn chế so với doanh nghiệp nhà nước vốn được ưu tiên về tài chính, giấy phép và quyền tiếp cận các ngành chiến lược.
Giai đoạn 1980 - 2012
Trong những năm 1990, sự phát triển của khu vực tư nhân trở nên mạnh mẽ hơn sau khi lãnh đạo Trung Quốc tái khẳng định cam kết của chính phủ đối với cải cách kinh tế trong chuyến thăm miền Nam năm 1992.
Vào năm 1993, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành: “Một số ý kiến về thúc đẩy phát triển nền kinh tế tư nhân”, đưa ra những biện pháp khuyến khích phát triển ở các phương diện khác nhau như: đăng ký, tiếp cận thị trường, cổ phần hóa, mở rộng kinh doanh...
Đại hội lần thứ XV năm 1997 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa kinh tế phi công hữu trở thành một trong những thành phần quan trọng của kinh tế ở Trung Quốc. Thể chế hóa điều này, Trung Quốc tiến hành sửa đổi Hiến pháp, khẳng định nền kinh tế phi công hữu là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa IX năm 1999 khẳng định: “Nhà nước bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh”. Đây được nhận định là những bước đệm nền tảng thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân.
Điều này đã góp phần thúc đẩy số lượng doanh nghiệp tư nhân lên đến 2.028.200 doanh nghiệp vào năm 2001, trong khi số lượng hộ kinh doanh đến 24,33 triệu hộ.
Trong giai đoạn 2002 - 2007, quốc gia tỷ dân tiếp tục tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển bằng việc đưa ra các chính sách khác nhau như: sửa đổi quy định, nới lỏng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa phát triển, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của các doanh nghiệp tư nhân, từng bước loại bỏ việc đối xử thiếu minh bạch trong các doanh nghiệp.
Năm 2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc triển khai chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các biện pháp, như: tạo môi trường tốt, tăng hỗ trợ tài chính và thuế, hỗ trợ phát triển thị trường... hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế vào năm 2012.
Đến cuối năm 2012, số hộ kinh doanh cá thể đạt 40,59 triệu hộ, trong đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân đạt khoảng 10,85 triệu doanh nghiệp với 113 triệu người, mức vốn đạt 31.100 tỷ nhân dân tệ.
Thay đổi chính sách kinh tế kể từ năm 2013
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu từ năm 2013, Trung Quốc tập trung vào cải cách cơ cấu nhằm giúp đất nước tránh rơi vào cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” - tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại sau khi đạt mức thu nhập trung bình, khiến quốc gia khó vươn lên nhóm thu nhập cao.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ ba, Khóa XVIII năm 2013, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình công bố kế hoạch cải cách gồm 60 điểm, cam kết để “thị trường đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực.” Tuy nhiên, song song với lời hứa đó, kế hoạch cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược, thể hiện nỗ lực duy trì cân bằng giữa kiểm soát của nhà nước và tự do thị trường.
Sự thay đổi chính sách ủng hộ doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ một số yếu tố chính. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vì vai trò ổn định kinh tế và thúc đẩy các dự án lớn như "Vành đai - Con đường". Doanh nghiệp nhà nước được xem là lực lượng chủ chốt trong đổi mới công nghệ và hiện đại hóa công nghiệp, dẫn đến nhiều chính sách ưu đãi như vay vốn lớn (83% năm 2016), lãi suất thấp và trợ cấp cao. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân - dù hiệu quả hơn - lại chỉ nhận được 11% tổng giá trị vay, gây ra sự bất bình đẳng. Từ đó, xuất hiện nhiều kêu gọi về “trung lập cạnh tranh” để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế, từ năm 2014, quá trình cải cách chậm lại và doanh nghiệp nhà nước dần chiếm ưu thế trở lại trong các ngành chiến lược như dầu khí, điện và giao thông, với tỷ lệ đầu tư áp đảo. Doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn từ 2017 - 2018 do tín dụng bị siết chặt, lãi suất tăng và chi phí huy động vốn cao hơn so với doanh nghiệp nhà nước. Việc dòng vốn suy giảm và tín dụng phi chính thức bị thu hẹp khiến khu vực tư nhân ngày càng yếu thế trong cạnh tranh.
Đại dịch Covid-19 - bước ngoặt quan trọng
Đại dịch toàn cầu trở thành bước ngoặt đối với khu vực tư nhân Trung Quốc khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, buộc Chính phủ phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho cả khu vực công và tư. Dù cần thiết, nhưng tác động thực sự vẫn khó đo lường. Số liệu cho thấy bức tranh ảm đạm: gần 68% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị sụt giảm mạnh doanh thu, hơn 21% gặp khó khăn trong việc trả nợ, và 86% chỉ có thể duy trì hoạt động trong vài tháng nếu không được tiếp thêm tài chính.
Để hỗ trợ khu vực tư nhân, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng cung cấp ít nhất 40% khoản vay doanh nghiệp mới cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời triển khai các ưu đãi như miễn lãi suất và bảo lãnh tín dụng nhà nước. Sau phong tỏa, áp lực tài chính giảm nhẹ nhờ hỗ trợ tín dụng và lợi suất trái phiếu tăng. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa ổn định tài chính và phân bổ tín dụng theo cơ chế thị trường vẫn là thách thức lớn, do những vấn đề hệ thống sâu xa còn tồn tại.
Trong quá trình phục hồi hậu Covid-19, khu vực tư nhân Trung Quốc đóng vai trò then chốt, góp phần vào mức tăng 6,1% trong hoạt động thương mại và 9,1% trong đầu tư tư nhân vào sản xuất và dịch vụ. Chính phủ đã đưa ra các sáng kiến như chuyển đổi số và mở rộng tiếp cận đầu tư nhằm khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào các lĩnh vực trước đây do nhà nước chi phối. Dù đối mặt với nhiều rào cản từ năm 2013, khu vực này vẫn tăng trưởng mạnh: số doanh nghiệp tư nhân đăng ký tăng từ 61 triệu (2013) lên 154 triệu (2021), thị phần tăng từ khoảng 79% lên hơn 92% (2012 - 2023). Khu vực tư nhân hiện đóng góp 60% GDP, 70% năng lực đổi mới, 80% việc làm thành thị và 90% việc làm mới. Trước bối cảnh kinh tế khó khăn và căng thẳng địa chính trị, Trung Quốc đã xác định việc củng cố khu vực tư nhân là ưu tiên để bảo đảm ổn định và phát triển bền vững.