Lời thú tội trên ghế điện (Phần 1)
Truyện ngắn của Richard Stark (Mỹ)

27/07/2009 00:00

Lời thú tội trên ghế điện (Phần cuối)

Tôi không thể nói chính xác rằng ý định giết Jennis của tôi lúc nào thì chín muồi. Tất nhiên tôi buồn chán nghĩ đến việc đó không phải một tháng, nhưng có lẽ tôi may mắn nhớ được thời điểm mà những mong ước vu vơ đó của tôi trở thành một kế hoạch được vạch ra rõ ràng. Có lẽ chuyện bắt đầu vào đúng hôm người giao hàng mang đến tờ biên lai thanh toán chiếc áo lông mà Jennis đã mua, thậm chí còn không cho tôi biết. Tôi không thể nào nhìn chiếc áo lông ngốn của tôi những gần 2.000 đô la – một phần năm thu nhập cả năm của tôi – rồi cô ta suýt nữa thì giết tôi khi nói rằng lúc trở về nhà sau một cuộc đi dạo đến rã người quanh các cửa hiệu trên Đại lộ Năm, cô đã để quên cái áo đắt tiền đó trên toa hành lý. Hoặc, có thể chuyện lại bắt đầu sớm hơn thế một chút, khi nhân lúc vắng tôi, Jennis đã nhanh nhảu tậu một ngôi nhà ở Connecticut. Chúng tôi sẽ không phải héo mòn đi trong bốn bức tường đá ở Manhattan nữa. Không khí nông thôn trong lành sẽ mang đến cho chúng tôi những khả năng mới. Ngoài ra, sẽ rất có lợi cho sức khỏe của tôi nếu mỗi sáng dậy sớm hơn một tiếng đồng hồ và chạy như bay cho kịp chuyến tàu tốc hành buổi sáng. Mà cũng có thể chuyện đã bắt đầu vào đúng cái ngày tôi quyết định xem bảng cân đối tài chính của gia đình và phát hiện thấy suốt nửa năm qua chúng tôi đã nộp phạt vì bội chi tín dụng ngân hàng nhiều hơn là chi cho ăn uống.

Mà có thể chuyện hoàn toàn không phải ở cô. Có thể nguyên nhân của mọi chuyện là Karen. Karen! Thư ký riêng tại văn phòng riêng của tôi, người đã luôn tán thưởng tôi, chứ không như Jennis, chỉ khen mỗi khi tôi trả các khoản chi phí cho cô. Nói chung, đây là một câu chuyện khá chó chết. Vì đợi tôi ở nhà là mụ vợ – nguyên nhân thường xuyên của các trận cãi vã đầy kích động. Còn ở nơi làm việc là cô thư ký lịch sự và thông minh – nếu không nói là xinh đẹp, luôn đồng điệu, khiến tôi dễ dàng quên đi những mối quan tâm nặng nề của cuộc sống thường nhật. Tôi thường ở lại trong thành phố muộn hơn và điều không tránh khỏi đã xảy ra. Tôi và Karen đã yêu nhau. Người ta có thể cho rằng quan hệ của chúng tôi chỉ là sự dan díu thường thấy giữa ông chủ và nữ thư ký, nhưng đây hoàn toàn khác. Karen là một người quá trong sáng, dịu dàng và nồng nhiệt yêu tôi. Tôi hiểu rằng cần phải ly hôn với Jennis và cưới Karen. Khi tôi được tự do, Karen sẽ là của tôi. Đầu tiên tôi nghĩ đến việc ly dị. Tôi không tin rằng Jennis sẽ từ chối, vì vào thời điểm ấy ly dị dường như trở thành mốt của dân tình trong hạt chúng tôi, mà Jennis thường xuyên mong muốn hòa nhịp với thời đại. Nhưng sau đó tôi nhớ đến các khoản tiền cấp dưỡng. Tôi vốn biết quá rõ thói hám tiền của Jennis. Tôi đã phải rất chật vật xoay xở cho cả hai người. Giờ lại thêm cả Karen – thì chỉ nửa năm sau có lẽ tôi sẽ ngồi tù trả nợ. Không, việc ly dị bị loại bỏ. Sau đó Jennis mua cho mình một xe ôtô ngoại, và tôi bắt đầu cầu Chúa để cả hai – Jennis và ôtô - sẽ bị bét ra trên đường nhựa ở đâu đó trong quận Marit Parcue. Nếu Jennis là chướng ngại vật trên con đường đến bến bờ hạnh phúc cùng Karen của tôi, thì có nghĩa là chướng ngại vật này cần phải dỡ bỏ. Cuối cùng tôi đánh liều thổ lộ với Karen. Đầu tiên cô ấy hết sức hoảng sợ và đã bị sốc trước lời đề nghị của tôi. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục cuối cùng cô ấy đã hiểu ra rằng, một khi Jennis còn sống, chúng tôi không bao giờ có thể cưới nhau, và dần dần cô ấy chấp nhận kế hoạch của tôi.

Bây giờ chỉ còn phải quyết định thực hiện “lúc nào” và “như thế nào”. Tôi có trong tay bốn phương án giết người khác nhau: giết người như thể một trường hợp bất hạnh, giết người như thể một vụ tự sát, giết người như thể một cái chết tự nhiên và cuối cùng là giết người đúng như giết người. Tôi loại trừ ngay phương án trường hợp bất hạnh. Hàng tháng trời tôi nghĩ đến những trường hợp bất hạnh có thể xảy đến với Jennis và cuối cùng thì hiểu rằng tất cả những trường hợp này đối với tôi đều rất ít có khả năng. Mà chính tôi, người hơn ai hết trên trái đất này mong cho điều cực kỳ bất hạnh xảy đến với Jennis còn không tin điều đó có thể xảy ra như thế, thì cảnh sát có thể tin được không? Còn về vụ tự sát thì tôi e rằng tất cả những bà bạn của Jennis đều đồng lòng thề trước quyển Kinh thánh rằng họ chưa từng gặp ai hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình hơn vợ tôi, thế nên mụ ấy tuyệt nhiên chẳng có lý do để tự sát. Trước giả thiết cái chết tự nhiên thì tôi hiểu quá ít về y học để có thể múa tay. Chỉ còn lại phương án giết người. Giết người đúng như một vụ giết người. Và tôi bắt tay vào vạch ra một kế hoạch. Khả năng thực hiện có thể là vào nửa sau của tháng năm này. Vào thứ tư và thứ năm tuần này người ta tổ chức một hội nghị quan trọng ở Chicago. Hội nghị này bàn về việc bắt đầu một công ty quảng cáo mới có lợi cho một trong những khách hàng lớn nhất của chúng tôi, và sự tham dự của tôi là cần thiết. Việc còn lại chỉ là thu xếp để Karen có thể đi cùng tôi, mà việc này, nói chung, quá đơn giản, vì trách nhiệm của thư ký là phải tháp tùng sếp trong những chuyến đi tương tự. Kế hoạch của tôi bắt đầu có những điểm hiện thực. Nó là như thế này: tôi mua hai vé chuyến tàu ba tiếng đồng hồ đến Chicago, nó sẽ đến ga vào 8 giờ 40 sáng hôm sau. Karen sẽ cầm cả hai vé tàu và lên tàu ngồi. Cả hai chúng tôi cùng bước ra khỏi công ty vào đúng giữa trưa trước sự chứng kiến của tất cả mọi người và đến Nhà ga Trung tâm, như dự tính, chúng tôi sẽ cùng ăn tối và lên tàu. Nhưng thực ra chỉ Karen mới đến Nhà ga Trung tâm, còn tôi thì phải ba chân bốn cẳng lao đến bến trên phố 125 để kịp bắt chuyến tàu khởi hành vào lúc 12 giờ 55 về phía hạt Connecticut của tôi và sẽ đến đó vào lúc 2 giờ 10. Lúc đó tôi đã phải đeo râu giả, kính gọng sừng, cũng như mặc áo panto và đội mũ, vốn là những thứ mà trong đời tôi chưa từng dùng đến. Tổ ấm gia đình của chúng tôi ít nhất là nằm cách bến đỗ 20 đoạn đường. Tôi phải đi bộ hết quãng đường này, nã đạn vào Jennis bằng khẩu 22 calíp đã mua hai tuần trước của một gã buôn đồ cũ khả nghi ở phố East-Side, tôi sẽ bố trí một vụ tàn sát trong nhà, rồi sau đó bắt chuyến tàu lúc ba giờ trở về thành phố, tôi sẽ ngồi cả buổi chiều trong một quán nào đó, rồi lúc 0 giờ 45 sẽ lên chuyến bay đến Chicago, máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay vào lúc 3 giờ 40 sáng, còn vào 8 giờ 40 tôi sẽ gặp Karen ở ga tàu hỏa. Ngay lúc đó chúng tôi sẽ gửi trả lại cặp vé lượt về của mình, viện cớ rằng chúng tôi đã quyết định trở về New York bằng máy bay. Do đó tôi có trong tay bản mẫu chính thức của công ty đường sắt, được điền đầy đủ và được ký theo tất cả các thể thức. Một chứng cớ ngoại phạm tuyệt đối. Sau đó, sau thời kỳ mãn tang thích hợp, tôi sẽ cưới Karen.

Ngày quyết định đã đến. Tôi nói với Jennis rằng thứ hai tuần sau chúng tôi sẽ về, và đi đến văn phòng, xách theo va li. Đến giữa trưa tôi chia tay Karen, vội vàng đi ra phố 125, trên đường đi tôi mua áo panto và mũ. Đặt va li vào khoang để hành lý, tôi lên tàu và, khi một mình trong toa lét của một toa tàu, tôi đeo kính gọng sừng và râu giả vào. Vào lúc 2 giờ 15 tôi xuống khỏi tàu. Bến đỗ, như mọi khi vào giờ này trong ngày, rất vắng vẻ. Trên đường quay về tôi không gặp một người quen nào. Để cố gắng không gây tiếng động, tôi mở cửa ra vào nhà bằng chìa khóa riêng, luôn cảm thấy sức nặng bất thường của khẩu súng lục để trong túi. Jennis đang ở trong phòng khách. Cô ta ngồi trên chiếc đi văng kiểu mới vẫn còn chưa trả hết tiền và đọc một tờ tạp chí lá cải thường thấy dành cho phụ nữ, trong đó chắc chắn có mục thông tin về những thứ có thể tiêu rất nhanh và hiệu quả những khoản tiền tôi phải khó khăn lắm mới kiếm được. Đầu tiên cô ta không nhận ra tôi. Chỉ khi tôi tháo kính và mũ ra, cô ta thốt lên:

- Anh đấy à, Fred! Thế mà em nghĩ anh đã ở Chicago rồi đấy.

- Còn tôi đúng là đang trên đường đến Chicago đấy - Tôi trả lời, vuốt chòm râu giả và tiến ra cửa sổ để kéo tấm rèm trang trí xuống.

- Anh đeo râu giả làm gì thế? – Cô ta hỏi – Với anh, trông nó rất lố bịch.

Tôi quay lại chỗ cô ta và rút súng từ trong túi ra.

Kế hoạch của tôi là tên cướp giả thiết sẽ đột nhập vào bếp bằng cửa sau, còn Jennis sẽ nghe thấy tiếng động và chạy vào bếp xem có chuyện gì, và tên cướp ngay lập tức bắn cô ta.

Cô ta nheo mắt nhìn khẩu súng, sau đó đảo mắt một vòng, rồi nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

- Fred, cái quỷ quái gì đang diễn ra thế?...

- Đi vào bếp, Jennis - tôi nói.

- Fred - cô ta bắt đầu hoảng hốt - nếu đây lại là một trong số những trò đùa của anh…

- Tôi không đùa, Jennis - tôi gầm gừ.

Bỗng nhiên đôi mắt cô ta ánh lên niềm vui và vỗ tay như trẻ con, như mỗi khi cô ta nhắm vào một món đồ nào đó mà điều kiện của chúng tôi không cho phép mua.

- Fred yêu quý! – cô ta kêu lên – Anh đã mua cho em một cái máy rửa bát mới rồi à! Cô ta bật dậy, lao vào trong bếp, gót giày kêu cồm cộp trên vải lót sàn. Thậm chí trong những phút cuối đời cô ta cũng chỉ nghĩ đến việc có thể gia tăng cho đống đồ cũ đã ép tôi phải mua trong cuộc hôn nhân này một vật dụng rất đắt tiền nữa. Vào đến trong bếp, cô ta ngạc nhiên quay lại nhìn tôi và nói: - Nhưng ở đây chẳng có cái máy rửa bát nào cả.
Tôi liền bắn ra từ bên hông, rất tự nhiên, viên đạn đi chệch đích và xuyên thủng một cái nồi bẩn trên bếp. Tôi liền ngắm chính xác hơn và phát súng thứ hai bắn ra vào đúng lúc cô ta sắp sửa kêu lên kinh hoàng. Sự im lặng ngự trị trong suốt ba giây sau đó. Giây thứ tư bị phá tan bởi tiếng kêu váng óc của cái chuông cửa treo trên tường phía trên đầu tôi một mét. Tôi như hóa đá vì kinh hoàng. Tôi không biết mình nên làm gì. ý nghĩa đầu tiên là sẽ đứng im cho đến khi vị khách phá bĩnh kia chán ấn chuông cửa thì thôi, và sẽ bỏ đi. Nhưng sau đó tôi nhớ đến chiếc xe ngoại nhập của Jennis đang đỗ trên đường phụ trồng cây, và sự hiện diện của cái xe đó phô bày rằng bà chủ của nó đang ở nhà tốt hơn bất cứ biểu ngữ nào. Nếu không mở cửa, vị khách có thể nghi ngờ có chuyện bất ổn và sẽ gọi hàng xóm hoặc cảnh sát đến giúp đỡ, thế thì tôi hết đường chuồn khỏi đây. Vì thế tôi quyết định ra mở cửa. Tôi đeo kính gọng sừng, râu giả và giả giọng người khác đến mức chính mẹ đẻ cũng không nhận ra mình. Tôi có thể giả vờ là bác sĩ gia đình và tuyên bố rằng Jennis đang bị bệnh và không tiếp ai cả. Khi tôi nghĩ ra tất cả điều đó, thì hồi chuông thứ hai vang lên, gay gắt đến nỗi hẳn một pho tượng đá thực sự cũng phải giật mình, chứ nói gì đến một người đang hóa đá vì khiếp hãi như tôi. Đút khẩu súng vào túi, tôi vội vàng đi qua phòng khách và dừng lại trước cửa ra vào. Tôi hít một hơi thật sâu và chật vật kìm lại cơn run trong người, tôi mở hé cửa ra. Kẻ mà tôi nhìn thấy qua khe hở tự tạo chỉ là một viên đại lý thương mại với chiếc cặp màu da lươn trong tay. Anh ta mặc một bộ quần áo khoác màu xám, áo sơ mi trắng, đeo cravat xanh và nụ cười lóa mắt ít nhất cũng làm lộ ra đến 64 cái răng to tướng.

- Chào ông, tôi có thể gặp bà chủ nhà được không?

- Bà ấy đang bệnh - tôi trả lời, không quên cố tình làm khàn giọng đi.

- Nếu vậy - anh ta dấn bước vào - ông có thể dành cho tôi đôi ba phút được không, tất nhiên, nếu ông không quá bận?

- Xin lỗi, tôi đang bận.

- Nhưng tôi tin rằng điều này sẽ khiến ông quan tâm. Công ty mà tôi sẽ giới thiệu ở đây, là mối quan tâm của tất cả những ai có con nhỏ.

- Tôi không có con nhỏ.

- ồ - Nụ cười của anh ta mở rộng gần như gấp đôi – Nhưng công ty của tôi không chỉ là mối quan tâm của các bậc cha mẹ đâu. Chỉ gói gọn trong hai từ ghép – tôi xin giới thiệu tạp chí “Bách khoa tổng hợp”. Tôi, thực ra, không phải là một đại lý thương mại. Chuyện là chúng tôi đang nghiên cứu sơ bộ về nhu cầu trên thị trường địa phương và…

- Xin lỗi. Tôi không quan tâm đến vấn đề này - tôi ngắt lời anh ta.

- Nhưng ông vẫn chưa biết điều quan trọng nhất! – anh ta nài nỉ.

- Anh biến đi cho tôi nhờ! – Tôi đóng sầm cửa lại ngay trước mặt anh ta, khi nghĩ rằng Jennis hẳn đã mua tờ “Bách khoa tổng hợp” này, nếu tôi không bắn chết cô ta hai phút trước. Nhưng tôi nên hoàn tất công việc. Cần phải đi khắp ngôi nhà, đổ tất cả những gì cất trong tủ com mốt ra sàn, lục lọi toàn bộ các tủ quần áo và v.v… Sau đó, tôi sẽ chạy để kịp bắt chuyến tàu của mình.

Kiều Diệp dịch

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lời thú tội trên ghế điện (Phần 1)<BR>Truyện ngắn của Richard Stark (Mỹ)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO