Lối ra của nợ công

Mai Phương 22/08/2016 08:23

Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững dự kiến trình Chính phủ trong tháng 9 tới. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều quan trọng là phải giảm nợ công chứ không phải loay hoay với chuyện cơ cấu lại.

“Nợ công là bức xúc lớn”

Báo cáo QH Khóa XIV tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP (ngưỡng kiểm soát của QH là 65%). Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra,  tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Đặc biệt, tốc độ tăng nợ công tương đối “chóng mặt”. Số liệu của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho thấy, nợ công tăng trung bình 16,7%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015.

Nợ của Việt Nam qua dự báo của World Bank Nguồn:ndh.vn
Nợ của Việt Nam qua dự báo của World Bank  Nguồn:ndh.vn 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vài năm trở lại đây, “nợ công là bức xúc lớn của các chuyên gia cũng như một số nhà hoạch định chính sách và ngay cả trong QH”. Bà đặc biệt lưu ý: Cách tính nợ công của Việt Nam khác với chuẩn mực thế giới, vì vậy, quy mô thực tế của nợ công nước ta có thể đã cao hơn so với mức công bố. “Nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội và một số địa phương. Căn cứ theo tiêu chuẩn này, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam đã vượt mức 100% GDP”, bà Lan ước tính.

GS. Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho biết, trước đây, nợ công thường chỉ liên quan đến các khoản vay ngoài nước, mà chủ yếu là vốn ODA với lãi suất ưu đãi (1% - 3%). Tuy nhiên, đến nay cơ cấu này đã dịch chuyển đáng kể sang nguồn vay trong nước, từ 40% năm 2011 lên 57,1% năm 2015. Đặc biệt, các khoản vay trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ với thời hạn ngắn (5, 10 năm), lãi suất khá cao, có khi lên tới 10% nghĩa vụ trả nợ (cả gốc và lãi) lại nghiêng hẳn về nợ trong nước.

Theo số liệu do GS. Nguyễn Quang Thái cung cấp, đến hết năm 2014, tổng số nợ Chính phủ đã tăng lên gần 86 tỷ USD, trong đó nợ nước ngoài là 38 tỷ USD và nợ trong nước gần 48 tỷ USD. Tổng nợ gốc và lãi, phí Chính phủ phải trả trong kỳ năm 2014 là hơn 12 tỷ USD; trong đó, trả nước ngoài gần 2,5 tỷ USD, trả trong nước gấp 4 lần với gần 10 tỷ USD. “Nếu tính cả khoản nợ 20 tỷ USD Chính phủ bảo lãnh thì nợ công cả nước năm 2014 là 106 tỷ USD, nghĩa vụ trả nợ cả gốc và lãi hơn 15 tỷ USD. Đây là con số rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thái nhấn mạnh.

“Cấp xã cũng nợ rất nhiều”

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, nợ nói chung của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không nằm trong nợ công, nếu đó không phải là khoản vay được Nhà nước bảo lãnh. Tuy nhiên, phần lớn DNNN hoạt động không hiệu quả, nên họ dù muốn trả nợ các khoản vay cũng khó khăn. Như vậy, nhiều khả năng khi một doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ phần lớn vốn gặp khó khăn trả nợ, Chính phủ phải có biện pháp can thiệp, như đã xảy ra với các tập đoàn lớn hoạt động kém hiệu quả. Chưa hết, theo Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đầu tư công một phần quan trọng được thực hiện ở các DNNN, nhưng triển khai thường chậm trễ, thất thoát, không hiệu quả và cả tham nhũng không nhỏ. Cuối cùng làm cho hiệu quả dự án không như mong đợi và do đó, khó thực hiện tốt kế hoạch cân đối vay trả nợ.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nợ của các địa phương vẫn chưa tính được. “Bây giờ, cấp xã cũng nợ rất nhiều, đặc biệt là từ chương trình nông thôn mới. Xã bày ra quá nhiều thứ để làm, đồng thời đẩy giá lên cao nhưng bản thân lại không có tiền vì vậy phải huy động từ doanh nghiệp và “hứa” sau khi “xin” được từ Nhà nước, Chính phủ hoặc ít nhất là cấp tỉnh, huyện sẽ trả. Khoản nợ này sẽ là một con số rất lớn nếu tính chi tiết từ cấp xã trở xuống”. Theo bà Lan, không phải tất cả các nguồn địa phương huy động được từ bên ngoài hoặc vay doanh nghiệp đều được họ báo cáo lên Chính phủ. “Khi ngân sách địa phương, kể cả phần Trung ương “chi viện”, không đủ thì phần bội chi này sẽ gây nợ nần, cuối cùng cũng vào nợ quốc gia”, GS. Nguyễn Quang Thái nói.

Lối ra của nợ công ảnh 2
Nguồn: ITN

Những hệ lụy

“Khi vay thì ai cũng nói sẽ trả được nhưng trên thực tế diễn biến đều không như tính toán ban đầu”, bà Phạm Chi Lan đúc kết.

Trên thực tế, việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của Nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến, tổ chức thực hiện một số dự án còn bất cập, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu, công tác đền bù, di dân giải phóng mặt bằng. Hàng loạt DNNN sử dụng vốn vay không hiệu quả, dẫn đến không có khả năng trả nợ, như các dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, các dự án của Vinashin trước đây…

GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, nên nhìn vấn đề nợ công trong bối cảnh rộng lớn hơn của ổn định kinh tế vĩ mô, xem xét sự tiến hóa của nợ công, nhất là thời gian gần đây, tìm ra các hệ lụy cần khắc phục và cả các nhân tố mới cần phát huy. Thực ra nguồn thu của cả nước liên tục tăng cao, vượt dự toán của QH. Tuy nhiên, phần thu của ngân sách trung ương gặp khó khăn hơn, do vừa phải “chi viện” cho nhiều địa phương không tự cân đối được, vừa phải đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên và đầu tư công của cả nước. Đặc biệt, từ mấy năm nay, giá dầu thô đã liên tiếp giảm, gây khó khăn cho việc thực hiện kế hoạch thu của phần ngân sách trung ương. Do đó, cân đối vay trả nợ càng thêm khó khăn. Theo ông Thái, “cái khó là, hiện nay chi tiêu thường xuyên quá lớn, cộng với nghĩa vụ trả nợ đã “lấn” gần như toàn bộ phần thu ngân sách. Do đó, chi đầu tư phát triển từ khu vực công phải dựa vào vốn vay là chính. Đây là thách thức rất cần tập trung sức vượt qua”.

 Việt Nam chỉ có 2 cách giải quyết


Theo tôi, Việt Nam chỉ có hai cách cơ bản để giải quyết vấn đề nợ công. Thứ nhất, cần siết lại chi tiêu công và đầu tư công. Nhà nước phải tiếp tục thay đổi tư duy về vai trò của mình trong kinh tế thị trường, giảm quy mô của mình xuống.  Hiện nay chúng ta đang duy trì một bộ máy quá lớn với chi thường xuyên cao. Các khoản từ trụ sở, xe cộ cho đến lương cán bộ viên chức... là quá nhiều. Từ đó cho thấy chi thường xuyên phải giảm, mà chỉ có thể giảm được bằng cách là giảm mạnh và thu gọn bộ máy Nhà nước, vừa đỡ cho chi thường xuyên của Nhà nước và đỡ cho người dân. Mặt khác, Nhà nước cũng cần nhìn nhận lại về vai trò của mình trong đầu tư công. Hiện tại, Nhà nước quá ham vai trò là nhà đầu tư, là nhà sản xuất trực tiếp trong khi đáng lẽ vị trí này phải là của doanh nghiệp và thị trường.

Thứ hai, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển. Nói cho cùng, doanh nghiệp mới là là bộ phận chính đóng thuế để nuôi bộ máy Nhà nước và có kinh phí để Nhà nước làm các công trình đầu tư phát triển. Cách thức tận thu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua thực sự làm họ cạn kiệt nguồn lực và chán nản. Nhiều doanh nghiệp phản ánh với tôi họ thấy nản cả trong việc đóng góp cho ngân sách, bởi số tiền này đang được Nhà nước chi tiêu quá lãng phí. Vì vậy, để tạo động lực cho doanh nghiệp cố gắng nhằm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, Nhà nước rất cần thay đổi cách tiếp cận với doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Phải cơ cấu lại thu - chi ngân sách


Muốn xử lý trực tiếp nợ công một cách căn cơ, cần tiến hành tái cơ cấu toàn bộ thu chi ngân sách. Các khoản chi nói chung cần tiết kiệm, nhưng cũng có khoản chi cần tăng lên mới đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, nhất là phúc lợi xã hội. Trong khi các khoản thu từ bên ngoài như viện trợ hay thuế xuất nhập khẩu… ngày càng giảm đi về tỷ lệ, thậm chí về quy mô, tới đây, nguồn thu ngân sách cần dựa chủ yếu vào hiệu quả sản xuất kinh doanh để có nguồn thu vững chắc. Phải từ bỏ cách tiếp cận chi là số đã dự kiến, còn tùy mức thu mà ấn định khoản vay nợ, tạo cân đối. Cách làm đúng đắn là cần tái cơ cấu cả thu - chi, bảo đảm khoan sức dân, nâng cao hiệu quả KT - XH trong điều kiện hội nhập để tăng thu vững chắc. Từ đó có thể trang trải các khoản chi rất cần thiết cho cả nước, cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển vì sự nghiệp phát triển bền vững. Trong tương lai, cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và cả các diễn biến bất thường của môi trường quốc tế.

GS. Nguyễn Quang Thái

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lối ra của nợ công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO