Quốc tế

Lời kêu gọi hủy bỏ luật về chuỗi cung ứng của EUTìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh

Linh Anh 27/05/2025 06:40

Được đánh giá là một trong những động thái chính sách quan trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Friedrich Merz mới đây đã cùng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) hủy bỏ hoàn toàn luật mới về chuỗi cung ứng mang tên Chỉ thị về thẩm định trách nhiệm bền vững của doanh nghiệp (CSDDD).

Chỉ thị yêu cầu các tập đoàn doanh nghiệp lớn tại EU bảo đảm rằng chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động cưỡng bức và không gây tổn hại đến môi trường. Cụ thể, nó sẽ có tác động tới doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, với doanh thu hơn 450 triệu euro, hoạt động trải dài từ sản xuất hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ ở thượng nguồn đến phân phối, vận chuyển hoặc lưu trữ hàng hóa ở hạ nguồn của chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp sẽ phải xây dựng hệ thống đánh giá, ngăn ngừa rủi ro liên quan đến nhân quyền và môi trường trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

v7.jpg
Nguồn: ITN

Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ về nhân quyền và bảo vệ môi trường xuyên suốt chuỗi hoạt động của mình. Trong trường hợp vi phạm, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục, bao gồm cả đối với các hành vi của công ty con hoặc đối tác kinh doanh, và chịu trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại phát sinh.

Mặc dù doanh nghiệp vừa và nhỏ không chịu áp dụng trực tiếp, họ vẫn có thể bị ảnh hưởng thông qua yêu cầu từ các đối tác lớn trong chuỗi cung ứng. Mỗi nước thành viên EU sẽ có cơ quan giám sát và thực thi, với quyền áp dụng biện pháp xử phạt nếu vi phạm.

Cần cởi bỏ những trói buộc

Hai nhà lãnh đạo đều cho rằng, các quy định quá ngặt nghèo của Chỉ thị có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của EU so với Mỹ và Trung Quốc. Đây là phản ứng đối với việc Tổng thống Donald Trump đã rút lại một số quy định hoặc đe dọa áp thuế, nhưng sau đó tạm dừng hoặc thay đổi chính sách thuế với hàng nhập khẩu, bao gồm cả hàng hóa từ châu Âu.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư quốc tế “Choose France” (Hãy chọn Pháp) ở Versailles cách đây hơn một tuần, Tổng thống Pháp Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh cải cách cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời khẳng định rằng luật này “không nên chỉ hoãn lại, mà cần được rút hoàn toàn khỏi chương trình nghị sự”. Tuyên bố của ông được đưa ra 10 ngày sau khi tân lãnh đạo mới Friedrich Merz của Đức kêu gọi hủy bỏ hoặc cải cách triệt để Chỉ thị trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Brussels với tư cách là Thủ tướng.

Cả hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại rằng các yêu cầu tuân thủ phức tạp và chi phí thực hiện cao có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Dưới áp lực từ Pháp, quốc gia đã đưa ra đề xuất vào tháng 1 nhằm làm chậm quá trình thực hiện các quy định xanh và trì hoãn vô thời hạn Chỉ thị về thẩm định trách nhiệm bền vững của doanh nghiệp, Ủy ban châu Âu đã đề xuất cắt giảm các quy định trong luật để giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả trước khi có sức ép của Pháp và Đức, các nhà ngoại giao EU cho biết, việc bãi bỏ hoàn toàn luật này vẫn chưa được đưa ra thảo luận trong chương trình nghị sự chính thức.

Theo kế hoạch hiện tại, Chỉ thị về thẩm định trách nhiệm bền vững của doanh nghiệp sẽ bắt đầu áp đặt các nghĩa vụ từ năm 2027 đối với các doanh nghiệp. Các quốc gia thành viên đang tiếp tục đàm phán các đề xuất sửa đổi, với hy vọng đạt được đồng thuận trong thời gian tới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử vào tháng 2 tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã đưa nhà kinh tế tự do Merz lên nắm quyền tại Đức, đã làm thay đổi rõ rệt “giọng điệu” của cuộc thảo luận. Ông Merz, tác giả của cuốn sách “Dare more capitalism” xuất bản năm 2008, người đã dành nhiều năm làm việc trong khu vực tư nhân, đã kêu gọi giảm bớt bộ máy quan liêu ở Đức và EU.

Phản ứng từ các quốc gia thành viên

Không phải tất cả các quốc gia thành viên EU đều đồng tình với quan điểm của Pháp và Đức. Đan Mạch, quốc gia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU vào tháng 7 tới, đã phản đối việc hủy bỏ luật, cho rằng cần đơn giản hóa thay vì loại bỏ hoàn toàn. Bộ trưởng Công nghiệp Đan Mạch Morten Bødskov nhấn mạnh tầm quan trọng của Chỉ thị trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn về môi trường và nhân quyền trong hoạt động kinh doanh toàn cầu.

Trước sức ép từ các nước thành viên và giới doanh nghiệp, Ủy ban châu Âu đã công bố gói cải cách “Omnibus I” vào tháng 2/2025, với mục tiêu giảm nhẹ gánh nặng báo cáo cho doanh nghiệp nhỏ và đơn giản hóa yêu cầu thẩm định đối với các tập đoàn lớn. Ngày 14/4/2025, Hội đồng EU đã chính thức thông qua Chỉ thị “Dừng thời gian” theo gói này, hoãn hiệu lực một số yêu cầu về báo cáo phát triển bền vững và thời hạn chuyển đổi các điều khoản liên quan. Các quốc gia thành viên phải chuyển chỉ thị thành luật quốc gia trước ngày 31/12/2025.

Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải chỉ trích từ các tổ chức xã hội dân sự, cho rằng Ủy ban đã không thực hiện đầy đủ các thủ tục tham vấn công khai và đánh giá tác động trước khi đề xuất các thay đổi. Thanh tra viên châu Âu, bà Teresa Anjinho, đã mở cuộc điều tra về việc này. Là cơ quan giám sát độc lập được thành lập từ năm 1995, Thanh tra viên châu Âu có nhiệm vụ điều tra các dấu hiệu quản trị sai lệch trong hệ thống EU.

Tại Đức, liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của ông Merz và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang có những bất đồng và chưa thống nhất lập trường về vấn đề trên. Trong khi CDU ủng hộ việc hủy bỏ luật, SPD lại muốn giữ lại phiên bản cải cách của luật để bảo đảm các tiêu chuẩn về nhân quyền và môi trường trong chuỗi cung ứng. “Chỉ vì Tổng thống Pháp bày tỏ quan điểm của mình không có nghĩa là SPD thay đổi lập trường”, ông Matthias Miersch, lãnh đạo nhóm nghị sĩ SPD, mới đây khẳng định và đồng thời nhấn mạnh “Chúng tôi tin rằng chuỗi cung ứng cần được quản lý bằng pháp luật ở cấp độ châu Âu”.

Hiện các nước EU vẫn đang tiếp tục đàm phán về tương lai của CSDDD. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào khả năng đạt được đồng thuận giữa các quốc gia thành viên và thể chế EU, cũng như vào việc tìm được điểm cân bằng giữa mục tiêu phát triển bền vững và duy trì năng lực cạnh tranh kinh tế của khối.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lời kêu gọi hủy bỏ luật về chuỗi cung ứng của EU Tìm kiếm sự cân bằng giữa phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO