Lời kêu cứu từ đại dương

Bảo Khánh 11/08/2019 08:28

“Blue Planet” của BBC Earth, “Our Planet” - dự án truyền thông kết hợp giữa WWF, Netflix và Silver Films với 3.500 ngày quay phim tại hơn 50 quốc gia trên thế giới cùng cho thấy tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường biển và những hành động kịp thời trước khi quá muộn...

Có lẽ chưa bao giờ những báo động về ô nhiễm rác thải nhựa lại cấp thiết như bây giờ. Mới chỉ từ 1950 đến nay, thời gian đủ bằng một đời người, mà sản lượng nhựa trên toàn thế giới đã tăng từ 2 đến gần 4 trăm triệu tấn/năm. Riêng trong năm 2016, có khoảng gần 400 triệu tấn nhựa nguyên sinh được đưa vào sản xuất; mỗi phút có hàng triệu chai nhựa và túi nilon được tiêu thụ khắp thế giới.

Hầu hết chúng không bao giờ được tái chế và tồn tại gần như vĩnh viễn trên mặt đất hoặc trôi nổi trong các đại dương. Theo các dòng hải lưu, chúng trôi xuống tận Nam Cực và theo thời gian còn chìm sâu xuống đáy đại dương.

Góp phần vào cuộc khủng hoảng nhựa toàn cầu không thể không nhắc tới Việt Nam. Trung bình mỗi người Việt Nam tiêu thụ khoảng 49kg nhựa/năm. Tính ra gần 100 triệu dân thì ta sẽ có con số khủng khiếp như thế nào, nhất là phần lớn rác thải nhựa ở Việt Nam không được phân loại hoặc tái chế mà chất đống trong những bãi rác hoặc thẳng tay vứt ra sông suối, biển. Đất nước nhỏ bé của chúng ta đứng thứ 4 ở châu Á phát sinh nhiều rác thải nhựa, tất nhiên cũng là một trong những nước ô nhiễm rác thải nhựa cao nhất của thế giới.

Rác thải nhựa đã hủy hoại hàng ngàn loài sinh vật biển. Người ta mổ bụng một con cá voi bị chết và phát hiện cả chục kg rác thải nhựa trong bụng của nó. Người ta mổ bụng của một con chim hải âu bị chết trên bãi biển và phát hiện ra hơn 200 mảnh nhựa trong dạ dày của nó. Các nhà khoa học cũng phát hiện khoảng 65 - 70% các loài sinh vật biển sống ở tầng sâu nhất của đại dương là rãnh Mariana (sâu gần 11.000m) có chứa ít nhất một vi hạt hoặc sợi nhựa trong hệ tiêu hóa của chúng. Nói chung, rác thải nhựa không tha bất cứ chỗ nào, từ đáy sâu nhất của đại dương cho đến nóc nhà của thế giới như ngọn núi Everest.

National Geographic từng thực hiện bộ phim tài liệu “Plastic Ocean”, xem mà thấy rùng mình vì sự khủng khiếp của rác thải nhựa. Những đại dương nhựa (Plastic Ocean), hành tinh nhựa (Plastic Planet), thủy triều nhựa (Plastic Tide)... trở thành những cụm từ phổ biến để mô tả cuộc khủng hoảng và ô nhiễm nhựa đang tấn công Trái đất và đại dương. Không chỉ phá hủy môi trường, gây hại cho muôn loài mà nguy cơ “sống trong nhựa chết vùi trong nhựa” không còn là chuyện xa vời nữa với con người chúng ta.

 “Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã làm hại đại dương nhiều hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử loài người”

Nhưng báo động hay ca thán mà không hành động thì chúng ta mãi mãi không giải quyết được gì mà chỉ để lại một hậu quả vô cùng khủng khiếp cho con cháu đời sau.

“Blue Planet” của BBC Earth, “Our Planet” - dự án truyền thông kết hợp giữa WWF, Netflix và Silver Films với 3.500 ngày quay phim tại hơn 50 quốc gia trên thế giới cùng cho thấy tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường biển và những hành động kịp thời trước khi quá muộn. Tôi vẫn nhớ câu nói của nhà làm phim Sir. David Attenborough ở đầu phim: “Hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã làm hại đại dương nhiều hơn bất kỳ lúc nào trong lịch sử loài người”, nhưng ông cũng đưa ra thông điệp: “Vẫn chưa quá muộn để cứu lấy hành tinh xanh của chúng ta bằng những hành động thiết thực và kịp thời”.

Mission Blue, một bộ phim tài liệu xuất sắc khác từng đoạt giải Emmy và phát trên Netflix cũng truyền cảm hứng cho hành động bảo vệ đại dương. Được dẫn dắt bởi nhà hải dương học huyền thoại: Tiến sĩ Sylvia Earle, Mission Blue đang hợp nhất một liên minh toàn cầu để truyền cảm hứng nâng cao nhận thức cộng đồng, tiếp cận và hỗ trợ cho một mạng lưới các khu bảo tồn biển trên toàn thế giới có tên gọi là Hope Spots.

Lão Tử từng nói, “hành trình ngàn dặm luôn bắt đầu từ những bước chân đầu tiên”. Và hơn bao giờ hết, Việt Nam cần những “bước chân đầu tiên” như vậy để chống lại cuộc xâm lấn của rác thải nhựa do con người gây ra trước khi quá muộn. Mà mới nhất là sự kiện “Giải cứu Đại dương” tại bãi Kim Liên (cửa sông Cu Đê) Đà Nẵng với hơn 700 người tham gia, hy vọng sẽ giúp truyền cảm hứng cho những cuộc “giải cứu đại dương” diễn ra dọc theo 3.260km đường bờ biển Việt Nam.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lời kêu cứu từ đại dương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO