Lợi ích quốc gia phải đặt lên đầu

- Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:37 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng qua có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 46,9 tỷ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 40,2 tỷ USD chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Như vậy, nhóm sản phẩm điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện chiếm khoảng 34,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu những sản phẩm này cơ bản do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện. Trong khi đó, tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy xuất khẩu của nhóm sản phẩm này lan tỏa đến thu nhập trong nước rất thấp.

Nhóm có lan tỏa cao đến thu nhập trong nước là xuất khẩu nông sản nhưng số liệu công bố cho thấy hầu hết mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản có kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nhóm hàng rau quả đạt 3 tỷ USD, giảm 11,7%; hạt điều đạt 2,9 tỷ USD, giảm 1,7%; cà phê đạt 2,5 tỷ USD, giảm 2,9%; cao su đạt 2 tỷ USD, giảm 1,4%; hạt tiêu đạt 596 triệu USD, giảm 11,5%; chè đạt 201 triệu USD, giảm 5,3%, nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%.

Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2020 mặc dù ước xuất siêu kỷ lục với 20,1 tỷ USD nhưng không thực sự đáng mừng rỡ.

Đáng chú ý, cán cân thương mại 11 tháng ước tính thâm hụt ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc… và thặng dư ở các thị trường Hoa Kỳ, EU. Nhập siêu từ Trung Quốc là 30,8 tỷ USD, từ Hàn Quốc là 24,3 tỷ USD. Trong khi đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ lớn nhất với 57,3 tỷ USD và EU khoảng 19 tỷ USD.

Xét về thành phần kinh tế, xuất khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 71,3% còn lại thuộc về khu vực FDI (kể cả dầu thô). Như vậy có thể thấy, việc xuất siêu nhiều hay ít là do khu vực FDI mang lại và xuất siêu của khu vực này chỉ tạo ra cho Việt Nam một mức thu nhập rất thấp trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Điều này về dài hạn không có lợi, vì có thể khiến cho thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI) và tiết kiệm (saving) nhỏ lại.

Việt Nam đang kỳ vọng và hào hứng với khả năng làn sóng FDI lần thứ  4 (làn sóng đầu tư thứ nhất là giai đoạn 1993 - 2000, làn sóng thứ 2 vào khoảng 2001 - 2007, làn sóng thứ 3 từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đến nay). Trong thế giới hội nhập, thu hút FDI là rất đúng đắn nhưng cần nhất quán với tiêu chí “có lợi cho quốc gia nhất” trong trước mắt cũng như lâu dài. Đánh giá các dự án FDI không chỉ tập trung vào số lượng và quy mô mà còn cần tập trung vào chất lượng như phải bảo đảm thân thiện với môi trường, chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động... Thu hút FDI  không chỉ chú trọng vào giá trị gia tăng của doanh nghiệp FDI mà còn phải nâng cao hàm lượng Việt Nam trong chuỗi giá trị sản phẩm và gắn kết ngày một chặt chẽ hơn với doanh nghiệp nội.

TS. Bùi Trinh