Lời hứa (Phần 1)
Truyện ngắn của Ngô Mai An

05/08/2013 08:26

>> Lời hứa (Phần cuối)

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân
Năm 1962, tôi tốt nghiệp trường Trung cấp Lâm nghiệp Trung ương và được phân công về lâm trường Sáng Sơn làm cán bộ kỹ thuật trồng rừng. Tôi có hoa tay, nói năng lưu loát, cắt, kẻ khẩu hiệu các kiểu phải nói là đẹp, nếu nhún mình, thì cũng nói là trông cũng được, nên được bầu vào thường vụ Đoàn Thanh niên và liền năm sau được rút lên làm cán bộ chuyên trách về thi đua khen thưởng của lâm trường. Vị trí công tác này khiến tôi phải bám sát thực tế, thường xuyên đi dăm bảy cây số tắt theo đường rừng, đương nhiên là chỉ đi bộ, để rồi thân quen với tất cả các đội thuộc lâm trường.

Thời ấy, công nhân lâm trường chỉ giỏi về trồng và chăm sóc cây, cán bộ phần nhiều đều ít chữ và ít nói, cho nên mỗi lần họp bàn về công tác thi đua khen thưởng, có mấy ông bà phải nhờ tôi viết hộ báo cáo thành tích, tổng kết hoặc tham luận để họ lên bục hội nghị đọc cho trôi chảy.

Đội Đồng Quế là đơn vị sản xuất thuộc diện âm thịnh dương suy, đa phần là công nhân nữ. Đội trưởng là một bà đã được kết nạp Đảng từ trong cải cách ruộng đất, trình độ văn hóa chỉ ở cỡ đọc thông viết thạo nếu bỏ qua những chữ thiếu nét, những câu sai chính tả. Bà có năng khiếu làm lãnh đạo, còn mọi việc ghi chép vào sổ sách như chấm công, thống kê, tổng hợp đã có cô đội phó, tên là Thư, lo liệu.

Thư được xếp vào hạng hoa khôi lâm trường. Tuổi vừa hai mươi, em có giọng hát tuyệt hay, em hay hát một số bài hát của Liên Xô và của thời tiền chiến. Em đã học hết cấp hai, hồi đó là lớp bảy, coi như được xếp vào cỡ có học, rồi không hiểu thế nào, chẳng thi vào trường trung cấp mà xin đi làm công nhân miền núi.

Tôi đã hai mươi lăm tuổi, bố mẹ ở nhà vẫn nóng lòng giục giã “lấy vợ đi thôi”. Do đặc thù công việc, tôi được tiếp xúc với nhiều người và đương nhiên hay bị gán ghép với cô nọ cô kia ở đội này đội khác. Trong số những cô ấy, có Thư ở đội Đồng Quế.

Mấy ông nhà báo ở các báo tỉnh, báo trung ương về làm việc, sau khi gặp gỡ lãnh đạo ở lâm trường bộ đều đề xuất cho tôi đi cùng xuống các đội để giới thiệu phong trào thi đua, bởi vì tôi nắm chắc hơn ai hết: đội nào có đồng chí nào nổi bật trong công tác.

Đội Đồng Quế giỏi trồng và chăm sóc cây mới trồng, lại khéo vận động các địa phương quanh vùng không để trâu bò phá cây hoặc người dân đốn củi, biết đốn tỉa đúng kỹ thuật khi cây đã đến tuổi… Đội chăn nuôi một đàn bò, lợn, gà… và lấy phân bón cho các đồi cây mình trồng. Dưới tán các đồi cây, đội biết trồng đỗ, lạc, vừng, hàng vụ đều có thu hoạch, nên bữa ăn ở bếp tập thể được cải thiện rõ rệt. Phong trào văn nghệ cây nhà lá vườn của đội rất sôi nổi.

Trong bối cảnh ấy, Thư đội phó Đồng Quế trở thành một tên tuổi được nhiều người biết đến, từ giám đốc lâm trường đến bí thư huyện đoàn, tỉnh đoàn. Về phần tôi, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tôi thú nhận rằng mình rất say mê Thư. Hầu hết các cô trong lâm trường được (hoặc bị) gán ghép với tôi đều sạch nước cản, nhưng đấy chỉ là những đề tài để đùa vui, nói chơi, chứ Thư thì, quả tình, ngày đêm tôi tơ tưởng đến em. Dẫu rằng tôi cũng cảm nhận là em cũng có ý quý mến tôi, nhưng tôi đâu đã dám tỏ tình: biết đâu tình yêu của tôi chỉ là đơn phương. Người ta vẫn bảo rằng, con giai đi tìm vợ chẳng khác nào anh đánh giậm, cứ ướm lời, ngỏ lời đại đi, không được đám này thì sang đám khác. Nhưng tôi lại thuộc tạng người không dám nói lời đầu tiên, nhỡ đâu em chỉ cảm ơn rồi công nhận “em coi anh như người bạn tốt, như người anh ruột” thì biết tìm kẽ nứt nào mà chui. Ngại nhất là, nghe đâu, có một anh nhà báo cũng hay đến gặp Thư lắm, ngoài những lần đi theo công lệnh hoặc giấy giới thiệu, đều do tôi đưa đến, còn có những lần “tiện đường công tác ghé thăm”.

Một sáng chủ nhật, tôi đang có công việc ở Đồng Quế, Thư ở lại trực ban chỉ huy đội. Em ngồi một mình trong phòng trực, vẻ mặt buồn buồn… Thấy tôi vào, em ngước mắt nhìn: một đôi mắt đang còn đỏ hoe, hình như em vừa khóc. Tôi chột dạ, thầm nghĩ: có chuyện gì đau buồn vừa xảy ra với em, với gia đình em chăng? Tôi khẽ khàng ngồi xuống chiếc ghế bên em, im lặng như một pho tượng.

Người lên tiếng trước lại chính là em:

- Anh Thành ạ. Từ nay trở đi, xin anh đừng gặp em nữa.

- Sao thế em?

Thư lí nhí trả lời:

- Nhìn thấy anh là em thấy xấu hổ…

Tôi bất ngờ, thấy gáy nóng ran:

- Anh xấu xa vậy sao?

Em vội lắc đầu nguây nguẩy:

- Anh đừng nói thế… Anh đừng nói thế. Em mới là…

Lúc ấy, cái điều khó nói đã trở nên dễ dàng, đây chính là dịp để tôi phải thổ lộ ngay tình cảm của mình. Tự nhiên và chân thành, tôi nắm lấy bàn tay em:

- Em đừng nên nói thế. Với anh, em là cô gái tốt nhất trên đời này. Anh yêu em. Lúc nào anh cũng yêu quý và tôn thờ em…

Em bối rối gỡ tay mình ra khỏi bàn tay tôi và bật khóc. Lát sau, em mới nói trong tiếng nấc:

- Nhưng em… đã trót dại… Em là… đứa hư hỏng…

Tôi lặng đi, toàn thân chỉ thấy một cảm giác xót xa cay đắng. Thư ấm ức khóc một hồi, rồi nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Anh cứ khinh em đi, như thế sẽ dễ chịu hơn, vì tội của em đáng phải như vậy. Em đã mất… Thế là mất hết, anh hiểu không? Bây giờ, em có còn dám nhìn vào mặt ai nữa đâu… Em không xứng đáng…

Không ai xui khiến, tôi ôm em vào lòng. Em ngoan ngoãn để tôi nâng mặt em lên đối diện với mặt tôi, thì thào:

- Em xin anh. Em dại khờ, em cả nể, em đã bị lừa dối… Nhưng dù thế nào thì em cũng vẫn chỉ một lòng yêu anh.

Tôi đặt môi tôi lên môi em, rất lâu.

Em vẫn nức nở, hai vai rung lên như một kẻ bị oan ức mà không thể giãi bày. Tôi vẫn không buông tay ôm em, và khoảng thời gian đó đủ để tôi tĩnh trí trở lại. Cổ họng khô khốc, tôi nói nhát gừng:

- Chuyện riêng của em… kể từ hôm nay… ta coi như không có. Cố để bụng… mang theo… cho tới khi… cả hai… sang thế giới bên kia.

- Nếu anh thật bụng thương em, xin anh giấu biệt chuyện ấy cho em. Không được để lộ đến người thứ ba.

- Anh hứa.

Tôi trở nên cứng rắn và quyết đoán, đòi Thư ngay chủ nhật sau phải cùng tôi về trình diện bố mẹ hai bên, để các cụ khỏi sinh nghi, rồi sớm đăng ký và tổ chức lễ cưới đời sống mới ngay tại lâm trường.

Ban giám đốc tỏ rõ sự quan tâm ủng hộ đối với những cặp vợ chồng toàn tâm toàn ý với lâm trường: chúng tôi cưới nhau được ít tháng thì nhận quyết định thuyên chuyển Thư lên phòng kế hoạch và được phân một căn phòng riêng. Sống và làm việc tại lâm trường bộ, gần chồng, Thư vỡ đất hoang trồng rau trồng sắn, nuôi một đàn gà và còn có điều kiện theo học lớp bổ túc do lâm trường mở.

Bảy tháng sau ngày cưới, Thư cho ra đời một bé trai. Thằng bé rất to khỏe, tóc xanh và dày, nom nét mặt, thấy hao hao phóng viên Trần Cửu. Đón hai mẹ con từ nhà hộ sinh về, tôi tỏ ra phấn khởi hân hoan cốt để đẹp lòng vợ và hai bên gia đình, nhưng thú thật, sống mũi cũng cay cay. Làm thủ tục khai sinh, tôi quyết định đặt cho cháu cái tên Lê Thành Đạt. Vợ tôi hoàn toàn yên tâm vì thằng Đạt gắn liền với họ tên tôi. Bạn bè trong lâm trường và những người quen có hỏi thăm, tôi cười xòa:

- Chúng tớ ăn cơm trước kẻng mà…

Đạt là đứa trẻ hay ăn chóng lớn, trông rất dễ thương. Từ sáu tháng tuổi trở đi, nó luôn luôn quấn lấy tôi, nhất là khi đã chập chững biết đi, bập bẹ biết nói. Tôi có đi đâu, vừa về đến cửa nhà là nó lon ton chạy đến đón. Nếu còn bận bịu gì đó và chậm bế nó, nó cứ ôm lấy chân tôi không chịu buông ra và khóc rõ to. Tình cảm bẩm sinh của Đạt và cách ăn ở nết na của vợ vô hình trung đã xóa hết mặc cảm trong tôi.

Khi Đạt hơn bốn tuổi, vợ chồng tôi mới có thêm đứa con gái. Khi con em được hơn năm tháng tuổi, Thư đã có bằng tốt nghiệp cấp ba và được gọi đi học Đại học Kinh tế kế hoạch. Hoàn cảnh lúc này thật gay go: nuôi các con như thế nào đây? Hai vợ chồng cùng về Hà Nội lo việc học: tôi thì đang học năm thứ ba Phân viện Báo chí tuyên truyền, Thư thì mới nhập trường, có chăng cũng chỉ là một chiếc giường trong ký túc xá như tôi. Tình cảnh vợ chồng tôi bí bách như thế được ông bà ngoại thông cảm. Bà ngoại ra lệnh: “Mang cả hai đứa về đây, tao trông cho”.

Cuộc sống của gia đình tôi như thế là hanh thông: sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại công tác tại Hà Nội, Thư được phân công về Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phú và còn đẻ cho tôi một con trai nữa. Phải công nhận là các con tôi được dưỡng dục đầy đủ và rất ngoan, cả ba cháu sau này đều thi đỗ và tốt nghiệp đại học, làm việc tại thủ đô. Cảm giác về hạnh phúc gia đình trong tôi dường như bất tận.

Nhưng, có điều không thể nào ngờ: vào giữa thập niên 1990, vợ tôi bị phát hiện ung thư vú, chạy chữa được vài tháng thì không qua khỏi. Mất vợ, tôi mang ba con và bà ngoại về Hà Nội định cư, rồi khi nhận sổ hưu, tôi quyết định về sống với vợ chồng Đạt, người con cả, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục suy tôn vai trò người con cả trong gia đình, vừa tiện chăm sóc bà mẹ vợ đã gần trăm tuổi…

(Số sau đăng hết)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lời hứa (Phần 1)<br><i>Truyện ngắn của Ngô Mai An</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO