Lời cảnh báo thời sự
Căng thẳng về khí đốt giữa Nga và Belarus đã dẫn đến việc Nga quyết định ngừng cung cấp dầu cho EU qua đường ống của Belarus. Điều này thực sự khiến các nước EU lo lắng dù họ đã có cả năm 2006 để tìm cách đối phó với sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga sau vụ tranh chấp tương tự diễn ra giữa Nga và Ukraine đầu năm ngoái.

Rắc rối từ đường ống “Tình bạn”
Nguồn gốc của tranh chấp giữa hai nước là việc Nga muốn kiểm soát hoàn toàn đường ống dẫn khí tự nhiên Beltrangas của Belarus, tăng gấp đôi giá khí tự nhiên bán cho Belarus lên mức 100 USD/1.000m3 và tiến tới bán bằng với mức giá 265 USD/1.000m3 mà Nga bán cho Châu âu vào năm 2011. Ngoài ra, Nga cũng nâng giá dầu bán cho Belarus lên 180USD/tấn. Một mặt Chính quyền Minsk chấp nhận ký thỏa thuận với mức giá mới, một mặt họ đưa ra biện pháp trả đũa bằng cách áp thuế vận chuyển dầu của Nga qua Belarus là 54USD/tấn. Tất nhiên Nga không đời nào chấp nhận và mâu thuẫn tiếp tục căng thẳng.
Căng thẳng giữa hai nước lên đến đỉnh điểm sau khi hãng Transneft của Nga tố cáo Belarus rút trộm 79.900m3 dầu từ đường ống Dzuhba (Dzuhba có nghĩa là tình bạn). Ngay lập tức, Belarus kiện Transneft không trả khoản tiền thuế mới về vận chuyển dầu và cho biết lượng dầu họ tự ý lấy đi là để khấu trừ vào khoản tiền thuế này.
Trong cuộc chưa sao, người ngoài đã thiệt
Trong khi Nga và Belarus vẫn còn đang tính cách để ăn miếng, trả miếng lẫn nhau về vấn đề năng lượng thì các nước Tây âu đã phải hứng chịu hậu quả. Lượng dầu nhập khẩu hàng năm qua đường ống Druzhba của Đức ngay lập tức sụt giảm 20%. Trong khi đó, lượång khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm đến 35% tổng lượng khí nhập khẩu của Đức, một tỷ lệ quá lớn khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về ảnh hưởng của nó tới quan hệ chính trị song phương. Một số nước EU khác cũng không phải ngoại lệ bởi mỗi năm EU nhập khẩu 30% lượng dầu từ Nga và một nửa trong số này được vận chuyển qua đường ống của Belarus.
Bộ trưởng kinh tế Đức Michael Glos đề cập tới giải pháp chở dầu bằng xe tải chuyên dụng nhưng Hiệp hội Dầu mỏ Đức cho rằng sản lượng đó quá nhỏ so với lượng dầu thiếu hụt. Trong khi đó, một số chuyên gia của Đức cho rằng Nga đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị nên Đức phải có biện pháp đối phó thích hợp. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng vụ việc lần này đã phá hủy lòng tin về các mối hợp tác với Nga và Đức sẽ nói chuyện nghiêm túc với cả Nga và Belarus.

Tương lai bất định
Chủ tịch Ủy ban Châu âu Manuel Barroso khẳng định việc Nga ngừng cung cấp năng lượng mà không tham khảo ý kiến các khách hàng là không thể chấp nhận được và đề nghị Nga, Belarus sớm thống nhất nối lại sự vận chuyển năng lượng của đường dẫn Druzhba. Cao ủy phụ trách năng lượng EU sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến sự ngừng cung cấp dầu, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Nga và Belarus giải thích khẩn cấp và chi tiết về những trục trặc này. Tuy nhiên, ít có khả năng EU đưa ra biện pháp cương quyết với Nga bởi trong vụ khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine đầu năm ngoái, phản ứng của EU cũng chỉ dừng lại ở những lời chỉ trích. Huống chi, trong lần này, EU lại không mấy mặn mà với Tổng thống Lukashenko của Belarus.
Trong khi đó, một phái đoàn của Belarus tới Nga để tìm cách hóa giải căng thẳng nhưng phía Nga tuyên bố chỉ khi nào Belarus hủy bỏ áp thuế vận chuyển thì mới chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Thông điệp của Nga
Không ít chuyên gia cho rằng quyết định của Moscow là lời cảnh báo của Nga đối với cả Belarus và EU, đặc biệt là Đức, nước hiện đang giữ vai trò Chủ tịch EU và G8 trong năm 2007. Trong khi Đức đang hào hứng với những vai trò mới, vị thế mới, thì Nga đã có lời nhắc nhở nhẹ nhàng rằng dù trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU lần này, Đức vẫn hô hào xây dựng chiến lược an ninh năng lượng cho EU nhưng còn “khướt” họ mới thoát khỏi mối quan hệ phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Tất nhiên đây chỉ là chiêu “rung cây dọa khỉ” bởi Nga biết rõ ngừng cung cấp dầu một thời gian ngắn chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Đức, Ba Lan do lượng dầu dự trữ của hai nước này đủ để sử dụng trong vòng 90-120 ngày.
Thông điệp mà Moscow dành cho Belarus là nước này chưa thể là đối thủ ngang tầm của Nga. Chính quyền của Tổng thống Lukashenko không dễ gì thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga nói riêng và ảnh hưởng của Nga nói chung.
Rồi sau tranh chấp giữa Nga và Belarus, mọi việc sẽ trở lại bình thường nhưng sự việc lần này là lời cảnh báo thời sự nhất, bức thiết nhất, buộc EU không thể tiếp tục chần chừ trong việc xây dựng cho mình một chính sách nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng.
Hoa Chi