Loay hoay tồn tại

Thái Minh 28/08/2017 08:23

Trung tâm thực nghiệm xơ xác, tường vữa bong tróc, khu giảng đường đóng kín, sân trường đầy cỏ mọc… Thực trạng này kéo dài nhiều năm, khiến Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh đứng ngồi không yên, loay hoay tìm hướng để tồn tại...

Sáng 23.8, Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã làm việc với Trường ĐH Lương Thế Vinh, Nam Định về việc thực hiện Luật Giáo dục. Buổi làm việc góp thêm một nét vẽ vào bức tranh về hiện trạng chung của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Muốn tồn tại phải “đi lủi”

Giai đoạn Trường ĐH Lương Thế Vinh phát triển mạnh cũng nằm trong xu thế chung về nhu cầu đào tạo nhưng khó khăn vài năm trở lại đây cũng không ngoài xu thế đó. Có nguyên nhân chủ quan từ phía nhà trường nhưng cũng có vấn đề từ quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo trên cả nước. Chúng ta khuyến khích đạt mục tiêu 250 sinh viên/vạn dân vào năm 2010, 300 sinh viên/vạn dân vào năm 2015 và 450 sinh viên/vạn dân vào năm 2020… Hậu quả là nâng cấp từ trường trung cấp lên cao đẳng, cao đẳng lên đại học dẫn đến nhiều trường không đi theo mong muốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Ngô Thị Minh

Năm 2003, nguyên Chủ tịch tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) Đinh Gia Huấn chủ trương thành lập Trường ĐH Dân lập Lương Thế Vinh. Đây là trường ĐH đầu tiên ở Nam Định, với sứ mệnh đào tạo đa ngành, đa hệ, đa trình độ, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, trung tâm nghiên cứu khoa học của khu vực châu thổ sông Hồng và cả nước. Giai đoạn 2003 - 2013, nhà trường phát triển tương đối mạnh, đào tạo trên dưới 20.000 sinh viên. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, sang đến giai đoạn sau đó, trường rơi vào tình trạng thoái trào, tuyển sinh đặc biệt khó khăn. Cùng thời điểm (2011), UBND tỉnh Nam Định ra văn bản không tuyển dụng công chức là người tốt nghiệp đại học, cao đẳng thuộc hệ thống dân lập, tư thục hay tại chức mà chỉ tiếp nhận thành phần được đào tạo chính quy, dài hạn.

“Muốn sinh tồn, chúng tôi phải có cách”, PGS.TS. Lê Trần Lâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh nói với Đoàn giám sát. “Bộ quy định không liên kết đào tạo ở nơi khác nhưng nếu ở Nam Định chúng tôi không tuyển được. Vậy thì buộc phải đi lủi, tìm cách này cách kia, đến nơi nọ nơi kia để được đào tạo”. Trong nhiều năm, trường mở cuộc “hành quân” đi chiêu sinh ở nhiều địa bàn, từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Ông Lâm cho biết, đa số học viên có nguyện vọng được đào tạo tại chỗ, nhưng cái khó là trường vướng quy định của Bộ GD - ĐT không được đào tạo ngoài điểm trường (Thông tư 07/2017/TT - BGDĐT). “Nhiều quy định bó trong một phạm vi khiến các trường dân lập rất khó xoay xở. Chúng tôi phải thích nghi, mặc dù biết không được phép. Đào tạo ngoài trường là sai, vi phạm quy định của Bộ nhưng không làm vậy không sống được. Một tháng chi ít nhất 400 - 500 triệu đồng. Phải có cách kiếm được số tiền đó chúng tôi mới tồn tại và đã tồn tại 4 năm nay rồi”.

Một góc khu giảng đường tại Trường ĐH Lương Thế Vinh
Một góc khu giảng đường tại Trường ĐH Lương Thế Vinh

Từ năm 2012, Bộ GD - ĐT cho phép Trường ĐH Lương Thế Vinh được đào tạo thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh, đến nay đã có 700 học viên đã tốt nghiệp, gần 500 học viên đang theo học. “Đó cũng là hướng đi để nhà trường khai triển. Nhưng vừa rồi, Nam Định lại ra một quyết định nữa, chúng tôi lại treo giò” - Hiệu trưởng Lê Trần Lâm cho biết. Ông phân tích: Quy định đào tạo thạc sĩ của trường là nếu không đúng ngành thì có thể học chuyển đổi sang quản trị kinh doanh. Nhưng Nam Định ra yêu cầu công chức, viên chức không học cao học lệch ngành. “Thời điểm này năm ngoái, trường tuyển được ở Nam Định khoảng 70 học viên, năm nay chỉ có 11”, ông Lâm nói.

Gắn kết với địa phương

Trong bối cảnh nhiều trường đại học được mở ra, Trường ĐH Lương Thế Vinh lại gần Hà Nội - nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo đại học lớn. Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Lương Thế Vinh Trương Đức Huy cho đó là một trong những khó khăn chung hiện nay: “Nếu hình tượng hóa, trong cùng cuộc đua tuyển sinh, chúng tôi giống như cậu bé cấp I vừa gầy, vừa yếu, chạy thi với toàn cao thủ chuyên nghiệp. Nhà trường đặt tại địa phương, mong muốn lớn nhất là phục vụ chính những con em thuộc địa phương nhưng chưa được”.

Hiệu trưởng Lê Trần Lâm bày tỏ: “Nếu trường đại học ở tầm quốc gia thì khác nhưng hiện nay, không riêng Trường Lương Thế Vinh mà các ĐH dân lập nằm trên các tỉnh đều trong hoàn cảnh như vậy. Chúng tôi kiến nghị tỉnh quan tâm hơn, để trường đóng trên địa bàn phải là trường của tỉnh. Hiện nay, trường thuộc Bộ GD - ĐT và chỉ quản lý về chuyên môn, còn kết nối với địa phương thì chưa. Chúng tôi cũng mong tỉnh có nhu cầu gửi sang, trường sẽ bảo đảm chất lượng đào tạo”.

Chia sẻ khó khăn của nhà trường, song Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn cũng nêu rõ, thực tế tỉnh đã có những ưu tiên đặc biệt dành cho Trường ĐH Lương Thế Vinh. Chẳng hạn, khi thành lập trường, với ý chí tạo điều kiện học tập cho con em Nam Định, tỉnh dành cho trường quỹ đất 6,7ha. Ký túc xá cho các trường ĐH trong tỉnh cũng được đặt ngay cạnh Trường Lương Thế Vinh… “Các văn bản, quy định của tỉnh thời gian qua thực chất đứng trước bài toán về chất lượng nhân lực của tỉnh. Khó khăn hiện nay cũng là câu chuyện khách quan nhiều cơ sở đào tạo phải đương đầu”. Theo ông Tuấn, nhà trường cần chuyển hướng sang đáp ứng nhu cầu của các đơn vị sản xuất trên địa bàn; định hình lại các điều kiện đào tạo; trước mắt không thể tiếp tục lãng phí cơ sở vật chất rất lớn hiện có.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Loay hoay tồn tại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO