QUY HOẠCH TỔNG THỂ VỀ THỦY ĐIỆN

Loại bỏ và đoạn tuyệt với dự án thủy điện nhỏ

- Thứ Sáu, 15/11/2013, 08:41 - Chia sẻ
Từ thực tế phát triển thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ thời gian qua, nhiều ĐBQH nhấn mạnh, các nhà máy thủy điện nhỏ không đóng góp được bao nhiêu về năng lượng cho phát triển KT - XH nhưng lại gây ra quá nhiều hệ lụy đối với môi trường, tài nguyên…, gây thiệt hại lớn về vật chất và người. Các ĐBQH đề nghị, nếu ban hành nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện, QH cần yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương loại bỏ và đoạn tuyệt với các dự án thủy điện nhỏ, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo an toàn hơn và nước ta có tiềm năng khá dồi dào như năng lượng gió, mặt trời…

ĐBQH Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu): Loại bỏ, đoạn tuyệt với dự án thủy điện nhỏ – cần nêu rõ quan điểm này trong nghị quyết của QH

Theo Báo cáo của Chính phủ, cả nước có 1.239 dự án thủy điện, với tổng công suất trên 26.000 MW đã được quy hoạch. Sau khi rà soát quy hoạch và tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, Chính phủ đề xuất loại bỏ 424 dự án, tạm dừng có thời hạn 136 dự án, tiếp tục rà soát đánh giá 158 dự án, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng. Như vậy cả nước còn lại 815 dự án trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công 158 dự án. Từ kết quả trên cho thấy, giai đoạn 2001 - 2010, trong một thập kỷ, một thập niên thủy điện với phong trào nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện dẫn đến chất lượng quy hoạch thủy điện còn hạn chế. Không ít dự án bị loại bỏ, thiếu tính khả thi, số lượng dự án thủy điện nhỏ khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện, không đáp ứng chức năng đa mục tiêu, có nguy cơ đe dọa đến an toàn công trình, tính mạng người dân ở vùng hạ du.

Vai trò thủy điện trong cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia chiếm tỷ trọng rất lớn khoảng 44%, nhưng việc đầu tư trong công tác quy hoạch có thể nói là chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể đối với quy hoạch thủy điện lớn, việc quy hoạch chủ yếu dựa trên tiêu chí tối ưu chi phí đầu tư và vận hành điện theo yêu cầu năng lượng của quốc gia chứ không chú trọng đến tiêu chí ảnh hưởng đến môi trường. Đối với quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ được tỉnh phê duyệt thì nội dung nghiên cứu quy hoạch cũng như vấn đề tác động môi trường cũng chưa được chú trọng.

Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, việc kiểm tra giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Mặc dù thủy điện được xem là một phần của các nguồn năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng được khuyến khích sử dụng trong tương lai, song những hậu quả thực tế do thủy điện mang lại đã gây thiệt hại rất lớn về vật chất và con người. Vì vậy, đề nghị không giao cho địa phương quy hoạch thủy điện và cần dẹp bỏ các thủy điện nhỏ, tránh hệ lụy lớn có thể xảy ra sau này. Để thay thế nguồn năng lượng sản xuất từ thủy điện, đề nghị Chính phủ đầu tư và phát triển sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sản xuất từ sức gió, từ bức xạ mặt trời, tạo nguồn điện bổ sung giai đoạn 2010 - 2020 hiện đang là hướng đi đầy tiềm năng. Đây là nguồn năng lượng được đánh giá là thân thiện với môi trường, ít gây ảnh hưởng xấu về xã hội, an toàn cho con người mà nước ta lại có tiềm năng sản xuất điện gió trên 500 nghìn MW/năm và nguồn bức xạ mặt trời cao 1.581 KW/h/m2/năm, đóng góp vào công suất phát điện vào hệ thống điện quốc gia bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của đất nước. Vừa qua các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu triển khai điện gió phát điện tốt. Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch này sẽ thay thế được nguồn năng lượng từ thủy điện.

Tôi đề nghị QH ban hành nghị quyết về kết quả rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện chứ không phải là nghị quyết thừa nhận quy hoạch thủy điện. Đề nghị bổ sung nội dung trong Nghị quyết là: loại bỏ, đoạn tuyệt với dự án thủy điện nhỏ, đóng góp năng lượng điện không bao nhiêu nhưng gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.

ĐBQH Trần Xuân Vinh (Quảng Nam): Cần ban hành các chính sách đặc thù cho đồng bào tái định cư các dự án thủy điện theo đúng yêu cầu Nghị quyết số 40 của QH

Thời gian qua, việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các dự án thủy điện vừa và nhỏ do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư quá chú trọng về yếu tố kinh tế mà chưa thực sự chú trọng đến vấn đề an sinh, xã hội, môi trường. Tôi đề nghị QH xem xét, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của các bộ, ngành liên quan, kể cả các địa phương trong việc phê duyệt quy hoạch, thẩm định các dự án, đánh giá tác động môi trường, xây dựng các dự án thủy điện để xảy ra hệ lụy như vừa qua. Giám sát của Đoàn ĐBQH ở một số địa phương cũng đã cho thấy, chúng ta quá dễ dãi trong việc phê duyệt quy hoạch, kể cả việc đánh giá tác động môi trường. Còn có cả hiện tượng sao chép báo cáo đánh giá tác động môi trường, có những dự án cách nhau vài chục km, vài trăm km nhưng đánh giá tác động môi trường gần giống nhau. Vậy trách nhiệm như thế nào? Sau khi thẩm định, đánh giá tác động môi trường xong thì Hội đồng đánh giá tác động môi trường không còn trách nhiệm. Khi xảy ra các vấn đề liên quan đến môi trường, phá rừng, dòng sông chết, hệ lụy cho các vùng hạ du... thì không còn ai chịu trách nhiệm. Cần làm rõ trách nhiệm để nghiên cứu tới đây, về mặt pháp lý sẽ bổ sung những quy định như thế nào về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, kể cả các cấp, các bộ, ngành, địa phương liên quan đã phê duyệt quy hoạch bây giờ phải loại bỏ như vậy, ảnh hưởng đến môi trường như vậy. Có trách nhiệm của chủ đầu tư thì cũng phải có trách nhiệm của nhà quản lý.

Tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 40 ngày 23.11.2012, theo đó quy định, trong năm 2013, Chính phủ ban hành chính sách đặc thù cho đồng bào khu tái định cư các công trình thủy điện, tập trung giải quyết vấn đề đền bù tái định cư các công trình thủy điện. Đây thực sự là mong muốn, là kỳ vọng của đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên đến bây giờ đã gần hết năm 2013 vẫn chưa có chính sách nào như vậy được ban hành. Trong khi đó, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, với tình hình hiện nay, việc ban hành chính sách đặc thù áp dụng rộng rãi cho đồng bào tái định cư tất cả công trình thủy điện cần được cân nhắc, chỉ ban hành một số chính sách đặc thù cho từng công trình thủy điện là do khó khăn về nguồn vốn. Tôi thấy như vậy không thuyết phục. Tôi thiết tha mong QH triển khai nghiêm túc Nghị quyết 40 của QH, phải có chính sách đặc thù cho đồng bào tái định cư các dự án thủy điện, tùy theo quy mô dự án, diện tích bị ảnh hưởng, số dân bị di dời. Tôi cũng đề nghị đưa vào Luật Bảo vệ môi trường quy định chủ đầu tư thủy điện phải có trách nhiệm trong quy trình xả lũ gây thiệt hại cũng như gây xâm nhập mặn các vùng hạ lưu làm ảnh hưởng tới sản xuất của dân, doanh nghiệp. 

ĐBQH Danh Út (Kiên Giang): Hệ lụy do các công trình thủy điện nhỏ gây ra có phải do công tác quy hoạch còn nặng về kinh tế, xem nhẹ lợi ích xã hội, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, rừng hay không?

Tôi đánh giá cao sự chấp hành nghiêm túc của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 40 của QH về rà soát quy hoạch các dự án thủy điện trong cả nước. Đây là việc làm chậm nhưng rất cần thiết, được sự đồng tình cao của nhân dân, góp phần chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật và ngăn chặn nguy cơ suy thoái môi trường, nhất là chặn lại việc lợi dụng làm thủy điện để phá rừng.

Việc phát triển thủy điện trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều bất ổn và hậu quả xấu. Tôi xin nêu một vài con số: có trên 65.000 hộ gia đình với trên 300.000 nhân khẩu phải di chuyển đến nơi ở khác; tác động đến trên 133.913 ha đất nông nghiệp, trên 20.000 ha rừng. Thủy điện tác động xấu đến môi trường xã hội, rõ nhất là lũ lụt và khô hạn khi thủy điện tích nước và xả nước; thu hẹp không gian sống, ảnh hưởng phong tục, tập quán của dân bản địa, nhất là cuộc sống của người dân sau khi di dời đến nơi ở mới. Thực tế, cuộc sống tại nơi ở mới của họ khó ổn định vì tái định cư nhưng có nơi chỉ là định canh không định cư được, cơ sở hạ tầng không có, ngược lại có nơi chỉ định cư không định canh được, thiếu đất sản xuất hoặc đất quá dốc, quá khô cằn, không thể sản xuất.

Vì thế, tôi đề nghị, Chính phủ cần báo cáo QH số liệu cụ thể hơn về việc để xây dựng các nhà máy thủy điện đã ảnh hưởng đến bao nhiêu diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nhất là đất rừng. Các công trình thủy điện đã thực hiện chi trả phí dịch vụ môi trường như thế nào? Ở đâu làm tốt, nơi nào không chấp hành? Có bao nhiêu khu tái định cư bảo đảm nơi ở mới, đồng bào có cuộc sống bằng và tốt hơn nơi ở cũ? Diện tích rừng trồng thay thế được bao nhiêu? Nơi nào không tiến hành trồng rừng thay thế?... Chính phủ cần nói rõ thêm nguyên nhân tồn tại có phải do công tác quy hoạch chưa tốt, nặng về kinh tế, xem nhẹ lợi ích xã hội, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ phát triển rừng hay không? Vì sao 424 dự án bị loại ra đều có đánh giá tác động môi trường cho là tốt thì nay lại không tốt? Vì sao khi lấy đất rừng làm thí điểm thì cam kết sẽ trồng rừng nhưng nay lại không trồng rừng và cho là không còn đất để trồng rừng? Vì sao làm thủy điện gần 20 năm mà mãi đến năm 2013 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành quy định về trồng rừng, có phải đây là nguyên nhân các dự án chần chừ không trồng rừng thay thế cho các diện tích rừng đã bị lấy để làm thủy điện hay không? Tôi cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát quy hoạch vì trong 815 dự án thủy điện còn lại chủ yếu là thủy điện nhỏ không đóng góp được bao nhiêu năng lượng mà gây ra biết bao hệ lụy.

Nguyễn Vũ ghi; Ảnh: L.Hiển, Q.Khánh