Loại bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành

- Thứ Năm, 15/10/2020, 07:15 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ này, Chính phủ đã cắt giảm 68,2% danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 25% thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, còn 1.500 danh mục dòng hàng vẫn đang chồng chéo, đòi hỏi các bộ, cơ quan tiếp tục cải cách, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp về Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đã cắt giảm 62,8% điều kiện kinh doanh 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (62,8%) và 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%) và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng.  

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp
Ảnh: VGP/Gia Huy

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn 1.501 danh mục dòng hàng chồng chéo, được các bộ, cơ quan tiếp tục chỉ đạo cải cách. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý thủ tục nhập khẩu hàng hóa vẫn là rào cản gia nhập thị trường; làm tăng chi phí, thời gian, tốn kém cho xã hội.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, chưa tạo được bước chuyển biến mang tính đột phá, làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong trao đổi thương mại qua biên giới.

Trước thực tế này, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu Đề án hướng tới là cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Đề án, cơ quan hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, bao gồm: tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra; xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm việc điện tử hóa trình tự, thủ tục kiểm tra, công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ thông tin với bộ, ngành.

Đề án cũng áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng nhằm giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Toàn cảnh cuộc họp
Ảnh: VGP/Gia Huy

Sẽ tiết kiệm 399 triệu USD/năm

Triển khai Đề án sẽ giúp tiết kiệm 399 triệu USD/năm, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết. Cùng với đó, việc thống nhất đầu mối kiểm tra với việc thực hiện thủ tục hải quan góp phần giúp hội nhập tốt hơn, tăng uy tín của Chính phủ, cải thiện chỉ số cải cách hành chính, nâng vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín của thế giới về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Chính phủ cũng tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm nguồn lực, giảm chi phí cho một bộ máy kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cồng kềnh, giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Tiếp tục cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia

Khẳng định việc xây dựng Đề án là cần thiết, tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học của mô hình mà Đề án đưa ra cũng như vai trò của cơ quan hải quan khi là đơn vị vừa kiểm tra, vừa ra quyết định về sản phẩm hàng hóa đạt yêu cầu thông quan… Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan cho biết, trong giai đoạn hiện nay, hải quan chỉ giữ vai trò kiểm tra, chấp nhận chứng nhận, kiểm tra đối chiếu hàng hóa, không làm thay các bộ chuyên ngành. Tổng cục Hải quan nêu rõ, theo Đề án thì các bộ, ngành sẽ giữ vai trò như hiện nay và vai trò còn cao hơn khi thực hiện hậu kiểm hàng hóa nhập khẩu.

Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Đây cũng là giải pháp rất căn cơ để cải cách thủ tục hành chính, xây dựng năng lực cạnh tranh của quốc gia và môi trường kinh doanh của Việt Nam và tiết kiệm nguồn lực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cũng nhận định, Đề án đã đưa ra những định hướng cải cách theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, giảm phiền hà, phức tạp, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng thời gian thông quan, giảm phiền hà, cắt giảm chi phí. Vì vậy, vai trò quản lý nhà nước của các bộ vẫn giữ nguyên.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, nguyên tắc chung là hải quan là cơ quan đầu mối, cơ quan duy nhất kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, các bộ hướng tới kiểm tra hậu kiểm. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: kiểm tra nhưng phải bảo đảm hiệu quả về công tác quản lý nhà nước, nếu chỉ “nặng” vì lý do hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà thêm các thủ tục kiểm tra là không được. “Những lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành hải quan không làm được thì bộ, ngành vẫn phải làm. Chúng ta mạnh dạn giao cho cơ quan chuyên ngành, nhưng vẫn phải bảo đảm công tác quản lý nhà nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Hà An