Loại bỏ nghi lễ hiến sinh phản cảm

Cao Sơn 03/07/2015 07:50

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội 6 tháng đầu năm 2015, diễn ra ngày 2.7. Việc chuyển đổi cụ thể hình thức các nghi lễ cần ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học…

Công tác tổ chức, quản lý mùa lễ hội năm 2015 có nhiều biến chuyển tích cực. Nội dung lễ hội được các địa phương chủ động xây dựng phù hợp với di tích và truyền thống văn hóa. Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng, thành kính; phần hội phong phú, hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc các phong tục tập quán tốt đẹp. Các lễ hội đã gắn kết được hoạt động văn hóa truyền thống với quảng bá du lịch, giới thiệu được những mỹ tục lâu đời, độc đáo của người Việt. Tuy nhiên, một số vấn đề trong tổ chức, quản lý lễ hội tiếp tục được bàn thảo như mô hình quản lý chưa thống nhất, còn hiện tượng chèo kéo khách hay lén lút đốt đồ mã, đổi tiền lẻ, cướp lộc... Trong đó, vấn đề nóng được các nhà quản lý quan tâm, mổ xẻ là thực hiện nghi lễ hiến sinh trong các lễ hội truyền thống như tục chém lợn tại lễ hội đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh), tục đập trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ)...

Nghi thức rước lợn Nguồn: laodong.com.vn
Nghi thức rước lợn Nguồn: laodong.com.vn

Từ quan điểm tục hiến sinh luôn biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất định, TS. Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu giải quyết hài hòa, có lý, có tình về tập tục này. Cái gì tốt thì giữ lại phát huy, cái gì không còn phù hợp thì phải có sự điều chỉnh để vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, vừa phù hợp với xã hội hiện đại. Cơ quan quản lý cần tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục cộng đồng để họ tự chuyển đổi, không nên dùng biện pháp hành chính. Tôn trọng vai trò, phát huy tính tự chủ của cộng đồng nhưng không thả nổi mà phải xác định rõ vai trò quản lý nhà nước đến đâu và ở khâu nào.

Theo Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Xuân Thành, trong mùa lễ hội đầu năm 2015, tục hiến sinh gây ra tranh cãi gay gắt nhưng cũng đi đến một số thống nhất. Có thể thấy, trên thế giới tục hiến sinh động vật cũng đang đối diện với sự phản đối mạnh mẽ của dư luận xã hội. Tục hiến sinh lớn nhất thế giới hiện nay diễn ra tại đền Gadhimai (thờ nữ thần quyền lực trong đạo Hindu), làng Bariyarpur, quận Bara, Nepal, thực hiện nghi lễ hiến sinh hàng trăm con trâu (năm 2014: 300 con, năm 2015: 175 con). Chính phủ Nepal đã cắt giảm ngân sách tổ chức lễ hội và nhiều tổ chức xã hội trên thế giới phản đối tục hiến sinh của lễ hội này. Lễ hội Ném dê ở làng Manganeses, phía bắc Tây Ban Nha, với nghi lễ ném dê từ đỉnh nhà thờ của làng cũng đã thay thế ném dê sống bằng hình nộm sau khi chính quyền có biện pháp xử phạt hành chính nặng. Ngay như tục đâm bò, đấu bò ở Tây Ban Nha cũng đang dần được xóa bỏ, do những cuộc biểu tình phản đối.

Ngay sau những tranh cãi gay gắt trên một số phương tiện truyền thông về tục hiến sinh động vật trong lễ hội đã diễn ra hai cuộc tọa đàm khoa học xoay quanh vấn đề này. Từ ý kiến của các nhà khoa học, kinh nghiệm trong ứng xử của các nước đối với tục hiến sinh cho thấy, các tập tục hiến sinh chứa đựng yếu tố bạo lực cần được thay thế thông qua quá trình giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng chủ thể văn hóa lẫn cộng đồng khách thể, trong đó có cả chính quyền địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức, để đưa ra những giải pháp thay thế phù hợp. Để làm được điều này, cơ quan quản lý, các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong hỗ trợ, định hướng cho cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: khi phát hiện có vấn đề trong tổ chức lễ hội, những tập tục như tục hiến sinh gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh thì phải đối thoại với dân, thuyết phục dân để giải quyết dứt điểm. Người quản lý phải nhạy cảm, chịu trách nhiệm đối thoại với nhân dân. Ở xã hội hiện đại, văn minh, không thể vì lợi ích của một cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng lớn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết tâm để mùa lễ hội tới tục hiến sinh gây phản cảm không còn diễn ra. Tất nhiên, việc chuyển đổi hình thức của các nghi lễ này như thế nào cần ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa nhưng những hình thức phản cảm như: đập đầu trâu, chém lợn, cướp phết, cướp lộc… sẽ phải chấm dứt trong mùa lễ hội tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Loại bỏ nghi lễ hiến sinh phản cảm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO