Nối mạng thủy lợi - Bình Thuận phủ xanh vùng hạn hán

- Thứ Tư, 17/02/2021, 07:52 - Chia sẻ
Từ một tỉnh khô hạn, khả năng đáp ứng nước cho sản xuất nông nghiệp chỉ hơn 3%, đến nay, tổng năng lực tưới thiết kế của Bình Thuận đạt 73.300ha với hiệu quả sử dụng 72,3%. Tổng chiều dài của hệ thống kênh dẫn nước là trên 1.800km, hơn cả quãng đường từ Bình Thuận ra địa đầu Móng Cái. Nước đi đến đâu màu xanh phủ đến đó, giúp nông dân thoát nghèo, có người vươn lên giàu có. “Đây là trái ngọt của chặng đường dài đầy gian khó và quyết tâm của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Bình Thuận với sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân” - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận DƯƠNG VĂN AN chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân mới.
 

Cuộc hành trình không ngừng nghỉ...

- Thưa ông, nhắc đến Bình Thuận, ai cũng nghĩ tới một vùng đất nhiều nắng, thừa gió nhưng ít mưa và vô cùng khô hạn?

- Có dịp trò chuyện với bà con Bình Thuận ngay khi về nhận công tác (năm 2014 - PV), tôi nhận thấy trong ký ức của những người lớn tuổi, không gian sống của họ là những cánh đồng, cánh rừng, đồi cát khô hạn, cây cối xác xơ...

“Sống ở vùng khát”, hơn ai hết, nông dân Bình Thuận thấy được giá trị của nước. Vậy là, làm thủy lợi nhỏ từ một vài mô hình đã đi vào chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lan tỏa trở thành phong trào rộng rãi của cả tỉnh. Nơi nào chưa có nước, người dân giúp nhau làm thủy lợi nhỏ, dẫn nước về. Người dân cũng không ngại ngần giao đất sản xuất của mình để đào kênh, Nhà nước đền bù được bao nhiêu cũng vui vẻ nhận, không so tính thiệt hơn. Ý Đảng được lòng dân đồng thuận, tạo ra sức mạnh, đưa nước tưới đến khắp nơi…

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận DƯƠNG VĂN AN

Thực tế, Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất nước, lượng mưa trung bình năm chỉ 800mm - 1150mm. Mùa khô kéo dài, mùa mưa qua nhanh, nước mưa rơi xuống không đủ tích luỹ cho ao, hồ, sông, suối.

Những năm sau giải phóng, số lượng công trình thủy lợi ở tỉnh Thuận Hải (gồm Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) không nhiều, tỷ lệ những cánh đồng được tưới nước khá thấp, chỉ khoảng 3, 4%. Dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng nguồn lực và sức người có hạn, lại phải lo khắc phục hậu quả chiến tranh nên tình hình thủy lợi chậm được cải thiện. Đất đai, ruộng vườn thì nhiều nhưng cằn cỗi, cây sống không nổi, cuộc sống của người nông dân thực sự cơ cực… Bởi vậy, khi thăm và làm việc với tỉnh Bình Thuận vào năm 1993, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ, với Bình Thuận, phải tập trung làm thủy lợi để lo nước cho sản xuất… Hay Chủ tịch Quốc hội khóa IX, X Nông Đức Mạnh cũng nhấn mạnh: Nói đến Bình Thuận, thì trước hết phải nói đến nước, nước và nước...

- Vậy đến nay tổng năng lực tưới thiết kế của Bình Thuận đã đạt 73.300ha đất sản xuất nông nghiệp với hiệu quả sử dụng đạt 72,3%. Hành trình đưa nước về cho dân diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Lo nước cho dân sản xuất được các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh Thuận Hải trước đây và Bình Thuận sau này coi là một nhiệm vụ sống còn và quyết tâm thực hiện. Ngay sau giải phóng Bình Thuận đã đặc biệt quan tâm đến việc “trị hạn” bằng việc cho ra đời các công trình thủy lợi hồ Cà Giang, hồ sông Quao, hồ Tân Lập..., trong đó, hồ sông Quao lớn nhất, chứa được 73 triệu mét khối nước.

Lo nước cho dân là hành trình không ngừng nghỉ, hàng chục năm trời, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, các thế hệ lãnh đạo tỉnh vừa tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vừa tự lực cánh sinh, chắt chiu ngân sách, huy động sức dân để đắp đập, xây hồ trữ nước, đào kênh, mương dẫn nước. Những công trình thủy lợi lớn, nhỏ tiếp tục ra đời, hình thành hệ thống thủy lợi tương đối đều khắp như hồ Cà Giây, hồ Lòng Sông, hồ Đaguri, hồ sông Dinh, hồ sông Móng, đập dâng Tà Pao, đập Ba Bàu..., cùng hệ thống kênh Phan Rí - Phan Thiết, kênh 812 - Châu Tá, Kênh chính đập dâng Tà Pao (Bắc - Nam), Kênh chính Tây hồ sông Dinh, Kênh sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon và hàng chục trạm bơm công suất lớn...

Đến nay, ngoài hệ thống sông, hồ, Bình Thuận đã xây dựng được 78 hệ thống tạo nguồn, cấp nước tưới với 209 công trình hồ chứa, đập dâng, trạm bơm và các kênh tiếp nước... Tổng chiều dài của toàn hệ thống kênh là trên 1.800km, hơn cả quãng đường từ Bình Thuận ra địa đầu Móng Cái. Hệ thống kênh này không chỉ đưa nước về các vùng sản xuất nông nghiệp mà còn kết nối các hồ chứa nước với nhau, tạo ra sự linh hoạt của toàn hệ thống như hồ lớn tăng cường tích trữ vào mùa mưa, bù (cấp) nước cho hồ nhỏ vào mùa khô, nâng cao khả năng cung cấp nước tưới cho các vùng. Thuật ngữ “nối mạng thủy lợi” thường được nhắc đến khi nói về nét độc đáo trong hệ thống thủy lợi ở Bình Thuận là vậy!

	Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An kiểm tra tình hình tích trữ nước tại công trình thủy lợi Hồ sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: N. Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An kiểm tra tình hình tích trữ nước tại công trình thủy lợi Hồ sông Móng, huyện Hàm Thuận Nam.
Ảnh: N. Tuấn

Sớm hình thành mạng lưới thủy lợi phía Nam

-Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận đã lập được kỳ tích và biến những khó khăn, thách thức của những vùng khô hạn thành tiềm năng, dư địa để phát triển, nhưng biến đổi khí hậu ngày càng khó lường cũng đặt ra nhiều áp lực cho tỉnh, thưa ông?

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tí là một trong những người luôn đau đáu chuyện nước cho nông nghiệp. Anh em kể lại, hơn 10 năm trước, hầu như tuần nào ông cũng đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo trực tiếp việc làm thủy lợi. Sáng 5 giờ đem theo bánh mì, nước suối, ăn sáng trên xe; trưa ăn tại công trường để động viên anh em công nhân. Rồi đi gặp bà con nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; vận động bà con làm thủy lợi nhỏ, đưa nước về tận cánh đồng của mình. Ông nói trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phải quyết liệt, phải xắn tay áo cùng với anh em, kịp thời tháo gỡ những ách tắc, những vấn đề phát sinh; có những lúc phải quyết định nhanh, “đi tắt” về quy trình để lo… nước cho dân.

- Đúng vậy! Bình Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm, bởi thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, như thử thách khả năng chinh phục của con người.

Như năm 2020, mặc dù không có hiện tượng El Nino nhưng Bình Thuận vẫn xảy ra hạn và mức độ nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm qua. Các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa từ đầu năm đến tháng 5 thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% - 90%. Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng thiếu hụt. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Thời gian này, toàn hệ thống chỉ còn trên 27 triệu mét khối, chưa tới 11% dung tích thiết kế; chỉ bằng 1/3 so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, và chỉ bằng 31% so với thời điểm xảy ra hạn hán năm 2016.

Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng, nhất là địa bàn huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Từ cuối tháng 4, toàn tỉnh đã có 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Hơn 26.000 gia đình với trên 97.000 người ở khu vực nông thôn thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi đã phải cắt giảm gần 14.000ha diện tích cây trồng trong vụ đông - xuân và hơn 30.000ha lúa vụ hè - thu không thể sản xuất, chờ mưa và hơn 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt…

- Vậy hành trình lo nước cho dân sẽ tiếp tục như thế nào?

- Chúng tôi sẽ tập trung để sớm hình thành mạng lưới thủy lợi khu vực phía Nam nhằm bảo đảm đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân. Trước mắt, tỉnh đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để đầu tư nâng cấp công suất nhà máy và mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước tại 7 công trình cấp nước tập trung nông thôn đang khai thác sử dụng tại các địa phương. Tỉnh cũng sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 gồm kênh chuyển hồ Sông Dinh 3 - hồ Núi Đất, huyện Hàm Tân và thị xã La Gi; kênh Cà Giây - Cây Cà thuộc dự án Đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong.

Đặc biệt, cuối năm 2019, Quốc hội thông qua Dự án xây dựng hồ Kapet, dung tích hữu ích 47,4 triệu mét khối nước ở huyện Hàm Thuận Nam; trước đó dự án hồ Sông Luỹ ở huyện Bắc Bình với dung tích 95,8 triệu mét khối nước đã được khởi công… hai dự án này hoàn thành sẽ tăng khả năng cấp nước tưới trực tiếp trên 32.000ha; hỗ trợ cho các công trình hồ chứa ở bình độ thấp hơn, cấp nước cho các khu công nghiệp, du lịch và nước sinh hoạt cho hàng vạn dân… mở ra cho Bình Thuận một tiềm năng phát triển mới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện