Lỗ, nhưng doanh thu vẫn tăng!

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:57 - Chia sẻ
Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của 22.603 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại nước ta mới đây, có tới gần 55% doanh nghiệp báo lỗ tới hơn 131.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu tăng tới gần 13%, đạt mức gần 847.000 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, có khoảng 3.545 doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019, chiếm gần 16%, trong đó, 2.160 doanh nghiệp vẫn báo cáo tăng trưởng doanh thu. Một số nhóm ngành lỗ liên tiếp trong hai năm liền và lỗ năm trước nhiều hơn năm sau là sản xuất sắt thép và kim loại khác, dầu khí, xăng dầu, sản phẩm hóa dầu... Nhóm các ngành có tỷ suất lợi nhuận tốt gồm sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác; công nghiệp chế biến thực phẩm, rượu, bia, nước giải khát, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, phân phối bảo dưỡng ô tô, xe máy và nhóm y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ...

Còn theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2019, số thu về các sắc thuế nội địa không kể dầu thô của khu vực doanh nghiệp FDI đạt hơn 210.200 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với năm 2018. Tốc độ tăng nộp ngân sách của khu vực FDI năm 2019 nhanh hơn so với hai năm trước. Dù vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp FDI còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực, nộp ngân sách chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng. Bên cạnh đó, có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở một số doanh nghiệp FDI, thể hiện qua việc luôn báo lỗ thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Nhận định này của Bộ Tài chính là xác đáng bởi trong thực tế đã có những "nghi vấn điển hình" về việc thường xuyên báo lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Có thể kể đến trường hợp của Coca - Cola Việt Nam. Trong khoảng thời gian hơn 20 năm đầu tư tại nước ta, hầu hết Coca - Cola Việt Nam đều báo lỗ. Cụ thể, lỗ lũy kế tính đến tháng 12.2012 lên tới 3.768 tỷ đồng, vượt số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Đương nhiên, vì lỗ liên tục nên Coca - Cola Việt Nam không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp dù doanh thu tăng vài chục phần trăm mỗi năm và vẫn có kế hoạch đầu tư thêm...

Bình luận về "nghịch lý" này, một chuyên gia cho rằng, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca - Cola Việt Nam đã phải phá sản. Thế nhưng thay vì đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014, Coca - Cola Việt Nam tiếp tục đầu tư thêm hơn 200 triệu USD để mở rộng kinh doanh. Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế "nghi án" chuyển giá. Ý kiến khác cũng cho rằng, việc Coca - Cola Việt Nam liên tục báo lỗ là điều bất thường ở góc độ kinh tế học. Một doanh nghiệp chỉ có thể báo lỗ trong vòng 3 năm. Nếu sau đó vẫn tiếp tục báo lỗ nhưng vẫn mở rộng thị trường và tiếp tục phát triển thì cần xem xét lại công tác quản lý của cơ quan thuế. Cần đặt nghi ngờ về kết quả kinh doanh mà Coca - Cola Việt Nam báo cáo và thanh tra thuế phải vào cuộc ngay lập tức.

Rõ ràng với những gì đang diễn ra, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn để làm rõ rằng có hay không việc chuyển giá. Và nếu có thì cần phải ngăn chặn triệt để chứ không thể mãi dừng lại ở "nghi vấn". Không thể có chuyện lỗ nhưng vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh và doanh thu hàng năm vẫn đều đặn tăng.

Linh Trang