Lỗ hổng lớn, ai lo?
Trong khi Bộ Tài chính đang loay hoay tìm nguồn thu cho ngân sách, thì dư luận lại xôn xao với thông tin TP Hồ Chí Minh để hoang nhiều khu đất hàng nghìn tỷ đồng, đi kèm với đó là tình trạng cho thuê đất nhưng không kiểm soát hết, gây thất thoát.
Liệu câu chuyện đất công bỏ trống hoặc giao cho doanh nghiệp, cơ quan nhưng lại sử dụng không đúng mục đích có diễn ra ở những tỉnh, thành phố khác? Có lẽ không cần phải trả lời cho câu hỏi này bởi hầu như ở tỉnh, thành nào cũng có những khu đất trống, đất hoang, đất quy hoạch treo gây bức xúc lòng dân. Đơn cử như tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, tài sản công ở Đà Nẵng khiến cả loạt cựu lãnh đạo thành phố dính vòng lao lý.
Đất nước còn nhiều khó khăn khi thu không đủ chi, nhưng lỗ hổng về quản lý đất đai, về công sản lại chưa được đưa vào “vòng ngắm” để thu về cho ngân sách quốc gia! Vì sao? Phải chăng là do sự quan liêu hay chính quyền các cấp biết sự việc nhưng ngại va chạm nên tránh né?
Nhìn quanh công viên ở các thành phố lớn do quản lý không tốt, hay vì những cái “ngoắc tay” chia chác, hưởng lợi nên cho thuê làm nhà hàng, bãi giữ xe quá nhiều. Cứ nói cả nước quyết liệt lấy lại công viên cho cộng đồng, nhưng đã lấy về được bao nhiêu? Đã có cả chuyện thuê đất công viên rồi cho thuê lại hưởng lợi như ở công viên Trần Huỳnh của TP Bạc Liêu. Ai biết việc ký tá cho thuê 41 nghìn mét vuông đất tới 50 năm sẽ được doanh nghiệp sử dụng thế nào, hay lại chỉ là cái cớ để “nhóm lợi ích” hưởng lợi từ khu đất vàng của thành phố.
Nhiều nhà công sản cho thuê, bán không đúng đối tượng, rồi mua đi bán lại cũng gây bức xúc lòng dân. Tình trạng định giá công sản, giá trị tài sản không đúng trong cổ phần hóa doanh nghiệp chính là khe hở cho những chia chác, bán mua như cho, như tặng vào tay cá nhân. Dư luận đã có lúc nóng lên với chuyện “biệt phủ”, tư dinh hoành tráng của một số quan chức của tỉnh nọ, ngành kia, nhưng xem ra cách xử lý những đất đai bị lấn chiếm cũng còn chưa quyết liệt.
Thêm hiểu vì sao những vụ khiếu kiện vượt cấp, đông người về đất đai vẫn đang là “điểm nóng”! Lỗ hổng trong quản lý đất đai còn từ việc giải tỏa đền bù chưa đi vào quỹ đạo công khai và minh bạch.
Ngay như việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phản ứng với phương án đền bù giải tỏa đất đai mở Cảng Hàng không Long Thành của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng phải nhìn từ 2 phía. Cần hơn thế là phải lắng nghe từ thực tiễn. Ngân sách quốc gia không thể chi cho những hạng mục không nằm trong nội dung xây dựng sân bay Long Thành mà tỉnh “níu thêm” vào. Ngân sách càng không thể để cho tư duy kiểu “mượn gió” để moi tiền. Thế nên, thay vì chỉ phản ứng kiểu “lắc đầu”, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan về Đồng Nai để cùng tỉnh xem xét, lý giải từng khoản, từng việc, cùng tháo gỡ vướng mắc. Dứt khoát phải xây dựng phương án đền bù giải tỏa cho đúng nhất, hiệu quả nhất. Bởi dự án càng chậm, công tác giải phóng mặt bằng sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Không chỉ bạc tiền lớn phải chi ra mà còn nhiều hệ lụy xã hội không thế lường hết!
Tất cả hãy công khai và minh bạch để dân biết, dân thực hiện, dân kiểm tra!