Lo cho nông nghiệp và an sinh xã hội

- Thứ Hai, 07/12/2020, 08:05 - Chia sẻ
Số liệu thống kê về tình hình xuất khẩu của 11 tháng năm 2020 cho thấy nông nghiệp bắt đầu bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy hầu hết mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản có kim ngạch xuất khẩu 11 tháng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giảm mạnh nhất là nhóm hàng rau quả với 11,7%; hạt tiêu 11,5%; chè 5,3%. Các nhóm còn lại có mức giảm thấp hơn là hạt điều, cà phê, cao su, và thủy sản (dưới 2%).

Kể cả khi tin tức về kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở các nước phương Tây đã lạc quan hơn, khi vaccine chống virus SARS-CoV-2 đã được cấp phép để sử dụng thì nền kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn sẽ khó khăn, tiếp tục suy giảm trong năm tới và mất nhiều năm để có thể phục hồi. Thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là các nước phát triển khó khăn như vậy thì ngành nông nghiệp trong nước chắc chắn còn bị tác động theo hướng tiêu cực kéo dài.

Trong khi khó khăn do dịch bệnh chưa qua, thiên tai tiếp tục tác động xấu đến các vùng nông nghiệp ở miền Trung và Tây Nguyên. Riêng các tỉnh miền Trung, theo thống kê của Bộ NN - PTNT, thiệt hại sau đợt bão lũ vừa qua ước tính hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong đó nông nghiệp thiệt hại nặng về thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp. Trước đó, hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, dù chưa ước tính giá trị thiệt hại cụ thể, nhưng các thống kê về diện tích bị xâm nhập mặn cũng là con số rất lớn. Riêng nhóm cây ăn quả đã có hơn 25 nghìn hecta bị ảnh hưởng, trong số đó thiệt hại nặng gồm diện tích trồng cây ăn trái chủ lực như sầu riêng, bưởi, chôm chôm, chanh. Diện tích lúa bị ảnh hưởng lên đến gần 40 nghìn hecta vụ mùa 2019 và đông xuân 2019 - 2020.

Không chỉ ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn cũng được dự báo sẽ khó khăn. Bởi khi kinh tế toàn cầu suy giảm, sản xuất công nghiệp suy thoái, khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch gần như đóng băng thì lượng lao động trong các lĩnh vực này có thể phải trở về quê và tạo thêm áp lực cho đời sống ở nông thôn. Những xáo trộn có thể xảy ra với việc cung cấp dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế vì người lao động trở về có thể mang theo cả gia đình, trẻ em. Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng xu thế này cần được quan sát để chủ động ứng phó về góc độ an sinh xã hội.

Cũng cần nhắc lại, khảo sát của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, khảo sát trên 4.000 hộ gia đình trên toàn quốc, trong 13% số hộ nộp đơn đề nghị hỗ trợ từ tháng 2.2020, chỉ có 2,3% nhận được hỗ trợ trong tháng 7 và 8. Điều đó cho thấy từ thiết kế đến thực thi chính sách còn khoảng cách xa như thế nào!

Một loạt khó khăn như vậy, cùng với biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sẽ tạo ra thách thức lớn cho đời sống ở khu vực nông thôn lẫn sản xuất nông nghiệp. Khi nông nghiệp được coi là trụ đỡ của quốc gia trong các cuộc khủng hoảng, những xu thế nói trên là đáng quan ngại và cần được chú ý để tính đến các giải pháp ứng phó cả trong ngắn và dài hạn.

Nông nghiệp và khu vực nông thôn là một tổng thể, vì vậy ứng phó bằng chính sách cũng không thể đi theo tư duy riêng rẽ của từng ngành, dù là nông nghiệp hay lao động, xã hội hay giáo dục, y tế. Thay vào đó, Chính phủ cần chú trọng đến giải pháp tổng thể, đồng thời có tính phối hợp liên ngành cao. Và giải pháp có thực tế hay không cũng như muốn biết thực thi như thế nào cần có số liệu cập nhật và chính xác để đánh giá. Năng lực điều phối như vậy rõ ràng là yêu cầu, là trách nhiệm lớn của Chính phủ không chỉ ở giai đoạn cuối năm mà còn trong bước chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ sắp tới.

Sa Nam