Chính trị

Lo “bao cấp ngược” nếu không quy định rõ điều kiện hỗ trợ học phí

Đan Thanh 22/05/2025 19:10

Tán thành với chủ trương miễn, hỗ trợ học phí tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, song ĐBQH đề nghị cần quy định rõ điều kiện để hỗ trợ học phí ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, tránh “bao cấp ngược”.

Không nên giao HĐND tỉnh quyết định hỗ trợ học phí

Chiều 22/5, thảo luận ở Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng) về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết), các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.

g1.jpg
ĐBQH Ngô Chí Cường (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ), đây là Nghị quyết “làm nức lòng dân”. Còn ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) xác nhận, khi nghe đến chủ trương này, “người dân rất kỳ vọng Nghị quyết được ban hành sẽ làm giảm gánh nặng tài chính, nhất là với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó tạo động lực huy động trẻ em đến lớp”.

Góp ý cụ thể, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1) là rõ ràng, bao quát, bảo đảm bao phủ đối tượng. Theo đó, Nghị quyết áp dụng đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học là công dân Việt Nam tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Song, đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “cơ sở giáo dục khác” để tránh bị hiểu lầm hoặc bị lạm dụng, bảo đảm thực hiện chính sách thống nhất trên cả nước.

Tại Điều 2 dự thảo Nghị quyết quy định về chính sách miễn, hỗ trợ học phí. Cụ thể, miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ đóng học phí do HĐND cấp tỉnh quyết định.

u2.jpg
ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đan Thanh

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, quy định này phù hợp với quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội trong giáo dục, đặc biệt là với các đối tượng yếu thế, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn…

Song, “nếu chúng ta không thiết kế chính sách hợp lý, minh bạch và có giới hạn thì nội dung trong dự thảo Nghị quyết có thể vô tình gây ra xung đột hoặc làm suy giảm động lực xã hội hóa giáo dục; làm tăng gánh nặng cho ngân sách”.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phân tích, khối các trường ngoài công lập vận hành chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa. Do đó, nếu mở rộng hỗ trợ tài chính cho khối này mà không có điều kiện ràng buộc sẽ khiến ngân sách “bao cấp ngược”.

Việc không có quy định rõ ràng cũng sẽ làm mất đi tính xã hội hóa thực chất, khi ngân sách nhà nước phải chi trả học phí cho người học ở cả trường dân lập, tư thục.

"Như vậy, thay vì huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục thì Nhà nước lại tiếp tục bao cấp, khiến mô hình xã hội hóa mất đi vai trò chủ động". Trong khi, các trường này lập ra thường dành cho đối tượng có mức thu nhập trên trung bình, có đủ điều kiện cho con em học ở đó để được cung cấp thêm các dịch vụ khác ngoài chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên toàn quốc.

Từ đó, đại biểu kiến nghị Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định hỗ trợ học phí tại cơ sở dân lập, tư thục cho một số nhóm đối tượng ưu tiên, như: trẻ em hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, hoặc học sinh không có khả năng học ở công lập do thiếu cơ sở vật chất.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đề nghị quy định giới hạn mức hỗ trợ không vượt quá mức học phí bình quân của các trường công lập trên địa bàn. Ngoài ra, Nghị quyết cần giao cho HĐND các tỉnh có hướng dẫn chi tiết mức hỗ trợ phải kèm theo các điều kiện bắt buộc cơ sở giáo dục ngoài công lập khi nhận học sinh được hỗ trợ phải công khai mức thu học phí, không thu thêm các khoản ngoài quy định, không từ chối tiếp nhận học sinh nhóm yếu thế… “Nếu không có điều kiện sẽ khiến tăng gánh nặng cho ngân sách”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

v1.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 8. Ảnh: Đan Thanh

Cơ bản đồng tình với chính sách miễn, hỗ trợ học phí như dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Ngô Chí Cường (Trà Vinh) đề xuất, hỗ trợ học phí cho học sinh trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục cần thống nhất một mức chung và bằng với mức miễn học phí cho học sinh khối công lập.

Theo đại biểu, nếu giao cho HĐND cấp tỉnh tự quyết sẽ không bảo đảm yêu cầu trên, không đồng đều giữa các tỉnh, có khi mức hỗ trợ còn cao hơn khối công lập. Tỉnh giàu hỗ trợ nhiều hơn, tỉnh nghèo hỗ trợ ít hơn, như thế sẽ gây khó khăn cho công tác xã hội hóa giáo dục: các nhà đầu tư sẽ vào nơi được hỗ trợ cao hơn, trong khi các tỉnh nghèo sẽ khó thu hút họ.

Nên hỗ trợ bằng mức của các trường công lập, không nên giao cho HĐND các địa phương tự quyết để tránh sự không công bằng giữa các địa phương, đại biểu Ngô Chí Cường phát biểu.

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ nghiên cứu có một mức sàn để hỗ trợ các trường tư thục phù hợp hơn. Bởi nếu giao cho các tỉnh quyết sẽ dẫn đến sự không đồng đều.

Nên hỗ trợ bắt buộc sách giáo khoa

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho biết, ở nhiều nước như Thái Lan đã thực hiện hỗ trợ học phí; thậm chí họ còn hỗ trợ cả sách giáo khoa, đồng phục. Nước ta bây giờ mới làm, “dù chậm hơn một số nước song cần phải làm”, đại biểu nhấn mạnh.

Cơ bản ủng hộ dự thảo Nghị quyết, song đại biểu đề xuất, ngoài việc miễn, hỗ trợ học phí, “chúng ta có thể hỗ trợ sách giáo khoa cho các em không?”.

v2.jpg
ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu, sách giáo khoa có nhiều cấp độ: cấp học thấp hơn là sách in, cấp học cao hơn là sách điện tử. “Nếu Điều 2 dự thảo Nghị quyết ghi là “miễn, hỗ trợ học phí, sách giáo khoa” cũng là phương án mà chúng ta cần quan tâm. Nếu làm được sẽ thúc đẩy giáo dục phát triển rất tốt”.

Đề xuất này cũng nhận được sự tán thành của đại biểu Ngô Chí Cường và đại biểu Thạch Phước Bình.

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, chi phí giáo dục ngoài học phí còn có chi phí học liệu, sách giáo khoa, đồng phục, chi phí bán trú… Do vậy, đại biểu đề nghị xem xét hỗ trợ cả các chi phí ngoài học phí. “Nên đưa vào Nghị quyết mức hỗ trợ bắt buộc đối với sách giáo khoa, học liệu cơ bản như Hàn Quốc, Canada đã làm”, đại biểu đề xuất.

Cũng theo đại biểu, Chính phủ cần công bố báo cáo ngân sách hàng năm về hỗ trợ học phí; đồng thời, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ học phí theo hình thức công tư hợp tác để huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ thêm cho học sinh tư thục có hoàn cảnh khó khăn.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) bổ sung, cần tính đến phương thức chi trả khi miễn, hỗ trợ học phí. Trước đây, các trường công đã miễn, giảm học phí cho một số đối tượng, song “thủ tục, phương thức chi trả lại là vấn đề” với các thủ tục “rất nhiêu khê”.

“Tới đây, khi Nghị quyết có hiệu lực, chi trả hỗ trợ học phí cho khối dân lập, tư thục thế nào?”. Đại biểu Lò Thị Luyến đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị thủ tục chi trả cần thuận tiện.

Việc chi trả nên trao trực tiếp cho đối tượng đi học chứ không phải trả cho cơ sở giáo dục. “Như thế sẽ giúp cho người dân cảm nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước có ý nghĩa như thế nào với họ!”, đại biểu Lò Thị Luyến nhận định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lo “bao cấp ngược” nếu không quy định rõ điều kiện hỗ trợ học phí
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO