Linh thiêng huyền tích Chămpa

- Thứ Hai, 26/07/2021, 16:14 - Chia sẻ
Những gì còn sót lại từ Vương quốc Chămpa đã suy tàn ở Ninh Thuận không nhiều nhưng cũng đủ để một người trót đắm đuối tiếng trống Ginang, Bara ming của các chàng trai Chăm biết được, đằng sau ba ngọn tháp cùng hướng nhìn đỉnh núi Trầu của cụm tháp Po Klong Garai kia là niềm tin gì, là những con người từng sống, từng yêu như thế nào…
	Phù điêu thần Siva 6 tay đang múa trên cửa Tháp chính
Phù điêu thần Siva 6 tay đang múa trên cửa Tháp chính

Nằm trên núi Trầu, cách thành phố Phan Rang (Ninh Thuận) chưa đến chục cây số về phía Tây Bắc, Po Klong Garai là cụm tháp Chàm tráng lệ, linh thiêng, gần như nguyên vẹn còn sót lại ở Việt Nam. Đây được xem như biểu tượng, cũng là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm tại Ninh Thuận.

Vua Chế Mân cho xây dựng tháp Po Klong Garai vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV. Từ sau khi hoàn thành đến nay, nó vẫn luôn được xem là tâm điểm rực rỡ nhất của nền văn minh Chămpa. Sau một vòng qua tháp cổng - nơi Vua tiếp khách, tháp lửa - giữ lửa tế thần, tháp chính - thờ Vua và miếu Bà Bia Kol - thờ vợ Vua, trong phút nghỉ chân, ngắm nhìn toàn cảnh phố thị Phan Rang từ nơi mỗi bước chân đều phảng phất một huyền tích, lòng người có dịp được mênh mang trong những hoài niệm.

	Cụm tháp Po Klong Garai - Nguồn: www.thienviettour.vn
Cụm tháp Po Klong Garai
Nguồn: www.thienviettour.vn

Du khách đến thăm Po Klong Garai thường nhằm chính Lễ Kate (tháng 7), hay Lễ Mở cửa tháp - còn được gọi là Lễ đầu năm (tháng Giêng), Lễ cầu mưa (tháng 4), Lễ Cha bun (tháng 9). Những ngày này, đèn tháp sáng suốt đêm, rực rỡ, mời gọi. Giữa nhộn nhịp, chen chúc của những bộ váy áo kín đáo nhưng vẫn đủ rực rỡ của các chàng trai, cô gái Chăm; giữa những nghi lễ; giữa trầm bổng của tiếng trống Ginang, Bara ming, tiếng chiêng, tiếng kèn Xaranai; tuổi thơ của Vua Po Klong Garai, sự tích mẹ thần (hiện vẫn còn trước cửa tháp chính) lại được người Chăm đem kể cho con cháu, giới thiệu với du khách.

Mọi thứ liên quan đến cuộc đời Vua Po Klong Garai đều đã được người Chăm huyền thoại hóa, ví dụ như một phụ nữ vì uống phải thứ nước lạ trong rừng mà mang bầu, rồi sinh ra ông; hay vốn là một đứa trẻ xấu xí, ghẻ lở đầy mình, nhưng ông đã lột xác chỉ sau giấc ngủ trưa được rồng thần quấn quanh người, rồi một ngày được voi trắng của triều đình quỳ phục, rước về làm vua…

Tượng Vua Po Klong Garai được thờ trong Tháp chính - Nguồn: www.ninhthuan.gov.vn
Tượng Vua Po Klong Garai được thờ trong Tháp chính
Nguồn: www.ninhthuan.gov.vn

Trong văn hóa người Chăm, họ thờ vua, thờ thần trong những tòa tháp, tên tháp được đặt theo tên của người được thờ trong đó. Tháp Po Klong Garai thờ vua Klong Garai, vị vua được người dân vô cùng yêu kính, tôn làm thần, vì đã có công giúp họ thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật; đã dạy người Chăm biết làm ăn để giàu có, sung túc.

Người Chăm xây nhà, xây tháp luôn tuân theo cấu trúc thiên - địa - nhân hài hòa, tôn kính, phần đế tượng trưng cho thế giới âm, phần thân tượng trưng cho trần thế, còn phần mái tượng trưng cho thần linh. Dù là tháp hay nhà ở, họ đều xây phần mái - phần cao nhất, mô phỏng đỉnh núi thiêng Meru - ngôi nhà của thượng đế, trong thần thoại Ấn Độ. Tại Po Klong Garai, tượng, nóc tháp xếp lớp, đổ bóng lên nhau, tuân thủ thứ tự chính phụ, đan xen những bức phù điêu người ngồi ẩn trong hốc lá đề.

	Toàn cảnh khu tháp - Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+
Toàn cảnh khu tháp 
Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+

Tháp chính được xây dựng trên vị trí trung tâm ngọn đồi, có quy mô lớn nhất, cao trên 20m, bình đồ mặt bằng hình vuông, kích thước 10,5 x 10,5m. Tháp chính thường là nơi giữ chân du khách lâu nhất, có khi chỉ vì muốn cảm thấu khoảng không linh thiêng, nghi ngút nhang đèn, hay đơn thuần là vì quá cảm phục những con người đã làm nên công trình tuyệt mỹ này mà cứ nấn ná mãi. Trong biết bao xúc cảm, biết bao màu sắc, đường nét, vậy mà, điều khiến nhiều du khách từng qua đây lưu giữ cẩn trọng hơn cả lại là bức tượng bò thần, luôn hướng về chủ nhân, phục tùng, kính cẩn.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật, tháp Po Klong Garai đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2016.

Tuy không có kiến trúc đẹp nhất trong số hơn 20 tháp Chăm, nhưng Poklong Garai đã được chọn làm nguyên mẫu cho mô hình tháp Chăm ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Lý do là vì tháp thờ vua Poklong Garai (Shinhavarmen III) trị vì từ năm 1151 - 1205. Vị vua này có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc Chăm ở vùng đất phía Nam trong khai khẩn, nhất là trên lĩnh vực thủy lợi như đập Nha Trinh và kênh Chàm vẫn đang được sử dụng.

 

Hoàng Lan