Chính trị

Linh hoạt trong quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội

Đào Cảnh 16/05/2025 18:50

Thảo luận tại Tổ, chiều 16/5, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa tập trung góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội (Dự thảo Nghị quyết). Theo các đại biểu, cần linh hoạt trong quy định thời gian phát biểu của ĐBQH để phù hợp với thực tiễn và diễn biến tại các kỳ họp.

“5 phút có thể chưa đủ cho một ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội”

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 18 của Nội quy kỳ họp Quốc hội về thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội quy định: “…ĐBQH phát biểu lần thứ nhất không quá 5 phút, phát biểu lần thứ hai không quá 3 phút..” và “Căn cứ vào diễn biến phiên họp, Đoàn chủ tịch có thẩm quyền đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài thời gian mỗi ĐBQH phát biểu…”. Theo các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, việc rút ngắn thời gian phát biểu lần đầu của ĐBQH từ không quá 7 phút (theo quy định hiện hành) xuống còn không quá 5 phút và căn cứ vào diễn biến phiên họp, thời gian phát biểu lần đầu còn có thể rút ngắn hơn là chưa thực sự phù hợp; có thể không đủ thời gian để ĐBQH trình bày hết ý kiến của mình, nhất là tại các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.

a1(1).jpg
ĐBQH Cao Thị Xuân phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đào Cảnh

ĐBQH Cao Thị Xuân nêu thực tế, khi phát biểu thảo luận về kinh tế - xã hội, thông thường nếu các phiên quan trọng được truyền hình trực tiếp thì có đến hàng trăm đại biểu đăng ký. Nếu thời gian chỉ còn 5 phút cho mỗi lượt ý kiến và mỗi Đoàn chỉ được 1 đại biểu phát biểu thì với các đoàn có số lượng đại biểu lớn có thể chỉ được khoảng 2 đại biểu phát biểu. "Nên phân loại, ví dụ kinh tế - xã hội nên cho 7 phút còn các dự án luật thì có thể 5 phút lần đầu và 3 phút lần sau như vậy sẽ hợp lý hơn”, đại biểu nói.

a2(2).jpg
ĐBQH Lê Thanh Hoàn phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Góp ý về nội dung này, ĐBQH Lê Thanh Hoàn cũng cho rằng, thời gian phát biểu tại kỳ họp cần linh hoạt, không nhất thiết quy định rõ mà chỉ cần linh hoạt trong quá trình điều hành của Chủ tọa. Theo đó, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị, giữ quy định như hiện hành, chỉ bổ sung thêm quy định về việc chủ tọa, người điều hành phiên họp căn cứ vào diễn biến phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH xuống còn không quá 5 phút để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Các ĐBQH cũng cho rằng, thời gian chất vấn cũng cần được quy định linh hoạt, trong vòng 1 phút đại biểu có quyền hỏi bất cứ nội dung nào nếu cảm thấy cần thiết chứ không nên hạn chế quyền chất vấn của đại biểu “chỉ 1 nội dung trong vòng 1 phút”. Bên cạnh đó, thời gian tranh luận 3 phút cũng chưa thực sự hợp lý. “Có những đại biểu bấm nút tranh luận nhưng lại mang bài phát biểu ra đọc. Như vậy thực tế người phát biểu chính thức chờ mãi mới đến lượt thì chỉ được 5 phút, còn người tranh luận lại được đến 3 phút, như vậy là không công bằng. Tôi cũng đề nghị nếu bài tranh luận không liên quan thì đề nghị Chủ tọa cho dừng lại”, ĐBQH Cao Thị Xuân đề nghị.

Nên quy định Ủy ban Công tác đại biểu là nơi tiếp nhận thông tin “vắng mặt” của ĐBQH

Liên quan đến quy định về trường hợp ĐBQH không tham dự được kỳ họp, theo các đại biểu, Dự thảo Nghị quyết cơ bản kế thừa quy định này và hiện được quy định tại Khoản 2 Điều 3 của nội quy hiện hành, chỉ thay chủ thể Tổng Thư ký Quốc hội bằng Văn phòng Quốc hội. ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này, bởi, trách nhiệm tham mưu về công tác quản lý ĐBQH là của Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Tại kỳ họp, công tác quản lý ĐBQH hội còn thuộc về Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH. Do đó, việc giao Trưởng Đoàn ĐBQH là đầu mối của mỗi Đoàn tiếp nhận thông báo vắng của ĐBQH trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội là phù hợp. Đầu mối tiếp nhận thông tin ĐBQH vắng mặt tại kỳ họp từ Trưởng Đoàn ĐBQH là Ủy ban Công tác đại biểu vì Ủy ban Công tác đại biểu còn có trách nhiệm theo dõi, chi trả chế độ, chính sách của ĐBQH tại kỳ họp.

Bên cạnh đó, ngay cả khi Quốc hội không họp thì việc ĐBQH hoạt động chuyên trách đi công tác nước ngoài theo việc riêng, theo đoàn công tác do các cơ quan mời cũng thông báo về Ủy ban Công tác đại biểu chứ không thông báo về Văn phòng Quốc hội. “Không nên máy móc là cứ kỳ họp thì Văn phòng Quốc hội là đầu mối; không rơi vào thời gian Quốc hội họp thì Ủy ban Công tác đại biểu là đầu mối. Như vậy đã không bảo đảm sự liên thông trong theo dõi ĐBQH”, đại biểu Cầm Thị Mẫn nhấn mạnh.

a3.jpg
ĐBQH Cầm Thị Mẫn phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Cũng theo ĐBQH Cầm Thị Mẫn, trước đây Nội quy kỳ họp giao Tổng Thư ký Quốc hội là vì Điều 98 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội; trong đó, có nhiệm vụ thư ký của kỳ họp. Tuy nhiên, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua, sau khi sửa đổi, bổ sung một số điều, Luật Tổ chức Quốc hội đã bãi bỏ Điều 98 quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng Thư ký Quốc hội. Do vậy, giao nhiệm vụ thư ký kỳ họp, trong đó có điểm danh ĐBQH đối với Tổng Thư ký Quốc hội sẽ không còn căn cứ thực hiện.

Ngoài ra, trước đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được đẩy mạnh trong công tác điểm danh đại biểu. Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhận diện khuôn mặt hoặc sử dụng thẻ từ tại bàn họp của ĐBQH hiện nay, Văn phòng Quốc hội không cần phải tiếp nhận thông báo bằng văn bản mà hoàn toàn có thể cập nhật số lượng ĐBQH tại phiên họp 10 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần. Bên cạnh đó, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc liên thông các số liệu là rất đơn giản. Ủy ban Công tác đại biểu nếu cần số liệu ĐBQH đang dự tại phiên họp thì hoàn toàn có thể lấy số liệu từ Văn phòng Quốc hội. Nhưng việc theo dõi ĐBQH vắng và lý do vắng thì thuộc chức năng, quyền hạn của Ủy ban Công tác đại biểu .

a4.jpg
Quang cảnh thảo luận tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh

Theo đó, ĐBQH Cầm Thị Mẫn đề nghị thay cụm từ “Tổng Thư ký Quốc hội”, “Văn phòng Quốc hội” bằng cụm từ “Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội” và chuyển giao việc này sang Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội. Đại biểu Cầm Thị Mẫn cũng tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần đổi mới công tác báo vắng của ĐBQH bằng cách thiết kế việc xin phép qua App. Qua đó, thì cả Ủy ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội cũng đều theo dõi và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Tại thảo luận tổ các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thống nhất cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Nội quy kỳ họp Quốc hội với hệ thống pháp luật; đồng thời, cập nhật sửa đổi những vấn đề bất cập đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt sự đồng thuận cao để quy phạm hóa vào quy trình, thủ tục của kỳ họp. Tuy nhiên, còn một số điểm trong dự thảo nghị quyết ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Tham gia góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại phiên thảo luận, ĐBQH Lê Thanh Hoàn cho rằng, có một nội dung mà dự thảo Luật lần này cũng chưa thực sự xử lý được đó là vấn đề phương thức để thu tiền xử phạt. Hiện tại, chúng ta đang tập trung nghiêng về những nội dung dễ thu còn những nội dung khó có thể thu được thì vẫn đang bỏ ngỏ. Đại biểu cho rằng, hiện nay, chúng ta có cơ sở dữ liệu rất đầy đủ và có thể dùng các biện pháp để ràng buộc đối tượng vi phạm bởi các thủ tục hành chính để người vi phạm có ý thức, trách nhiệm hơn với hành vi vi phạm của mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Linh hoạt trong quy định thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO