Linh hoạt, thiết thực hơn trong tiếp xúc cử tri

- Thứ Tư, 13/10/2021, 06:03 - Chia sẻ
Giữ mối liên hệ với cử tri thường xuyên và chặt chẽ là yêu cầu không thể thiếu đối với đại biểu dân cử. Trong đó, TXCT là một hoạt động thường xuyên, chủ yếu để đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri. Những năm gần đây, hoạt động TXCT của đại biểu dân cử đã có nhiều đổi mới nhưng còn sơ cứng ngay trong các quy định và trên thực tiễn nên rất cần những thay đổi kịp thời để linh hoạt, hiệu quả thiết thực hơn.
Tiếp xúc cử tri là một hoạt động thường xuyên, chủ yếu để đại biểu giữ mối liên hệ với cử tri
Ảnh: Hồ Thảo

Cần quy định linh hoạt hơn

Trên thực tế, đại biểu chủ yếu chỉ TXCT trước và sau kỳ họp, phụ thuộc vào kế hoạch do văn phòng xây dựng, rất ít đại biểu chủ động đề xuất việc TXCT nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần quy định cụ thể hơn, mỗi đại biểu phải có ít nhất bao nhiêu buổi TXCT trong một năm hay 6 tháng (trước mỗi kỳ họp thường lệ) thì đại biểu sẽ phải chủ động sắp xếp thời gian công việc của mình.

Bên cạnh đó, quy định TXCT thiếu tính linh hoạt. Như quy định tại Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết 525: Đại biểu phải "Xây dựng chương trình, kế hoạch TXCT 6 tháng, hàng năm, xác định rõ thời gian, địa bàn, nội dung và hình thức tiếp xúc gửi đến Đoàn ĐBQH để xây dựng chương trình, kế hoạch chung của Đoàn; thực hiện sự phân công của Đoàn ĐBQH về việc TXCT". Thực hiện quy định này rất khó và không khả thi, vì đại biểu hầu hết là kiêm nhiệm, nên họ rất khó xác định trước (cả khoảng thời gian 6 tháng, hàng năm) khi nào thực hiện TXCT được. Cần quy định linh hoạt hơn, ví dụ: Đại biểu đăng ký trước (bao nhiêu ngày chẳng hạn) với văn phòng về thời gian, hình thức, đối tượng cử tri, quy mô tiếp xúc để văn phòng chuẩn bị các điều kiện phục vụ.

Các quy định trong Nghị quyết 525 về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong hoạt động TXCT khá rõ ràng, nhưng lại chỉ phù hợp và có thể thực hiện được khi tổ chức tiếp xúc trước, sau mỗi kỳ họp theo hình thức hội nghị tiếp xúc. Ví dụ như quy định: UBND các cấp cử đại diện tham dự các cuộc TXCT rất khó thực hiện nếu đại biểu thực hiện đa dạng các hình thức tiếp xúc với tư cách cá nhân đại biểu, tiếp xúc nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề... Cần nghiên cứu để có quy định phù hợp hơn.

Khắc phục tình trạng "cử tri chuyên trách"

Hầu hết trước mỗi kỳ họp Quốc hội hay HĐND, các Tổ đại biểu TXCT tại địa bàn ứng cử, mà hội nghị tiếp xúc chủ yếu tổ chức tại trụ sở cấp xã hoặc cấp huyện. Khi đó, chỉ có "cử tri chuyên trách" là đại diện các cơ quan, tổ chức dự tiếp xúc, rất ít có cử tri là những người trực tiếp lao động sản xuất, nhìn thành phần dự hội nghị chẳng khác nào cán bộ cấp trên (đại biểu dân cử) họp với cán bộ cơ sở (đại diện cử tri).

Tại mỗi hội nghị, cả tổ đại biểu (từ 2 - 4, 5 người) đều ngồi nghe cử tri phát biểu, mà trong thời gian một buổi (khoảng 4 tiếng đồng hồ) thì nhiều nhất cũng chỉ nghe được 7 - 10 ý kiến, thời gian trao đổi, giải thích rất ít. Chỉ cần thay đổi, nếu như mỗi đại biểu tiếp xúc một điểm, tại nhà văn hóa thôn, khu dân cư hoặc một cơ quan, đơn vị, thì diện tiếp xúc sẽ rộng hơn rất nhiều (gấp 2 - 5 lần) và sẽ tiếp xúc được với đa dạng thành phần cử tri, khắc phục được tình trạng "cử tri chuyên trách". Nhưng, nếu thực hiện như vậy lại vướng quy định về việc UBND các cấp phải cử người dự để giải trình, tiếp thu ý kiến cử tri (khi đó, UBND sẽ không đủ người để dự), hoặc "sợ" không bảo đảm được an ninh trật tự.

Trên thực tế, các đại biểu dân cử dự hội nghị tiếp xúc đã có người ghi biên bản, có người tổng hợp ý kiến cử tri, đã có đại diện các cơ quan chính quyền dự và giải trình, tiếp thu, cho nên vẫn còn không ít đại biểu "chẳng cần" quan tâm đến ý kiến cử tri sẽ "đi về đâu" và được giải quyết thế nào. Mặt khác, không ít các cuộc TXCT, ý kiến cử tri được tập hợp một cách "đầy đủ", cho nên mọi ý kiến (mặc dù có nhiều nội dung đã được giải trình) đều được tập hợp vào báo cáo tổng hợp để trình kỳ họp. Vì thế, có những kỳ họp, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri dài đến hàng chục trang.

Thực tế này đặt ra yêu cầu, cần có quy định, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp nào thì tập hợp riêng và chuyển đến cấp đó giải quyết, chỉ tập hợp và báo cáo những nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan ở cấp đại biểu ứng cử; đồng thời quy định, những ý kiến cử tri do đại biểu "cấp khác" chuyển đến cũng phải được tập hợp vào nội dung báo cáo của cấp mình. Cán bộ tổng hợp ý kiến cử tri cũng cần được tập huấn, hướng dẫn để nâng cao chất lượng báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri.

Lương Anh Tế- Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương