Linh hoạt, sáng tạo trong hành động

- Thứ Sáu, 28/05/2021, 06:47 - Chia sẻ

Lúng túng, bị động trong phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp; phương châm "4 tại chỗ" dù được chỉ đạo quyết liệt nhưng khâu tổ chức, thực hiện vẫn bất cập; quản lý cách ly và sau cách ly vẫn còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, là những hạn chế đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra. Hơn lúc nào hết, cùng với việc kiên trì với chiến lược đã đề ra là "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị" thì linh hoạt, sáng tạo trong hành động cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra với mỗi địa phương.

Có thể kể tới sáng kiến gộp 5 mẫu trong xét nghiệm Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Đà Nẵng - “vũ khí” hữu hiệu giúp Đà Nẵng chiến đấu chống đợt dịch thứ hai vào năm 2020. Phương pháp lấy mẫu gộp 5 đã cho thấy lợi ích thiết thực, không chỉ giúp tiết kiệm về chi phí xét nghiệm (giảm xuống còn gần 12 tỷ đồng thay vì hơn 55,4 tỷ đồng nếu xét nghiệm mẫu đơn) mà còn bảo đảm xét nghiệm trên diện rộng cho 97.103 người, chỉ trong vòng 16 ngày. Phương pháp gộp nhóm đã giúp địa phương này "quét" được toàn bộ ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng, mở rộng xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình và sau một tháng, dịch bệnh đã được khống chế.

Trước diễn biến dịch hết sức phức tạp của đợt dịch lần này, CDC Đà Nẵng tiếp tục cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10 và bước đầu triển khai gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm. Chỉ trong hơn 20 ngày, từ 1.5 - 21.5, đã có gần 70.000 mẫu xét nghiệm được thực hiện tại Đà Nẵng, đáp ứng kịp với tốc độ truy vết, giám sát diện rộng. Sáng kiến này đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 biểu dương. Hiện, việc xét nghiệm gộp mẫu đang được Bắc Giang, Bắc Ninh - những “điểm nóng” của dịch Covid-19 học tập, triển khai. 

Trước thực tế nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch liên quan đến các khu công nghiệp lớn với hàng trăm nghìn công nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, đây là lúc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo. Thực hiện yêu cầu đó, ngay trong ngày 26.5, Bắc Giang đã triển khai lấy mẫu test nhanh thí điểm cho 200 công nhân, nhằm "giải tỏa" số lượng hơn 50.000 mẫu đang chờ được xét nghiệm tại địa phương này. Theo đó, phương án là thay xét nghiệm PCR bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Về cơ bản, phương pháp này không quá khó và không yêu cầu kỹ thuật cao, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người ở vùng có nguy cơ cao tự lấy mẫu. Cách này chỉ khuyến cáo thực hiện ở những địa phương có số lượng người cần xét nghiệm lớn, trong khi nhân viên lấy mẫu quá tải. Đây sẽ là kinh nghiệm thực tiễn cho các khu công nghiệp khác nếu xảy ra dịch. 

Thực tế, việc thay đổi chiến lược xét nghiệm Covid-19 cũng được một số quốc gia nhanh chóng áp dụng. Đơn cử như vào giữa tháng 5, Ấn Độ cũng ra phương án sẽ tập trung vào phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) để có kết quả nhanh hơn và qua đó cách ly người bệnh sớm hơn. Cách thức tiếp cận mới giúp nâng cao tổng lực xét nghiệm, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Nhằm thực hiện mục tiêu của ngành y tế là nỗ lực "chạy đua" với thời gian để dập dịch, một số nơi cũng mạnh dạn tính đến tình huống có nhiều người bị nhiễm, có nhiều F1 mà các khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ thì nghiên cứu, khảo sát, thí điểm cho F1 cách ly tại nhà. Bởi lẽ, trong điều kiện dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng như tại Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay thì phương án cho các đối tượng F1 cách ly tại nhà vừa tránh lây nhiễm chéo vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Có điều, sáng kiến đó chỉ đạt hiệu quả nếu có sự kết hợp giám sát bằng công nghệ cũng như từ phía cộng đồng. Các F1 được cách ly tại nhà phải bảo đảm các yếu tố như có phòng riêng, thoáng và điều kiện vệ sinh tương đối riêng biệt. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế; chính quyền cơ sở hướng dẫn F1 theo dõi và khai báo y tế hàng ngày. Đặc biệt, người cách ly tại nhà phải ký cam kết, thực hiện các biện pháp như cách ly ở điểm tập trung và nếu vi phạm cần phải xử lý nghiêm. 

Có thể khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định để có chiến lược hoàn chỉnh về phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, rất cần sự quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn từ phía các địa phương, để bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đỗ Quyên