Linh hoạt hình thức đánh giá học sinh

- Thứ Năm, 13/05/2021, 06:42 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại với tốc độ, quy mô, diễn biến phức tạp hơn các lần trước. Một lần nữa, ngành giáo dục phải thay đổi nhằm thích ứng với hoàn cảnh, hình thức học trực tuyến đã được kích hoạt. Tuy nhiên, những kỳ thi quan trọng trước mắt còn chưa rõ cách thức tổ chức ra sao.

Một số tỉnh đã ngay lập tức triển khai dạy và học cấp tốc để sớm kết thúc năm học. Điều này khiến không ít phụ huynh lo ngại bởi với việc dồn lịch học sẽ khó bảo đảm chất lượng, bởi học sinh không đủ thời gian học bài, giáo viên ít có điều kiện ôn tập cho các em. Ngay nhà trường cũng không đủ thời gian chuẩn bị đề thi, tổ chức thi nên kết quả cũng khó hy vọng phản ánh đúng học lực của học sinh.

Còn lại hơn 30 tỉnh đã triển khai hình thức học trực tuyến, rất có thể sẽ phải thi trực tuyến nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Quan trọng là, thực hiện kiểm tra như thế nào để đánh giá đúng năng lực học sinh? Trong trường hợp thi trực tuyến, phải tổ chức như thế nào để bảo đảm hiệu quả? Việc tổ chức một kỳ thi chưa có tiền lệ như thi trực tuyến khiến nhiều người lo ngại bởi tính trung thực của bài thi. Không loại trừ việc học sinh xem tài liệu, gửi bài trao đổi cho nhau, nhờ sự giúp đỡ của người khác nên có thể không công bằng với tất cả các em học sinh.

Đó là chưa kể, để tổ chức kỳ thi, trước hết đòi hỏi những điều kiện hạ tầng kỹ thuật cơ bản như internet, hệ thống máy chủ, ngân hàng đề thi, phần mềm quản lý, tài khoản riêng để học sinh truy cập... Muốn thi trực tuyến, phải bảo đảm 100% học sinh được học trực tuyến, tiếp cận được quá trình học trực tuyến. Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều học sinh không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất cho việc học trực tuyến, phụ huynh cũng không có điều kiện hỗ trợ…

Thi trực tiếp trong bối cảnh hiện nay là điều không thể. Còn thi bằng hình thức trực tuyến còn mới, các trường chưa quen và việc chuẩn bị cũng cần chu đáo để đáp ứng được các yêu cầu quy định. Vậy cách nào để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thật chính xác, khách quan, công bằng, trung thực, phản ánh đúng năng lực người học, tránh những tiêu cực có thể phát sinh? Có lẽ, phải tính đến cả phương án, thay vì thi trực tuyến tập trung, thì nên tính đến phương án lớp nào sẽ thực hiện việc kiểm tra của lớp đó. Việc kiểm tra, đánh giá có thể thực hiện thông qua hỏi - đáp, viết ngắn, thuyết trình, thực hiện dự án, hoạt động nhóm, bài thực hành… chứ không nhất thiết phải là thi.

Thực tế, từ năm học 2020 - 2021, học sinh THCS và THPT đã được áp dụng đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá. Trong đó, thay đổi lớn nhất là bỏ bài kiểm tra 1 tiết, nhưng tăng đánh giá, nhận xét cho từng môn học của học sinh. Như vậy, việc kiểm tra, đánh giá không chỉ phản ánh qua các kỳ thi mà đã được thực hiện thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học với nhiều hình thức khác nhau. Đây cũng chính là căn cứ để giáo viên có thể theo dõi quá trình thay đổi về nhận thức, ý thức, kỹ năng của người học để đánh giá đúng năng lực học sinh.

Chỉ còn 3 ngày (16.5), Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hiệu lực. Thông tư nêu rõ, trong trường hợp bất khả kháng, ở thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ mà học sinh không thể đến trường được. Nhà trường phải có các biện pháp để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá này chính xác, khách quan, công bằng, trung thực, đặc biệt là đánh giá đúng năng lực của học sinh. Ngay cả các trường đại học tuyển sinh cũng có đến năm bảy cách xét tuyển sinh đầu vào mà không nhất thiết dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. 12 năm học phổ thông, mỗi năm 2 học kỳ, học sinh đã “leo” qua 24 “bậc thang” đánh giá, xếp loại để lên lớp, chuyển cấp cần phải được thay đổi trong từng hoàn cảnh, tình hình khác nhau.

Rõ ràng, đánh giá sự phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh là cả một quá trình dài hơi, không chỉ qua 2 kỳ thi mỗi năm. Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá học sinh, áp dụng linh hoạt các hình thức kiểm tra nhằm giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất ngay trong quá trình học tập. Đây cũng là bước chuẩn bị hữu ích nhằm trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết cho việc học tại các trường đại học sau này; hơn nữa thích ứng với môi trường làm việc linh hoạt, đa dạng và gắn liền với công nghệ.

Chi An