Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử

Linh hoạt, chủ động trong tổ chức bầu cử

- Thứ Tư, 19/05/2021, 09:23 - Chia sẻ
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với các hiện tượng thiên tai, lũ lụt xảy ra đã khiến nhiều địa phương gặp một số khó khăn trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của Trung ương hiện đã bao quát các vấn đề này; các địa phương cần linh hoạt, chủ động phương án, kịch bản bầu cử phù hợp với điều kiện thực tế.

Cần cho phép bỏ phiếu sớm ở khu vực phong tỏa

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến công tác chuẩn bị bầu cử có thể thấy rõ nhất tại tỉnh Bắc Giang - một trong những "điểm nóng" hiện nay. Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị bầu cử sáng qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tính đến 0 giờ ngày 18.5, tỉnh đã phải dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn, phong tỏa toàn bộ huyện Việt Yên, với trên trên 200.000 dân, 100.000 công nhân đang lưu trú trên địa bàn. Ngoài ra, thực hiện giãn cách xã hội tại 3 huyện khác trên địa bàn tỉnh, xây dựng phương án tổ chức bầu cử ở các bệnh viện dã chiến (hiện có khoảng hơn 400 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 3 bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh - PV). 

Việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri hiện đang là khó khăn lớn mà tỉnh Bắc Giang đang phải gấp rút giải quyết. Theo ông Lê Ánh Dương, do dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp, xuất hiện các ca F0, F1 sẽ cách ly rất nhiều công nhân, có khi một trường hợp F1 cần cách ly hàng nghìn công nhân. Từ đó dẫn đến việc phải thay đổi địa điểm bỏ phiếu của cử  tri so với đăng ký trước đây. Những người đi làm nhiệm vụ hiện nay phải trưng tập thêm như y tá, bác sĩ đã nghỉ hưu, thanh niên tình nguyện, sinh viên nghỉ học nghỉ tại nhà cũng sẽ không thể về bầu cử tại nơi đã đăng ký trước. "Hiện nay, chúng tôi phải căng mình để rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh sách cử tri", Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ.

Tuy nhiên, với tinh thần nỗ lực cao nhất để tổ chức thành công cuộc bầu cử, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đã đưa ra 6 tình huống cho công tác chuẩn bị bầu cử. Theo đó, Bắc Giang đã thay đổi thành viên tổ bầu cử là những cán bộ điều hành tại các bệnh viên dã chiến, để tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu tại chỗ. Tại các khu cách ly tập trung cũng được thực hiện tương tự, điều chỉnh các điểm bỏ phiếu cho phù hợp; việc kiểm phiếu được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm khách quan, dân chủ. Cùng với đó, tỉnh lên phương án bảo đảm an toàn cho cán bộ tổ bầu cử đi vào địa điểm bị cách ly. Dù vậy, ông Lê Ánh Dương tâm tư, ảnh hưởng của dịch bệnh đã làm chi phí thực hiện bầu cử tăng lên nhiều, vì ở một điểm bầu cử không chỉ cần có 1 hòm phiếu chính mà sẽ phải bổ sung từ 4 - 5 hòm phiếu phụ.

Từ một "điểm nóng" dịch bệnh Covid-19 khác, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, Bắc Ninh hiện đang có nhiều ổ dịch, với 2 trong số 8 thành phố/huyện trên địa bàn phải thực hiện cách ly xã hội, 5 địa phương khác phải giãn cách. Toàn địa bàn tỉnh có 36 khu cách ly tập trung. “Số lượng các ca F0 vẫn tăng lên hàng ngày, mà lo nhất là những điểm dịch liên quan đến các khu công nghiệp. Mỗi ngày, giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có hàng chục nghìn công nhân là người của hai tỉnh qua lại làm việc, dòng di chuyển rất lớn, khó kiểm soát”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh cho biết. 

Để bảo đảm tổ chức thành công ngày bầu cử, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh đề nghị, Hội đồng Bầu cử quốc gia có hướng dẫn cụ thể, cho phép những địa phương bị phong tỏa hoặc có điểm cách ly được bỏ phiếu sớm để các lực lượng tập trung lo trước việc tại các khu vực phức tạp, giúp giãn các công việc phải tiến hành trong ngày 23.5 tới.

Quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời hạn và thành công

Không chỉ chú ý đến ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, Hội đồng Bầu cử quốc gia cần dự liệu các tình huống liên quan đến thiên tai, bão lũ, đặc biệt là những vùng núi, vùng sâu, vùng xa trong ngày bầu cử. Lấy ví dụ thực tế từ chuyến kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại Bắc Kạn, ngay trước hôm đoàn đến kiểm tra, giám sát thì trên địa bàn xảy ra lũ ống, lũ quét làm hơn 400 ngôi nhà bị sạt, có trường hợp bị thương hoặc tử vong, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị, cần tính đến trường hợp thời tiết không thuận lợi để ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử cho phù hợp với thực tế.

Qua nghe các báo cáo, ý kiến của một số địa phương, bộ, ngành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Tiểu ban Văn bản pháp luật và Thông tin tuyên truyền của Hội đồng Bầu cử quốc gia - nhận thấy: đến thời điểm này, việc chuẩn bị cho bầu cử được thực hiện cơ bản tốt, không còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi "khó như tỉnh Bắc Giang cũng chỉ còn vấn đề kinh phí, do diễn biến dịch bệnh phức tạp làm tăng chi phí thực hiện”. 

Từ thực tế hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Bởi, các vấn đề địa phương nêu tại hội nghị trực tuyến lần này cơ bản đều đã có văn bản hướng dẫn của Trung ương. Thậm chí, trong 206 vấn đề được đưa ra trong Cuốn sách hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì đến nay, nhiều vấn đề cũng đã được cập nhật, rất dễ theo dõi, áp dụng. 

Các địa phương cần chủ động, linh hoạt khi xây dựng phương án, kịch bản bầu cử phù hợp với điều kiện thực tiễn về phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt. Nhấn mạnh yêu cầu này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ, dù các vấn đề được địa phương kiến nghị đều đã có hướng dẫn của Trung ương nhưng cũng không vì thế mà thực hiện cứng nhắc theo hướng dẫn khung, mỗi nơi sẽ có một số điều kiện khác biệt, thiên tai có thể xảy ra ở địa bàn này nhưng không xảy ra ở địa bàn khác.

Chia sẻ với các địa phương gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến việc phải tách tổ bầu cử, bổ sung nhân lực, lập thêm hòm phiếu phụ... làm gia tăng kinh phí tổ chức bầu cử, phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu không để vấn đề kinh phí ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Do đó, cần khẩn trương cấp phát đủ kinh phí bầu cử cho các địa phương, bổ sung kinh phí cho các địa phương phát sinh kinh phí do tác động của phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thiên tai, bão lũ, các địa phương đặc biệt khó khăn, chưa cân đối được ngân sách. 

Có thể thấy, dù đang gặp khó khăn rất lớn do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử, lãnh đạo các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... đều khẳng định quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Quyết tâm này cũng được Hội đồng Bầu cử quốc gia ghi nhận ở nhiều địa phương khác qua quá trình tiến hành kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử vừa qua. Từ quyết tâm của các địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng chúng ta hoàn toàn sẵn sàng cho ngày bầu cử và sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Thanh Hải