Liệu Đạo luật AI của EU có bị hoãn?
Chưa đầy một tháng trước thời điểm một phần của Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI Act) có hiệu lực, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước sức ép ngày càng gia tăng từ giới công nghệ và một số chính trị gia, yêu cầu tạm dừng hoặc điều chỉnh việc thực thi đạo luật này.

Mốc thời gian đang đến gần
Theo kế hoạch, các quy định đầu tiên của Đạo luật AI đối với mô hình AI mục đích chung (General Purpose AI – GPAI) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 2/8 tới. Đây là bước đi đầu tiên trong quá trình thực thi Đạo luật AI - văn bản pháp lý mang tính bước ngoặt được EU thông qua năm 2024 nhằm quản lý các rủi ro liên quan đến sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo.
Đạo luật quy định một lộ trình triển khai theo từng giai đoạn, trong đó các mô hình nền tảng như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google hay các hệ thống do công ty Pháp Mistral phát triển sẽ phải đáp ứng loạt yêu cầu về minh bạch, an toàn và trách nhiệm.
Các điều khoản bao gồm: lập tài liệu kỹ thuật, tuân thủ luật bản quyền EU, công bố thông tin về dữ liệu đào tạo mô hình, đánh giá mức độ thiên lệch, khả năng chống độc hại và độ tin cậy trước khi tung ra thị trường.
Đặc biệt, những hệ thống AI được xếp vào nhóm có “rủi ro hệ thống” sẽ phải trải qua các cuộc đánh giá nghiêm ngặt, báo cáo với Ủy ban châu Âu và công bố dữ liệu về hiệu quả năng lượng.
Lo ngại từ cộng đồng doanh nghiệp
Phía các công ty công nghệ cả ở châu Âu và Mỹ đang bày tỏ nhiều lo ngại. Một bức thư ngỏ do 45 doanh nghiệp, bao gồm các tên tuổi lớn như Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (chủ sở hữu Facebook), Mistral và ASML, vừa được gửi tới Ủy ban châu Âu, đề nghị tạm dừng việc thực thi đạo luật trong hai năm. Mục tiêu của kiến nghị này là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, cũng như chờ đợi các hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.
Trên thực tế, nhiều nội dung quan trọng của đạo luật vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Bộ Quy tắc Thực hành AI - tài liệu đóng vai trò then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định - lẽ ra phải được công bố từ tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa xuất hiện. Theo nguồn tin từ Ủy ban châu Âu, thời điểm phát hành có thể bị lùi đến cuối năm 2025.
Việc không có hướng dẫn đã khiến không ít doanh nghiệp lúng túng. Không chỉ phải đối mặt với chi phí tuân thủ tăng cao, các công ty châu Âu còn lo ngại bị đặt vào thế bất lợi so với đối thủ Mỹ – nơi các tập đoàn sở hữu đội ngũ pháp lý và kỹ thuật đông đảo hơn.

Mâu thuẫn giữa kiểm soát và sáng tạo
Ở cấp độ chính trị, một số nhà lãnh đạo cũng đã lên tiếng ủng hộ việc hoãn thực thi đạo luật. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson mới đây gọi các quy định AI của EU là “gây nhầm lẫn” và đề nghị khối cần có cách tiếp cận thận trọng hơn.
Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông (CCIA Europe) cảnh báo rằng nếu không có hành động “dừng đồng hồ” kịp thời, cộng đồng phát triển AI sẽ rơi vào trạng thái thiếu chắc chắn về pháp lý.
Tuy nhiên, giới chức EU vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi lộ trình đã định. Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu tái khẳng định rằng các quy định GPAI sẽ có hiệu lực vào tháng 8/2025, và các cơ chế thực thi sẽ bắt đầu từ tháng 8/2026. Đồng thời, cơ quan này cũng đang phối hợp với Hội đồng AI châu Âu để thảo luận thời điểm ban hành Bộ Quy tắc Thực hành, dù có thể muộn hơn so với dự kiến.