"Liệu cơm gắp mắm"

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 06:43 - Chia sẻ

Tại Kỳ họp thứ Mười, khai mạc trong tuần tới, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đại dịch Covid-19 và những hệ lụy chưa từng có mà nó gây ra cho nền kinh tế thế giới khiến bài toán đặt ra đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn tới đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi đến thời điểm này, mặc dù chúng ta đã bước đầu thành công trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu này, đã một lần nữa đưa được đất nước trở lại với trạng thái “bình thường mới”, đã giữ được tốc độ tăng trưởng dương trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm nhưng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, kéo theo đó là suy thoái kinh tế thì vẫn treo lơ lửng.

Theo đánh giá sơ bộ của Chính phủ, quá trình phục hồi, gây dựng lại nền kinh tế suy thoái là rất khó khăn, cần một khoảng thời gian rất dài từ 3 - 4 năm sau khi kết thúc dịch, đồng thời sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí cũng như có thể sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Nếu tình huống xấu này xảy ra, chắc chắn sẽ gây tác động “domino” đến việc phát triển kinh tế - xã hội các năm sau, phá vỡ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của đất nước.

Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay và sẽ còn kéo dài trong ít nhất một vài năm tới chính là hồi phục kinh tế. Tại Phiên họp thứ 49 vừa qua, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, nêu rõ quan điểm phải có thêm nguồn lực để đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần sớm phục hồi nền kinh tế sau khi dịch được khống chế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để nắm bắt các cơ hội xây dựng động lực tăng trưởng mới ngay trong những năm đầu của kế hoạch.

Dẫu vậy, luôn có một khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu, mong muốn và nguồn lực thực tế. Với dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cũng vậy. Trước đó, theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương lên tới 3,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, trên cơ sở tính toán, cân đối các nguồn lực, Chính phủ dự kiến chỉ có thể bố trí tổng mức vốn đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2.750 nghìn tỷ đồng. Nhưng cũng không ai dám chắc có thể bố trí đầy đủ cả 2.750 nghìn tỷ đồng này bởi nguồn lực từ ngân sách nhà nước sẽ còn biến động, phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của đại dịch Covid-19. Nói cách khác, nguồn lực dành cho đầu tư công rất có hạn nhưng áp lực chi để phục hồi nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn tới thì ngược lại, sẽ vô cùng lớn.

Vì thế, hơn lúc nào hết, phải sử dụng nguồn lực đầu tư công tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất. Phải tập trung và có trọng điểm hơn nữa, khắc phục triệt để tình trạng dàn trải. Phải “liệu cơm gắp mắm”, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc của Luật Đầu tư công. Trong đó, cần dành ưu tiên cho các công trình chuyển tiếp hoặc đang bị dở dang do thiếu vốn, các dự án quy hoạch, chuẩn bị đầu tư; tập trung xây dựng các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường lên Tây Nguyên, hạ tầng số, chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu...

 Một điểm thuận lợi cơ bản là thời gian gần đây, những rào cản pháp lý gây trở ngại cho việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đã được Quốc hội tập trung tháo gỡ. Trong đó, phải kể đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư được Quốc hội ban hành tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua. Đạo luật này đã tạo khung pháp lý đầy đủ, minh bạch để khắc phục những điểm nghẽn, những nguy cơ, rủi ro khiến nhà đầu tư tư nhân ngần ngại, không mặn mà tham gia các dự án PPP trong suốt giai đoạn vừa qua.

Như vậy, cùng với việc tính kỹ khả năng cân đối từng nguồn lực, lường trước những tác động tiêu cực nếu đại dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu; xác định đúng, trúng các ưu tiên đầu tư để xây dựng dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới, thì một hướng khác, cũng phải làm thật nhanh để huy động tối đa các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước. Đó là, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số nội dung được ủy quyền quy định chi tiết trong Luật Đầu tư công năm 2019 và đặc biệt là ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để đưa luật vào cuộc sống, từ đó thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án PPP, nhân lên nguồn lực đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Hải Lam