Liệu có sự tiếp tay hoặc "chống lưng" cho các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng?
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn nạn hàng nhái, thực phẩm chức năng giả bắt nguồn từ sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vấn nạn hàng giả biến tướng, tinh vi
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng phục vụ người tiêu dùng (bao gồm thực phẩm khô, thực phẩm nước và các sản phẩm thiết yếu) bị phát hiện là hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát vấn nạn hàng giả, nhưng thực trạng không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngược lại, còn có xu hướng gia tăng và biến tướng tinh vi hơn.
Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Tài chính gần đây chỉ rõ, tràn lan hàng kém chất lượng từ sữa, đường, giá đỗ tẩm hóa chất cho đến lòng lợn không rõ nguồn gốc,... Một số cá nhân vì lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả, đẩy sản phẩm độc hại ra thị trường.
"Tôi thắc mắc, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi để tình trạng này kéo dài? Tại sao chỉ đến khi có sự vào cuộc của báo chí, truyền thông thì công tác thanh tra, kiểm tra mới được triển khai? Công tác hậu kiểm phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý nghiêm minh – từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết", ông Hòa đặt câu hỏi.
Không chỉ vậy, đại biểu Đồng Tháp đặt nghi vấn: Liệu có sự tiếp tay hoặc "chống lưng" nào cho các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng? Nếu không, tại sao các hành vi gian lận có thể tồn tại suốt nhiều năm mà không bị xử lý?
"Vấn nạn hàng giả bắt nguồn từ sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không loại trừ khả năng một số cán bộ quản lý bao che, tạo cơ hội để hành vi sai trái tiếp diễn", đại biểu Phạm Văn Hòa chỉ rõ.
Trước câu hỏi giải pháp nào để ngăn chặn vấn nạn hàng nhái, hàng giả, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước, người đứng đầu đơn vị cần nghiêm túc rà soát, xem xét cán bộ cấp dưới đã thực hiện đúng chức năng, quyền hạn chưa? hay đang còn thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu dung túng, thỏa hiệp với sai phạm?
Cũng theo đại biểu, nếu chi phí nguyên liệu đầu vào, sản xuất tăng, phải có phương án điều chỉnh giá thành. Tuyệt đối không bao biện lý do để sản xuất hàng kém chất lượng. Đây là hành vi bất công với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đạo đức kinh doanh cần được đào tạo tại bậc đại học
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, hiện hành vi gian lận trong sản xuất và lưu hành hàng giả, hàng kém chất lượng đang trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng lo ngại hơn, tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng khi các cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc gây chấn động dư luận. Đơn cử như vụ gần 600 nhãn sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong suốt 4 năm qua, hay hàng loạt sản phẩm được làm nhái ngang nhiên lưu hành trên thị trường.
"Dù cơ quan chức năng có thể thống kê được số lượng sản phẩm và doanh nghiệp vi phạm, nhưng tác động tiêu cực đến sức khỏe con người thì rất khó định lượng, thậm chí không thể thống kê đầy đủ" bà Việt Nga cho hay.
Trước thực trạng trên, về khía cạnh thể chế, đại biểu Việt Nga đặt vấn đề: Liệu có tồn tại "kẽ hở" chính sách để các tổ chức, cá nhân liên tục vi phạm mà không bị ngăn chặn triệt để?
Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã quy định đầy đủ về quản lý sản xuất, kinh doanh, song trên thực tế vẫn ghi nhận nhiều vi phạm. Đơn cử, đối với thực phẩm chức năng và sữa, theo quy định, doanh nghiệp phải tự công bố chỉ tiêu chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Sau đó, cơ quan chức năng tiếp nhận công bố và tăng cường hậu kiểm.
Tuy vậy, quá trình hậu kiểm đang đối mặt với "bài toán" về nhân lực. Mỗi ngày, có hàng loạt sản phẩm mới được công bố. Thực tế, lực lượng chức năng khó thể kiểm soát hết tất cả sản phẩm trên thị trường với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, việc sản xuất theo từng lô khiến chất lượng sản phẩm không ổn định. Lô hàng đầu có thể đạt chuẩn, nhưng các lô sau thì không được đảm bảo.
Cũng theo đại biểu Việt Nga, đạo đức doanh nghiệp và tính răn đe từ các chế tài xử lý là hai yếu tố cần đặc biệt chú trọng.
Xét về chế tài, hiện nay hành vi sản xuất hàng giả đã bị xử lý hình sự, với mức án có thể lên tới 20 năm tù – cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, vi phạm vẫn tiếp diễn do hai nguyên nhân chính: Lợi nhuận từ hành vi sản xuất hàng giả quá lớn và cơ chế kiểm tra vẫn mang tính xác suất. Chính kỳ vọng “thoát hiểm” nhờ xác suất kiểm tra thấp, khiến các đối tượng tiếp tục tái phạm.
"Hệ thống chế tài cần được siết chặt hơn nữa, bổ sung các hình thức xử phạt mạnh mẽ, có tính răn đe, để doanh nghiệp và cá nhân không dám vi phạm", bà Nga khẳng định.
Một yếu tố khác cũng cần được đề cao là đạo đức trong kinh doanh. Đại biểu Việt Nga thông tin, một số trường đại học hiện nay đã đưa nội dung đạo đức doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy, đặc biệt trong các ngành thương mại và kinh tế. Tuy vậy, việc tích hợp vẫn còn hạn chế, chưa trở thành học phần bắt buộc.
"Để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng không tiếp diễn, đạo đức kinh doanh cần được đặt lên hàng đầu và trở thành nội dung đào tạo bắt buộc trong các chuyên ngành liên quan ở bậc đại học", đại biểu Việt Nga kiến nghị.