TP Hồ Chí Minh đề xuất triển khai xe buýt cỡ nhỏ:

Liệu có cạnh tranh được với xe máy?

- Thứ Bảy, 23/01/2021, 05:31 - Chia sẻ
Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh vừa đề nghị UBND thành phố đề xuất Chính phủ cho phép triển khai loại hình xe buýt cỡ nhỏ có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính. Ủng hộ đề xuất này nhưng các chuyên gia lo ngại liệu xe buýt nhỏ có thu hút người dân và cạnh tranh được với xe máy hay không?

350 xe đón khách trong hẻm

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh hiện nay, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đáp ứng được 9,2% nhu cầu giao thông đô thị. Theo mục tiêu của Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, đến năm 2025, khối lượng vận chuyển đáp ứng 15% nhu cầu. Tuy vậy cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ đang cản trở phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Nguồn: ITN

Vì vậy, Sở đề xuất xây dựng 30 tuyến buýt cỡ nhỏ với 350 xe 12 chỗ, có khả năng di chuyển đón khách tại các hẻm rộng 4 - 6m. Xe này có chức năng trung chuyển, gom khách kết nối đến xe buýt chính, gắn chặt với hoạt động đưa đón học sinh và sau này là đầu mối chuyển khách tới các tuyến metro. Mục tiêu trong bán kính không quá 200 - 500m, người dân có thể dễ dàng di chuyển đến các điểm giao thông công cộng.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc xây dựng các tuyến buýt nhỏ để gom khách cho tuyến buýt lớn rất phù hợp với thực tế của thành phố. Bởi nhu cầu đi lại của 10 triệu dân rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của vận tải hành khách công cộng còn quá khiêm tốn. Hơn nữa, thành phố có nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp, số tuyến xe buýt ít khiến người dân khó tiếp cận vận tải hành khách công cộng. Để đến được các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, nhiều hành khách phải nhờ người chở xe máy, đi xe ôm, thậm chí đi taxi, rất bất tiện.

Bên cạnh đó, xe công nghệ ngày càng phát triển mạnh đã "nhảy vào" chia sẻ thị phần vận tải. Nếu Nhà nước không nhanh chóng mở rộng các loại hình dịch vụ mới sẽ không thể thu hút người dân đi lại bằng vận tải hành khách công cộng, ông Tuấn nói.

Trước mắt nên thí điểm

“Phải phát triển vận tải hành khách công cộng tốt mới tính toán đến phương án hạn chế xe cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, PGS.TS Chu Công Minh, trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Tuy vậy, theo ông Minh, trước khi thực hiện rộng rãi thì cần triển khai thí điểm xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách tại một số khu vực của thành phố. Khu vực đó cần được nghiên cứu, điều tra kỹ dựa trên một số tiêu chí như hệ thống đường sá; nhu cầu sử dụng; lộ trình và thời gian di chuyển của xe buýt mini phải phù hợp với lộ trình xe buýt lớn, tiện lợi khi chuyển tuyến và giảm các tuyến trùng lặp trên cùng một hành trình. Cùng với đó, cần có phương án giảm giá vé cho người sử dụng xe buýt cỡ nhỏ để khuyến khích nhu cầu sử dụng.

Theo Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, muốn phát triển vận tải hành khách công cộng, ngoài nâng cao chất lượng phục vụ, ngành vận tải còn phải cung cấp đa dạng các loại hình vận tải và mạng lưới tuyến phải phủ rộng, phủ đều khắp các tỉnh thành. Do đó, các cấp, ngành cần rà soát lại quy định để tháo gỡ rào cản về cơ chế, quy định nào không còn phù hợp nữa nên được điều chỉnh; việc nào mang lại hiệu quả chung cho toàn xã hội thì nên khuyến khích. (Đề xuất phát triển xe buýt cỡ nhỏ từng bị Bộ GTVT từ chối vì chưa có cơ chế). Cũng theo ông Tuấn, mô hình này không chỉ áp dụng với TP Hồ Chí Minh mà có thể triển khai rộng ở các thành phố khác.  

Việc tháo gỡ cơ chế không khó, cái khó là liệu xe buýt cỡ nhỏ có thu hút được người dân, có cạnh tranh được với xe máy hay không, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy đặt vấn đề. “Với sự linh hoạt của xe máy, tôi lo xe buýt nhỏ không cạnh tranh được. Đây là bài toán cần được đặt ra và tính toán kỹ lưỡng”, ông Thủy nói. Hơn nữa, xe công cộng càng nhỏ thì giá vé càng đắt. Từ trước tới nay, Việt Nam đã trợ giá rất lớn cho xe buýt, nếu trợ giá cho xe buýt nhỏ nữa liệu có ổn trong khi ngân sách ngày càng eo hẹp. Nhưng trợ giá cũng không có nghĩa người dân sẽ đi nhiều hơn nếu như thiếu tiện nghi, thiếu cam kết đúng giờ, thái độ phục vụ chưa chuẩn mực…

Đặc biệt, việc xác định mạng lưới cho loại xe buýt này cũng cần tính toán phù hợp. Theo ông Thủy, những tuyến xe buýt nhỏ không nên thành lập một mạng lưới mang tính chất độc lập mà chỉ nên là nơi trung gian kết nối giữa các khu dân cư ngõ hẻm, các tuyến metro và các bến xe. Ông cũng nhấn mạnh nguyên tắc trên thế giới: đã là xe công cộng phải chở khối lượng lớn thì mới chở được nhiều người và giải tỏa được lượng hành khách ùn tắc cũng như giảm được giá thành.

Tuệ Anh