Liệu Anh có mất Bắc Ireland?

Thành An 06/07/2016 08:43

Sau khi ván cờ Brexit ngã ngũ, một trong số những hệ lụy được giới chuyên gia chỉ ra là nguy cơ tan rã của Liên hiệp Anh (hiện gồm Anh, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland) do tình trạng chia rẽ sâu sắc về nguyện vọng đi và ở lại Liên minh châu Âu (EU). Đã xuất hiện một kịch bản ít người ngờ đến nhất - đó là khả năng hợp nhất giữa Bắc Ireland và CH Ireland.

Nỗi thất vọng của Belfast

18 năm trước, Hiệp định Hòa bình Belfast được ký kết ở Bắc Ireland đã chấm dứt nhiều thập kỷ giao tranh giữa những người Thiên chúa giáo theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ một Ireland thống nhất (sáp nhập với CH Ireland) và những tín đồ đạo Tin lành theo chủ nghĩa hợp nhất ủng hộ việc ở lại Anh, duy trì nguyên trạng này như một sự bảo đảm ổn định và thịnh vượng. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu Brexit đang khiến người dân thuộc hai phe của Bắc Ireland vốn chia rẽ này phải nghĩ về một kịch bản tưởng chừng không tưởng: Gắn bó số phận vùng lãnh thổ này với CH Ireland.   

Bắc Ireland - giống như nước láng giềng Scotland - đã bỏ phiếu ở lại EU, với 56% số cử tri tán thành, dù toàn bộ cử tri Anh đã bỏ phiếu rời EU. Christopher Woodhouse, 25 tuổi, đến từ Belfast, nói: “Tôi từng là một người theo chủ nghĩa hợp nhất với Anh. Nhưng thành thật, giờ đây, tôi có lẽ sẽ không bỏ phiếu cho việc Bắc Ireland vẫn là một thành viên của Anh. Quan điểm phản đối của tôi về ý tưởng một Ireland thống nhất đã phần nào bị lung lay, hoàn toàn do các vấn đề kinh tế. Tôi là một công dân châu Âu”.

Liệu Anh có mất Bắc Ireland? ảnh 1

Tìm đến tấm hộ chiếu CH Ireland 

Những biểu hiện đầu tiên đã khá rõ nét khi những tín đồ đạo Tin lành theo chủ nghĩa hợp nhất với Anh đang xếp hàng để xin cấp hộ chiếu Ireland ở Belfast, trong khi những người Thiên chúa giáo theo chủ nghĩa dân tộc từng khá kín tiếng hiện đang công khai vận động vì một Ireland thống nhất. Đây là các dấu hiệu cho thấy sự thay đổi sâu sắc ở một khu vực bất ổn nhất tại Vương quốc Anh kể từ khi nước này tiến hành cuộc bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU, còn gọi là “Brexit”.  Một người nói rằng cảm thấy sốc và thất vọng bởi kết quả Brexit, và coi tấm hộ chiếu Ireland là cách duy nhất để níu giữ tư cách công dân EU. Họ không công khai tên tuổi của mình bởi lo ngại việc nộp đơn xin hộ chiếu Ireland có thể sẽ gây tranh cãi trong số những người theo chủ nghĩa hợp nhất.   

Tư cách thành viên của cả Ireland và Anh trong EU là nền tảng quan trọng của Thỏa thuận năm 1998 để chấm dứt cuộc giao tranh về việc liệu 6 hạt ở Đông Bắc Ireland, với phần đông người theo đạo Tin lành sẽ thuộc Anh hay Ireland. Các quy định của EU bảo đảm sự tự do thương mại và đi lại, và cho phép các công dân Anh hay Ireland được làm việc, nhận các phúc lợi và được chữa trị tại các bệnh viện ở bất kỳ quốc gia nào. Người dân sống ở phía biên giới nào cũng có thể được cấp hộ chiếu Anh hoặc CH Ireland hoặc cả hai, và điều này gần như không có mấy tác động trên thực tế về cách họ được đối đãi ở quốc gia còn lại. Trước đây, các công dân Bắc Ireland khá thờ ơ với tấm hộ chiếu CH Ireland. Tuy nhiên, nguy cơ không còn trong mái nhà chung châu Âu buộc họ phải nghĩ lại và cân nhắc các lối thoát mới cho mình.

Lý do kinh tế và chính trị

Việc rời bỏ EU sẽ gây tổn hại trực tiếp đến một địa phương nghèo vốn dựa vào EU nhiều hơn là các vùng khác của Anh. Ngân hàng Ulster lớn nhất Bắc Ireland cho rằng, bất ổn xung quanh việc Anh rời khỏi EU có thể khiến Bắc Ireland trở thành “khu vực cấm” đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài. Brexit có thể khiến tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và chi tiêu chính phủ bị cắt giảm.   

Không dừng ở lối thoát cho vấn đề kinh tế, hợp nhất Bắc Ireland và CH Ireland còn liên quan tới yếu tố chính trị và an ninh. Nhiều chuyên gia cho rằng nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình sẽ là sự xuất hiện của các trạm kiểm soát biên giới. Các trạm kiểm soát quân sự lớn rải rác ở biên giới đã được dỡ bỏ sau thỏa thuận hòa bình năm 1998. Các chính trị gia ủng hộ Brexit nói rằng biên giới Ireland vẫn sẽ được mở cửa tự do một khi Anh rời EU, song những người theo phe “ở lại” EU nói rằng điều đó là bất khả thi nếu Anh muốn hạn chế người nhập cư từ các nước EU - những người được tự do nhập cảnh vào Ireland.   

Theo thỏa thuận hòa bình, đảng dân tộc chủ nghĩa lớn nhất Bắc Ireland là Sinn Fein đồng thời nắm quyền tại tỉnh này cùng với đảng DUP theo chủ nghĩa hợp nhất - ủng hộ Anh rời khỏi EU. Chủ tịch đảng Sinn Fein đã công kích cuộc bỏ phiếu Brexit, nói rằng điều đó đồng nghĩa với việc Anh “đã để mất quyền được đại diện cho các lợi ích của người dân tại đây”. Phó Thủ tướng Martin McGuinness thì khẳng định, một cuộc trưng cầu dân ý về việc hợp nhất Ireland sẽ được tổ chức “ở một thời điểm nào đó trong tương lai”. Đảng Sinn Fein tuần này đã tổ chức một loạt các cuộc tập hợp đầu tiên để vận động vì một Ireland thống nhất. 

Những biến động tại Bắc Ireland lại được cổ súy bởi những gì diễn ra ở nước láng giềng Scotland. Trước đó, nữ Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố sẽ hối thúc Quốc hội cản trở Brexit và lên kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác về sự độc lập của Scotland từ Liên hiệp Anh.  Một báo cáo của Thượng viện Anh chỉ ra rằng, theo quy chế phân quyền, Quốc hội của các nước Scotland, Bắc Ireland và xứ Wales có đủ tư cách để đưa ra quyết định đối với bất cứ sự rời bỏ nào khỏi EU và chắc chắn, các nhà lập pháp tại những xứ này sẽ không ngần ngại phát huy tối đa quyền của mình. 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Liệu Anh có mất Bắc Ireland?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO