Sau cuộc bầu cử, đảng ANC chỉ giành được 40,18% phiếu bầu, tương đương với 159 ghế. Liên minh Dân chủ (DA) đối lập lớn nhất được 21,81% (87 ghế), Đảng uMkhonto weSizwe (MK) được 14,58% (58 ghế) và Những người đấu tranh vì tự do kinh tế (EFF) 9,52% (39 ghế). Như vậy, ANC vẫn duy trì vị trí là đảng lớn nhất tại Nam Phi nhưng đã mất đa số tại Quốc hội, đảng này sẽ phải tìm đối tác liên minh để thành lập chính phủ mới. Kể từ cuộc bầu cử, các đảng chính trị có 14 ngày để thống nhất và thành lập liên minh cầm quyền. Điều đó có nghĩa là ANC sẽ phải thông báo về một liên minh trước ngày 16.6.
Một kịch bản có thể xảy ra từ các cuộc đàm phán là ANC hợp tác với đảng EFF cấp tiến do Julius Malema lãnh đạo và MK của cựu Tổng thống Jacob Zuma – hai nhân vật cũ đã ly khai của ANC. Lựa chọn thứ hai là hợp tác với đảng đối lập lớn nhất DA. Phương án cuối cùng và cũng ít khả năng nhất là ANC lựa chọn điều hành một chính phủ thiểu số. Cả ba lựa chọn đều đầy rẫy khó khăn và tiểm ẩn rủi ro.
Liên minh thiên tả với EFF và MK: Tín hiệu xấu với doanh nghiệp
Sự vỡ mộng của các cựu thành viên ANC đã tham gia Những người đấu tranh vì tự do kinh tế và uMkhonto weSizwe khiến việc thành lập liên minh với cánh tả chính trị trở nên khá khó khăn.
Một liên minh giữa ANC và EFF và MK không đơn giản như người ta tưởng bởi chính sự vỡ mộng của một bộ phận các thành viên ANC đã thúc đẩy họ ly khai thành lập ra đảng EFF và MK.
Được thành lập cách đây một thập kỷ, EFF đại diện cho những thanh niên bị bất mãn với xã hội, những người cảm thấy cuộc đấu tranh giải phóng khỏi chế độ Apartheid vào năm 1994 không mang lại lợi ích cho họ. Chủ tịch đảng này, ông Malema đã rất xuất sắc trong việc huy động sự ủng hộ của đông đảo thanh niên. Những cử tri này sẽ không ủng hộ một liên minh với ANC, đảng mà họ đã ly khai.
Việc hợp tác với MK, một đảng tách ra từ ANC vừa được thành lập vào tháng 9 năm ngoái bởi cựu tổng thống Zacob Zuma, còn phức tạp hơn. Cho đến nay, Chủ tịch đảng Zuma đã chỉ ra rằng ông sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc thảo luận giữa các đảng nếu nó diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch ANC Ramaphosa. Ông Zuma cũng phản đối việc ANC tiếp tục đề cử ông Ramaphosa cho chức Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo. ANC trả lời rằng, ông Ramaphosa là lãnh đạo đảng và sẽ không giải quyết bất kỳ cuộc thảo luận nào loại trừ ông khỏi các cuộc đàm phán.
Ngay cả trong trường hợp đàm phán thành công, hậu quả kinh tế của một liên minh như vậy sẽ khá tiêu cực. EFF và MK không phải là những đảng thân thiện với doanh nghiệp. Hai đảng này cũng ủng hộ việc tịch thu đất thuộc sở hữu của người da trắng mà không bồi thường và quốc hữu hóa các khu mỏ của đất nước. Một liên minh với họ có thể sẽ dẫn đến sự xa lánh của các nhà đầu tư, điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm hơn nữa và hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp càng tăng cao.
Chính phủ thiểu số
Lựa chọn thứ ba, điều hành một chính phủ thiểu số. Lựa chọn này ít khả năng xảy ra nhất và cũng tiềm ẩn bất ổn vì một Chính phủ thiểu số gần như không thể thúc đẩy Quốc hội thông qua bất kỳ chính sách nào của mình. Đặc biệt, một Quốc hội do các liên minh đối lập kiểm soát có thể vô hiệu hóa quy trình ngân sách và khi đó, hoạt động chi tiêu của chính phủ sẽ trái phép - một tình huống có thể dẫn đến những hỗn loạn về chính trị và kinh tế.
Liên minh thiên hữu với phe Dân chủ: Cần sự nhượng bộ của mỗi bên
Một liên minh với Liên minh Dân chủ có thể có hai hình thức. Một là liên minh thực sự với việc ANC và DA chia sẻ các vị trí trong nội các và có thể bắt tay thêm với đảng Tự do Inkatha (IFP); hai là sẽ có một thỏa thuận về việc ANC kiểm soát Chính phủ và DA giữ các vị trí chủ chốt trong Quốc hội.
Nếu DA tham gia vào một liên minh thực sự, chính sách kinh tế của chính phủ sẽ thiên về thị trường hơn một chút. Lãnh đạo DA, ông John Steenhuisen, cho biết không loại trừ ý tưởng liên minh với ANC, nhưng để đạt được điều đó thì sẽ có một số điều không thể thương lượng là "tôn trọng pháp quyền và hiến pháp, một nền kinh tế thị trường coi khu vực tư nhân là đối tác trong chương trình tăng trưởng. Không khoan nhượng đối với tham nhũng, đồng thời tập trung tuyệt đối vào các chính sách kinh tế nhằm tạo ra việc làm”.
Tuy nhiên, một liên minh như vậy vốn dĩ sẽ không ổn định vì hai đảng có những khác biệt đáng kể về mặt cương lĩnh chính trị, cách giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội và đặc biệt là chính sách đối ngoại. DA phản đối hai chính sách cốt lõi của ANC - chương trình trao quyền cho người da đen, nhằm mục đích mang lại cho người da đen một phần trong nền kinh tế sau khi họ bị loại trừ dưới chế độ phân biệt chủng tộc và Dự luật Bảo hiểm Y tế Quốc gia (NHI), hứa hẹn chăm sóc sức khỏe toàn dân cho tất cả mọi người. Cho đến nay, ANC vẫn tuyên bố quyền cho người da đen là vấn đề không thể đàm phán.
Về mặt chính sách đối ngoại, DA cho thấy họ có sự ủng hộ rõ ràng đối với Ukraine, ôn hòa với Israel và hoài nghi về nhóm BRICS. Trong khi đó, Chính quyền Nam Phi dưới sự dẫn dắt của ANC vừa có những động thái kiên quyết trong vấn đề Trung Đông chẳng hạn như việc kiện Israel lên Tòa án Hình sự quốc tế.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho biết họ ưu tiên liên minh ANC-DA hơn, cho rằng điều này sẽ ổn định thị trường và giảm bớt lo ngại của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trong một tuyên bố ngày 14.6, ANC cho biết họ đã đạt được “bước đột phá” trong việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc với DA và một số đảng nhỏ khác nhưng còn quá sớm để cung cấp thông tin chi tiết. Trong khi đó, đại diện của DA bà Hellen Zille nói rằng: “Lúc 2 giờ sáng nay chúng tôi tưởng mình đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng một số vấn đề phát sinh và chúng tôi đang cố gắng giải quyết”. Ít nhất đây có thể dấu hiệu đầu tiên cho thấy ANC đã quyết định "rẽ phải".
Không có lựa chọn nào trong số những kịch bản trên có thể dễ dàng đạt được. Và ngay cả khi các bên đi đến một thỏa thuận, quá trình vận hành liên minh cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.