Liên kết vùng và vai trò của HĐND

TS. Nguyễn Hải Long 05/11/2016 06:58

Xét dưới góc độ liên kết vùng giữa chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố thì cần cơ chế liên kết của HĐND các địa phương, hoạt động theo hình thức dân chủ, phù hợp với nguyên tắc liên kết của các tỉnh, thành phố là tự nguyện, cùng có lợi.

Các mối liên kết vùng được xác định theo trục dọc từ trên xuống và liên kết theo trục ngang giữa các tỉnh, thành. Trong bài viết này, chỉ bàn về liên kết theo trục ngang giữa các tỉnh, thành và vai trò của HĐND trong mối liên kết này.

Bắt buộc hay tự nguyện

Liên kết vùng nhằm phát huy tối đa nguồn lực của các địa phương trong phát triển KT - XH, phục vụ người dân. Trước hết, sự liên kết này là tự nguyện và vì lợi ích của các địa phương.

Các địa phương khi tham gia liên kết vùng đều phải có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, về kinh tế cần đạt được: Xây dựng hệ thống đường liên tỉnh đấu nối vào đường quốc gia để phát triển kinh tế một số huyện sát nhau của 2 - 3 tỉnh; đầu tư cảng biển để sử dụng chung, tạo điều kiện về hải quan, nộp thuế xuất nhập khẩu; vùng cây công nghiệp tập trung...; về y tế, giáo dục: Xây dựng các trường đại học khu vực tập trung, bệnh viện trung tâm...; giải quyết các vấn đề về nguồn nước, môi trường... Các địa phương phải tự thấy nhu cầu gắn kết với nhau để phát triển, tự nguyện hợp tác mới mong đem lại thành công trong liên kết vùng. Liên kết 7 tỉnh duyên hải miền Trung là một ví dụ.

Đại biểu HĐND biểu quyết thông qua nghị quyết Ảnh: Khánh Duy
Đại biểu HĐND biểu quyết thông qua nghị quyết  Ảnh: Khánh Duy

Biến phép cộng thành phép nhân

Quy hoạch vùng của Chính phủ (liên kết vùng theo chiều dọc) có thể gồm nhiều tỉnh, thành phố, nhưng liên kết vùng mang tính tự nguyện theo chiều ngang, để đem lại hiệu quả thì quá nhiều tỉnh lại là một hạn chế. Vì sự khác biệt quá lớn giữa các địa phương về quyền và nhu cầu liên kết. Thông thường, các địa phương có chung địa giới liên kết với nhau hoặc lấy một địa phương làm trung tâm trong liên kết với các tỉnh, thành xung quanh.

Tùy từng vùng, tùy từng thời điểm mà có những mục tiêu, nội dung liên kết khác nhau, những mục tiêu này do các địa phương trong vùng cùng thảo luận, thống nhất, trên cơ sở mục tiêu để đề ra các giải pháp phù hợp. Có thể tính tới các nội dung: Lực lượng sản xuất, lực lượng lao động, đào tạo nguồn nhân lực; hạ tầng giao thông, liên lạc, cơ sở nghiên cứu; đầu tư và xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, đầu tư; phân bổ sản xuất trong vùng; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản xuất; bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu…

Việc liên kết không chỉ là phép cộng đơn thuần giữa các địa phương, phép cộng về nguồn lực, về cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ mà phải biến phép cộng về địa lý thành phép nhân về nguồn lực. Để có phép nhân này, cần sự đồng bộ về chính sách giữa các địa phương, tạo sự liên kết không chỉ giữa chính quyền mà từ tổng thể xã hội, từ các doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân.

Cơ chế điều hành chưa rõ ràng

Liên kết vùng là liên kết giữa chính quyền các địa phương, nhưng thể chế điều hành như thế nào là chưa rõ ràng. Ngày 6.4.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 593/QĐ-TTg về Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT - XH vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, gần như giao cho Bộ KH - ĐT chủ trì, trách nhiệm của các địa phương được thể hiện nhưng không rõ cơ quan nào triển khai.

Biên bản cam kết của 7 tỉnh duyên hải miền Trung do các Bí thư Tỉnh ủy ký kết, trong đó mỗi tỉnh cử 1 đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND chỉ đạo, cơ quan thường trực là Sở KH - ĐT; thành lập Tổ điều phối và Nhóm tư vấn; thành lập “Quỹ Nghiên cứu phát triển vùng” từ nguồn đóng góp của các địa phương để phục vụ kinh phí hoạt động của Tổ Điều phối vùng, công tác nghiên cứu của Nhóm Tư vấn và hoạt động chung của vùng.

Nhìn nhận cả 2 hình thức liên kết vùng này đều có những vấn đề cần hoàn thiện. Chính phủ mong muốn có cơ chế mang tính pháp lý để các địa phương làm mẫu triển khai thực hiện, nhưng như phân tích ở trên, dưới góc độ liên kết ngang thì tính tự nguyện phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, các địa phương cân nhắc lợi ích của địa phương mình trước mắt và lâu dài, trên tất cả các mặt để tham gia. Nhưng Quy chế chưa tạo ra được cơ chế thỏa thuận giữa các địa phương mà chủ yếu là sự điều hành của Trung ương (các Bộ).

Cam kết mang tính tự nguyện của 7 tỉnh duyên hải miền Trung được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, mong muốn liên kết của các địa phương nhưng cơ chế để hoạt động còn yếu. Mới chỉ dừng lại ở thành lập Tổ Điều phối vùng và Nhóm Tư vấn liên kết phát triển vùng. Liên kết vùng là nhiệm vụ của chính quyền địa phương nhưng Quy chế do Bí thư Tỉnh ủy ký kết, chính vì vậy, cơ chế pháp lý khó triển khai thực hiện. Mặc dù có cơ chế họp của Tổ điều phối, Nhóm Tư vấn, lãnh đạo UBND, nhưng cơ chế để quyết định của các cuộc họp này thế nào, nguyên tắc đồng thuận hay nguyên tắc đa số; việc giải quyết liên quan tới 2 hoặc 3 địa phương sẽ có biểu quyết của tất cả 7 tỉnh, thành phố hay không…

Thể chế hóa thành nghị quyết HĐND

Xét dưới góc độ liên kết vùng giữa chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố thì cần cơ chế liên kết của HĐND các địa phương - cơ quan quyền lực nhà nước, quyết định các chính sách quan trọng ở địa phương, hoạt động theo hình thức dân chủ, phù hợp với nguyên tắc liên kết của các tỉnh, thành là tự nguyện, cùng có lợi.

Không đặt ra việc hình thành “chính quyền vùng” như một cấp hành chính nhà nước mà là một thiết chế mang tính tự nguyện, tự thỏa thuận, như Hội đồng vùng. Về cơ cấu tổ chức, Hội đồng vùng gồm đại diện HĐND các tỉnh, thành trong vùng. Số lượng đại diện tham gia Hội đồng vùng do các địa phương quyết định, gồm: Tổng số đại biểu trong Hội đồng Vùng. Mỗi địa phương cử bao nhiêu đại biểu tham gia Hội đồng vùng trên cơ sở 1 trong 2 nguyên tắc: Bình đẳng về vị trí (mỗi địa phương cử số đại biểu bằng nhau); theo tỷ lệ về dân số hay sức mạnh nền kinh tế (địa phương nào có nhiều dân hơn hoặc nền kinh tế mạnh hơn thì có nhiều đại biểu hơn). Chức danh Chủ tịch Hội đồng Vùng luân phiên hàng năm hoặc bầu ra một người giữ vai trò Chủ tịch điều hành hoạt động của Hội đồng vùng.

Về nguyên tắc hoạt động, có thể dựa trên nguyên tắc đồng thuận (mọi vấn đề phải được tất cả các đại biểu quyết định) hoặc nguyên tắc đa số. Có thể phân định nội dung, lĩnh vực nào thì áp dụng nguyên tắc đồng thuận hay đa số. Nghị quyết do Hội đồng vùng quyết định phải được HĐND các tỉnh, thành thể chế hóa thành nghị quyết của HĐND để thực hiện ở địa phương mình. Cần có một quy chế mẫu mang tính gợi ý, định hướng của Chính phủ về liên kết vùng để các địa phương có cơ sở thực hiện.

Để liên kết vùng có hiệu quả, cần tổng kết, đánh giá thực tiễn và sự chủ động, mạnh dạn của các địa phương khi tự xây dựng mô hình liên kết vùng.

 Một trong những cản trở lớn đối với liên kết vùng là lợi ích địa phương. Lãnh đạo các địa phương chịu áp lực rất lớn từ phía người dân và thậm chí cả bộ, ngành ở Trung ương về kết quả của từng lĩnh vực trong đời sống, KT - XH. Nhưng liên kết vùng phải đặt lợi ích của cả vùng lên trên, xét đến tổng thể lợi ích của địa phương chứ không trên từng lĩnh vực. Ví dụ, thay vì tỉnh A và tỉnh B đều muốn xây dựng cảng biển và làm xi măng thì cần có thỏa thuận, việc xây dựng cảng biển ở tỉnh A là phù hợp hơn, tỉnh B sẽ đầu tư nhà máy xi măng. Như vậy, nhìn dưới góc độ phát triển công nghiệp thì dường như tỉnh A đang thua kém, hay góc độ dịch vụ thì tỉnh B đã bỏ lỡ cơ hội nhưng tổng thể nền kinh tế của cả 2 tỉnh đều mạnh lên do phát triển đúng thế mạnh của mình, không cạnh tranh lẫn nhau mà tập trung nguồn lực mở rộng sản xuất - kinh doanh để cạnh tranh với các vùng khác.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Liên kết vùng và vai trò của HĐND
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO