Ngày 28.8, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) báo cáo rằng có khoảng 42 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện tại các trại tị nạn và trung tâm trung chuyển người tị nạn ở Nam Kivu, một khu vực ở miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi có gần 2 triệu người tị nạn và người phải di sơ tán để tránh chiến tranh.
Tiến sĩ Allen Maina, Giám đốc y tế công cộng của UNHCR, cho biết: "Đối với những người tị nạn phải sơ tán để tránh chiến tranh, rất khó để có thể thực hiện các biện pháp chẩn đoán, phòng ngừa, cách ly hay điều trị khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ". "Các trường hợp nghi ngờ đang được báo cáo ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Công, nơi hầu hết trong số 7,3 triệu người buộc phải sơ tán chiến tranh”.
Với hơn 7 triệu người phải di dời trên khắp đất nước – một trong những mức độ di cư cao nhất thế giới – nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Những người phải sơ tán và di dời bao gồm những cá nhân chạy trốn khỏi xung đột nội bộ, thiên tai và những người đến từ các quốc gia láng giềng như Rwanda, Burundi và Nam Sudan.
“Họ không có không gian để cách ly khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh”, ông nói thêm. “Tại khu vực này, virus đậu mùa khỉ đang đe dọa làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã vô cùng khó khăn đối với một đất nước bị tàn phá bởi nhiều thập kỷ xung đột, tình trạng di cư bắt buộc và thiếu hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”, quan chức Liên Hợp Quốc cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận hơn 18.910 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 615 ca tử vong trong năm nay, phần lớn xảy ra ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong số này vẫn đang ở diện nghi ngờ và chờ xác nhận của phòng xét nghiệm, theo người phát ngôn của WHO, Tiến sĩ Margaret Harris. Tiến sĩ Harris lưu ý thêm là khu vực này đang chứng kiến sự bùng phát của cả chủng Clade 1a và Clade 1b - chủng biến thể dễ lây lan hơn và độc tính cao hơn.
Tuần trước, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của LHQ đã kêu gọi hỗ trợ 18,5 triệu USD để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở miền Đông và miền Nam châu Phi. Tổng Giám đốc IOM Amy Pope nhấn mạnh dịch đậu mùa khỉ lây lan khắp khu vực miền Đông, vùng Sừng và miền Nam châu Phi là mối quan ngại nghiêm trọng, đặc biệt đối với những cộng đồng người di cư, những cộng đồng hay phải di chuyển và sơ tán thường bị bỏ qua trong những cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Bà Amy Pope cho rằng nếu không hành động khẩn cấp để bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, có thể dẫn đến tình trạng lây lan khó kiểm soát của dịch bệnh đối với khu vực.
Cơ quan giám sát phúc lợi con người của Nga, Rospotrebnadzor, cũng vừa tuyên bố sẽ hỗ trợ các quốc gia châu Phi xét nghiệm chẩn đoán virus đậu mùa khỉ. Tuần trước, các chuyên gia Nga cũng đã tổ chức các khóa đào tạo tại Cộng hòa Congo, tập trung vào công tác phòng ngừa và chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh đậu mùa khỉ.
Virus này lần đầu tiên được phát hiện ở loài khỉ đuôi dài vào cuối những năm 1950. Bệnh đậu mùa khỉ ở người được đặt tên vào những năm 1970, rất lâu trước khi WHO phát hành Hướng dẫn vào năm 2015. Ca bệnh đầu tiên ở người được báo cáo tại Cộng hòa Dân chủ Congo (lúc đó là Zaire) vào năm 1970, và hiện quốc gia này cũng là nơi chứng kiến đợt bùng phát dữ dội nhất.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng đối với nhiều trường hợp, đặc biệt là trẻ em, thai phụ và những người có hệ miễn dịch suy yếu, như những người có HIV.