Liên Hợp Quốc: Cần sinh khí mới cho tuổi 75

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:37 - Chia sẻ
Trong khuôn khổ cuộc họp Đại hội đồng diễn ra trong tháng 9 này, Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ có lễ mừng sinh nhật 75 tuổi trong thầm lặng. Vì đại dịch Covid-19, chế định lớn nhất hành tinh lần đầu tiên trong lịch sử phải tiến hành họp trực tuyến. Tình hình đại dịch còn một lần nữa cho thấy lý do LHQ đã thất bại trong các mục tiêu của mình là “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Thành công và rạn nứt

Trong 75 năm tồn tại, số thành viên LHQ đã tăng lên gần gấp 4 lần từ 50 lên thành 193. Định chế quốc tế này cung cấp một nguồn hỗ trợ lương thực cho 104 triệu dân cư tại hơn 80 nước và các chiến dịch Mũ Nồi Xanh đã bảo vệ cho 125 triệu mạng sống. Cũng trong ngần ấy năm, tổ chức này đã góp phần đẩy lùi được nạn đói nghèo từ 50% xuống còn 10%, kéo dài tuổi thọ trung bình từ 50 tuổi lên 75 tuổi, cũng như cải thiện các quyền cơ bản của con người, kinh tế và xã hội…

Ngần ấy năm, ngần ấy thành tích, nhưng cũng nhiều chỉ trích. 75 tuổi, LHQ giờ bị ví như một “bà đầm già” hít thở khó nhọc. Bị xơ cứng, tổ chức này hứng chịu những chia rẽ và cạnh tranh đang gặm mòn dần đại gia đình quốc tế. Mỹ, nước thắng trận và hiện vẫn luôn là cường quốc hàng đầu đang có xu hướng co cụm; châu Á tiến lên trước một châu Âu mất đoàn kết trong khi một Trung Đông như thùng thuốc súng chực chờ bùng nổ.

Bà Anne-Cecile Robert, giảng viên Viện Nghiên cứu châu Âu, trường đại học Paris 8 nhận xét về hiện trạng của tổ chức này như sau: “Tình trạng của LHQ phản ánh tình trạng quan hệ trong cộng đồng quốc tế hiện đang hỗn loạn với sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên, sự thèm khát của những cường quốc hiện rõ giữa nước này và nước khác. Thách thức trong giai đoạn hiện nay là tái lập niềm tin giữa các thành viên, nhất là giữa 5 nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an (HĐBA). Điều này đòi hỏi nhiều nỗ lực giữa các bên, người ta có xu hướng đổ lỗi cho Nga, Trung Quốc và giờ đây là Mỹ. Nhưng chúng ta đừng quên những nước như Pháp và Anh cũng có thể có trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng niềm tin này. Cụ thể, tôi muốn nói đến cuộc chiến Kosovo năm 1999, đã gây rối loạn trên trường quốc tế. Và gần đây nhất là Mỹ, Pháp và Anh đã cho oanh kích Syria năm 2018”.

Nếu như trong vòng 75 năm, thế giới không có những cuộc đại chiến như trước, thì nhiều cuộc chiến tranh nhỏ nổ ra nhiều nơi. HĐBA, có trách nhiệm bảo đảm hòa bình và dự báo những tranh chấp hầu như vắng bóng. Đại dịch Covid-19 bùng phát đang lan rộng khắp hành tinh còn làm lộ rõ sự thiếu đoàn kết và những cuộc tranh đua gay gắt ngay giữa các nước thành viên. Trung Quốc đã phong tỏa bất kỳ vai trò quan trọng nào đối với cơ quan điều hành của LHQ, lo ngại bị chỉ trích vì những xử lý thiếu hợp lý ban đầu khi dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày càng suy yếu sau khi Mỹ quyết định rút khỏi tổ chức này. Kết quả là các cường quốc chỉ có được một LHQ mà họ muốn, chứ không phải một LHQ mà thế giới cần.

Cải tổ - nhiệm vụ bất khả thi

Nhìn vào HĐBA người ta thấy cơ chế này vẫn còn phản ánh thế giới của năm 1945, thời điểm phe thắng trận có thể biện minh cho việc chiếm giữ một chiếc ghế thường trực trong HĐBA, được cấp cho một quyền biểu quyết. Tuy nhiên, cải tổ mạnh mẽ LHQ không phải là một lựa chọn thực tế. Những thay đổi như thay đổi thành phần của HĐBA để phản ánh sự phân bổ quyền lực trong thế giới ngày nay, sẽ có lợi cho một số quốc gia và gây bất lợi cho những quốc gia khác. Không có gì ngạc nhiên khi những nước gặp bất lợi sẽ có thể và thực sự làm mọi thứ để ngăn chặn bất kỳ sự thay đổi nào như vậy. Bà Anne-Cecile Robert đã chỉ ra những khó khăn theo hướng đi này: “Trên thực tế người ta sẽ không thể tước quyền phủ quyết của các thành viên thường trực hiện nay, cũng như là không thể mở rộng quyền hạn này cho các nước khác”.

Trong khi đó, Đại hội đồng, cơ quan “dân chủ” và đại diện nhất trong các cơ cấu của LHQ, lại thiếu chặt chẽ và hoạt động kém hiệu quả trong chừng mực mọi quốc gia đều có một phiếu bầu, bất kể quy mô, dân số, sự giàu có hay sức mạnh quân sự.

Dù vậy, với chuyên gia Arthur Boutellis, Viện Hòa bình Quốc tế, điều đó đã không làm chùn bước các nước khác tích cực vận động để có được một chiếc ghế thành viên không thường trực, và sự việc ít nhiều tạo nên được một sự năng động không thể phủ nhận ngay trong lòng HĐBA. Ông cho rằng, điều quan trọng là không nên chỉ quá tập trung vào các thành viên thường trực trong bối cảnh hiện nay, mà nên thấy là dù không có cải cách đi chăng nữa, những thành viên không thường trực này giờ cũng có một vai trò ngày càng quan trọng. Chúng ta thấy là ngay cả những cường quốc trung bình, nhóm G4 (Đức, Brasil, Ấn Độ và Nhật Bản) đang có tham vọng ngày nào đó chiếm một ghế thường trực. Nhưng trên thực tế là cứ mỗi 5, 6 hay 7 năm bốn nước này đều thường xuyên trở lại, thế nên điều đó cũng bảo đảm cho họ một mức độ bền vững nào đó mà không cần phải có một chiếc ghế thường trực.

Bên cạnh đó, một tin tốt khác là các quốc gia có thể tạo ra các lựa chọn thay thế - chẳng hạn như G7 và G20, khi LHQ tỏ ra thiếu hiệu quả. Các liên minh có liên quan, sẵn sàng và có thể hợp tác với nhau để giải quyết các thách thức cụ thể của khu vực và toàn cầu. Chúng ta đang thấy các phiên bản của điều này trong chính sách thương mại và kiểm soát vũ khí, cũng như trong hành động vì khí hậu và trong việc thiết lập các chuẩn mực cho hành vi trong không gian mạng. Bất chấp sự suy yếu của một LHQ 75 năm tuổi, chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, dù tốt hơn hay tệ hơn, điều đó đang diễn ra phần lớn bên ngoài LHQ.

Đạt Quốc