Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008: Đổi mới nhưng chưa có bước đột phá

Lê Thủy 09/12/2008 00:00

Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc lần thứ nhất đã kết thúc. 14 vở diễn ít nhiều đã thể hiện sự đổi mới, có những vở diễn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, song Liên hoan chưa thu được thành công như mong đợi.

Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008: Đổi mới nhưng chưa có bước đột phá ảnh 1

      Hướng đến khán giả
      Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc diễn ra trong bối cảnh sân khấu đang gặp nhiều khó khăn: Sân khấu bao cấp ở miền Bắc bị mất khán giả nghiêm trọng, còn sân khấu xã hội hóa ở miền Nam thì sáng đèn quanh năm nhưng yêu cầu nâng cao chất lượng tư tưởng, nâng cao chất lượng nghệ thuật của vở diễn lại đang là nhu cầu cấp bách. Do đó, Liên hoan được tổ chức nhằm tìm những hướng đi mới, hình thức thể hiện mới để có thể thu hút công chúng đến với sân khấu.
      Trong số 14 tác phẩm tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008, nhiều tác phẩm chuẩn bị được đưa ra công diễn phục vụ khán giả. Có thể nói đó là những vở kịch gần gũi với đời sống sân khấu nhất. Mặt khác, trước khó khăn về kinh tế, các đoàn kịch không đủ kinh phí để dựng một vở kịch chỉ để mang đi thi về nghệ thuật chuyên môn. Nghệ sỹ Lan Hương, đạo diễn của Biến vĩ của tình yêu (Nhà hát Tuổi trẻ) tâm sự: “Khán giả đang cần những gì liên quan đến đời sống, và tôi chọn đề tài về thanh niên để thu hút giới trẻ đến với sân khấu…”. Ngẫu hứng từ chuyện “Cô bé bán diêm”, đạo diễn Lê Hùng (Nhà hát Tuổi trẻ) cũng cố gắng đưa hơi thở cuộc sống hiện đại vào vở diễn, khiến vở diễn gần gũi hơn với người xem. Hay vở rối Trấn Cổ Loa thành của NSƯT Anh Tú (Nhà hát Múa rối Thăng Long), với những diễn viên rối được làm công phu, nội dung vở diễn được đổi mới để phục vụ các khán giả lớn tuổi…
      Nhìn chung, các đạo diễn cố gắng đưa vào những thử nghiệm mới lạ để thu hút khán giả… Do đó, các buổi diễn (kể cả vào ban ngày) đều kín chỗ, và hầu như không mấy ai có ý định bỏ ra về khi vở diễn chưa kết thúc. Điều đó hứa hẹn những thành công thực sự khi các vở diễn được công chiếu rộng rãi. Nhà phê bình sân khấu Trần Trí Trắc, thành viên Ban giám khảo đánh giá: “Các tác phẩm thử nghiệm đều hướng đến khán giả và có những vở tin tưởng sẽ có khán giả khi công diễn”.

      Đổi mới nhưng chưa có bước đột phá
      Liên hoan sân khấu thử nghiệm là nơi thể hiện những nét đổi mới của người nghệ sỹ. Theo Phó chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Lê Duy Hạnh: “Các đơn vị đều có những tìm tòi làm khác những gì mình đã làm trước đây, nhưng các thử nghiệm ấy chưa mới lạ”. Sự thử nghiệm trong các tác phẩm chủ yếu thể hiện ở sự đổi mới về hình thức thể hiện tác phẩm. Có những vở thể nghiệm trong hình thức kịch hình thể, có vở diễn bằng rối, cải lương truyền thống… Có vở lại đổi mới trong lối diễn của diễn viên, cách xử lý không gian, ánh sáng, âm nhạc… 
      Được đánh giá cao là vở Những quân bài định mệnh của NSƯT Trần Nhượng (Đoàn kịch Công an nhân dân). Theo Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Thanh Hóa, Mai Tư: “Đây là một vở diễn hay, gần như phủ khắp sân khấu thử nghiệm về các mặt trang trí, phục trang, đạo cụ, ngôn ngữ của nghệ thuật múa, nghệ thuật dân gian, những cái đó làm người ta quên mất đó là một vở kịch nói…” Ngoài ra, còn có các vở như Đến bờ bên kia, của NSƯT Anh Tú (CLB Sân khấu thử nghiệm, Hội NSSK Việt Nam), chuyển thể từ truyện ngắn Sang sông của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Trong hào quang bóng tối của đạo diễn Lý Khắc Lynh (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, TP Hồ Chí Minh)... cũng nhận được sự ủng hộ của khán giả.  
      Dù có những đổi mới về hình thức, nhưng các tác phẩm sân khấu thử nghiệm chưa tạo được bước đột phá, khi nội dung vở diễn chưa được lưu tâm nhiều. Chất liệu đời sống trong các tác phẩm, dù đã có, nhưng chưa thực sự gần gũi với những gì đang diễn ra trong dòng chảy cuộc sống đương đại. Điều đó bắt nguồn từ khâu kịch bản. Hầu hết các vở diễn tham dự Liên hoan có kịch bản không mới. Nhiều tác giả không nắm bắt, không theo kịp cuộc sống hiện đại và hậu hiện đại. Một số vở diễn có kịch bản chuyển thể từ những truyện ngắn đã quen thuộc như Ngẫu hứng từ chuyệnCô bé bán diêm”, Đến bờ bên kia, Oan hồn… Vì thế, việc đầu tư cho kịch bản là vấn đề mà các đoàn kịch phải đặc biệt quan tâm trong quá trình đổi mới, tìm đường thoát khỏi khủng hoảng của sân khấu Việt.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc 2008: Đổi mới nhưng chưa có bước đột phá
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO