Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX
Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858 (NXB Sud-Est Asie, Paris, 1982) và Việt Nam, lịch sử và văn minh (NXB Minuit, Paris, 1955) của Gs Lê Thành Khôi được đánh giá có giá trị khoa học cao, ảnh hưởng sâu rộng trong giới trí thức, góp phần phổ biến lịch sử Việt Nam. Hai chuyên khảo viết bằng tiếng Pháp vừa được tập hợp, dịch và xuất bản với tên gọi Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX.
Gs Lê Thành Khôi sinh năm 1923 tại Hà Nội. Ông sang Pháp năm 1947 và bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ về kinh tế học ở Paris năm 1949, sau đó tốt nghiệp Học viện Luật pháp quốc tế tại Den Haag, Hà Lan, lấy bằng Cử nhân Văn chương ở Trường Đại học Sorbonne, học Hán ngữ tại Trường Ngoại ngữ phương Đông ở Paris. Năm 1968, ông hoàn thành Luận án Tiến sỹ về Công nghệ Giáo dục và bảo vệ học vị Tiến sỹ nhà nước về văn khoa và khoa học xã hội. Hoạt động trên nhiều lĩnh vực, Gs Lê Thành Khôi từng tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học nổi tiếng tại Pháp. Ông là tác giả 25 công trình nghiên cứu khoa học, 33 công trình viết chung. Năm 2003, ông được nước Pháp tặng Huân chương Văn học và nghệ thuật... |
Việt Nam, lịch sử và văn minh được Gs Lê Thành Khôi viết năm 1955, một năm sau khi miền Bắc giải phóng. Lúc bấy giờ, tác giả đã cập nhật những bài viết mới nhất của giới nghiên cứu phương Tây về lịch sử Việt Nam. Theo Gs Phan Huy Lê, đây là cuốn sách đầu tiên của một học giả Việt Nam viết về đất nước mình trên quan điểm khoa học và tinh thần dân tộc sâu sắc, giới thiệu hình ảnh mới về Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Trong cuốn sách, Gs Lê Thành Khôi nhấn mạnh: mặc dù có tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa nhưng Việt Nam là đất nước có nền văn hóa riêng. Điều này đã tạo bước ngoặt trong nhận thức về Việt Nam. Nhà sử học Pháp Charles Fourniau trong cuốn Từ Đông sang Tây, từng nhận định: Kể từ năm 1955, cùng với cuốn Góp phần nghiên cứu lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam của Jean Chesneaux, Việt Nam, lịch sử và văn minh của Gs Lê Thành Khôi đã mở ra trên nước Pháp thời kỳ mới cho những công trình nghiên cứu bấy giờ thoát khỏi vòng định kiến của thực dân chủ nghĩa… Đây là công trình tổng hợp tiên phong về lịch sử Việt Nam được viết bằng tiếng Pháp và cho thấy dân tộc Việt Nam được tạo dựng và phát triển như thế nào. Tác phẩm này của Lê Thành Khôi đã tạo ra cái khung tổng quát gợi lên hàng loạt vấn đề, giúp ích cho những nghiên cứu khác.
Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Gs Lê Thành Khôi có dịp về nước và dành nhiều thời gian đi thực tế, ghi chép, tìm hiểu tình hình nghiên cứu khoa học xã hội trong nước. Năm 1982, ông cho ra đời chuyên khảo thứ 2, Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858, thể hiện bước tiến về nội dung so với cuốn đầu tiên. Không chỉ cập nhật thành tựu nghiên cứu mới nhất trên thế giới về Việt Nam, tác giả còn tham khảo những thành tựu nghiên cứu mới ở trong nước, gồm: khảo cổ học thời tiền sử - sơ sử, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, lịch sử kinh tế, lịch sử xã hội, ngôn ngữ học, văn học. Gs Phan Huy Lê nhận xét: Đối với Lê Thành Khôi, lịch sử không dừng lại ở chính trị, ở các vương triều, mà còn là đời sống của nhân dân, vì nhân dân. Muốn phản ánh lịch sử không thể chỉ dựa vào tư liệu mà cần khai thác những vấn đề có liên quan khác như: chữ viết, ngôn ngữ, văn học, khảo cổ học, văn hóa học… Từ quan niệm đó, ông đã đi sâu khai thác tư liệu đa ngành để vẽ nên bức tranh toàn diện về lịch sử Việt Nam.
Với cuốn chuyên khảo thứ 2 về lịch sử Việt Nam, Gs Lê Thành Khôi đã chứng minh mối liên kết chặt chẽ giữa sự hình thành Nhà nước với sự phát triển dân tộc, và dành nhiều trang viết về sự hình thành dân tộc tính của Việt Nam và khẳng định: tình yêu nước, ý thức dân tộc chính là yếu tố quyết định sự phát triển của lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt. Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá: Dù đã ra mắt độc giả Pháp từ năm 1955, 1982, nhưng cho đến hiện tại, cả 2 công trình chuyên khảo trên vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với việc tiếp cận liên ngành và đa ngành trong nghiên cứu lịch sử dân tộc. Gs Lê Thành Khôi viết sử bảo đảm tính khách quan nhưng vẫn thấm đượm tinh thần dân tộc và cái nhìn đầy tin tưởng đối với quê hương, đất nước.
________________
* Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, NXB Thế giới và Nhã Nam, 2014