Lịch sử ra đời và phát triển

Lê Anh 24/06/2011 07:07

Nghị viện có lịch sử khá lâu đời. Những nghị viện đầu tiên trên thế giới (Nghị viện Anh, Tây Ban Nha) xuất hiện từ thế kỷ XII, XIII. Tuy vậy lịch sử của Nghị viện như một cơ quan đại diện toàn quốc gia - khác với các cơ quan đại diện đẳng cấp thời phong kiến - bắt đầu từ thời kỳ cách mạng tư sản ở châu Âu và Mỹ. Chính vào thời điểm đó, chế độ đại nghị đã ra đời và được phổ biến như một hình thức cai trị đặc biệt của Nhà nước đối với xã hội với đặc thù là sự phân chia lao động giữa lập pháp và hành pháp và vai trò chính trị nổi trội của Nghị viện.

Người ta cho rằng quê hương của Nghị viện là nước Anh, nơi mà từ thế kỷ XIII quyền lực của Nhà vua đã bị thu hẹp hơn do có các cuộc đại hội của những lãnh chúa phong kiến, giới tăng lữ cao cấp và đại diện của các thành phố và địa hạt (các đơn vị hành chính nông thôn lúc đó). Những cơ quan đại diện đẳng cấp như thế cũng xuất hiện sau đó ở Ba Lan, Hungary, Pháp và những nước khác. Dần dần những cơ quan đó phát triển thành Nghị viện như ngày nay.

Thuật ngữ “cơ quan lập pháp” (legislature) để chỉ Nghị viện có nguồn gốc ở Anh, xuất hiện vào thế kỷ XVII trong quá trình xung đột giữa Nhà vua và Nghị viện về vấn đề tranh giành quyền lực lập pháp. Sau một thế kỷ, thuật ngữ đó cũng bắt rễ ở Mỹ để chỉ hội nghị đại diện do những người di dân kiểm soát. Ở đại đa số các nước hiện nay chức năng lập pháp được trao cho cơ quan đại diện. Nhưng lập pháp không phải là chức năng duy nhất của cơ quan đó, bởi vậy một thuật ngữ tổng hợp khác cũng được sử dụng- Nghị viện (Parliament). Ngoài ra, còn có những tên gọi khác để chỉ cơ quan lập pháp - Đại hội Liên bang (Nga, Thụy Sỹ), Congress (Mỹ, các nước châu Mỹ - La tinh), Cortes (Tây Ban Nha), Hội đồng tối cao (Ucraina)...

Viện Nguyên Lão thế kỷ XIX Nguồn: wikipedia
Viện Nguyên Lão thế kỷ XIX Nguồn: wikipedia

Trên thế giới có những Nghị viện lâu đời như Nghị viện Anh, Tây Ban Nha; lại có những Nghị viện ra đời muộn hơn như ở Pháp, Mỹ..., nhưng cũng có lịch sử mấy trăm năm. Nghị viện ở các nước đang phát triển mới ra đời vào những thập kỷ gần đây; ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu, Nghị viện có những thay đổi căn bản trong nguyên tắc hoạt động của mình vào cuối thế kỷ XX. Có những nước một thời Nghị viện đã tưởng bị xóa bỏ (Đức, Ý) sau đó đã được phục hồi trở lại. Có một thời “Nghị viện có thể làm được mọi chuyện trừ việc biến đàn ông thành đàn bà” (Nghị viện Anh - như thành ngữ Anh đã nói: The Parliament can do everything, exept changing the man to the woman). Nhưng hiện nay, ở một số nước thậm chí chức năng truyền thống của Nghị viện là chức năng lập pháp cũng bị giới hạn đáng kể bằng hiến định (như ở Pháp)...

Thế giới đương đại đang chứa trong mình những khác biệt sâu sắc giữa các cơ quan lập pháp tối cao ở các nước khác nhau. Nhưng các cơ quan này đều có nét chung là chúng đều có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống quyền lực nhà nước. Vị trí đó Nghị viện có được trước hết nhờ bản chất của mình. Hơn nữa, ngày nay, vấn đề không chỉ ở chỗ Nghị viện có vị trí nào trong xã hội, mà ở chỗ Nghị viện thay đổi như thế nào cho thích hợp với những điều kiện của xã hội đương đại, với chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng. Chức năng của Nghị viện - bảo đảm mối liên kết giữa các nhóm quyền lợi khác nhau, giữa công dân, các chuyên gia, chính khách và bằng cách đó bảo đảm sự công khai, sự thỏa hiệp, hợp tác khi đưa ra quyết định. Trên phương diện này, nghị viện nhiều nước đã thực hiện những biện pháp cải cách với mục đích tăng cường và hợp lý hóa chế độ nghị viện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lịch sử ra đời và phát triển
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO