Lịch sử quyền miễn trừ

23/11/2006 00:00

      Sự kiện đầu tiên dẫn tới việc ra đời nguyên tắc "không chịu trách nhiệm" (hay như ngày nay được gọi là quyền miễn trừ) của đại biểu Quốc hội xuất phát từ việc một nghị sỹ của Hạ viện Anh - ông Thomas Haxey - được tha tội chết vào năm 1329. Ông này bị kết tội khi quân vì đã đề xuất một dự luật nhằm lên án những hành vi phi đạo đức tại triều đình của Hoàng đế Richard II và những khoản chi tiêu khổng lồ do thói ăn chơi sa đọa của vị Vua này gây ra. Nhờ sự đấu tranh khéo léo nhưng kiên quyết của Nghị viện và sự ủng hộ của dân chúng nên Thomas Haxey đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Tuy nhiên, chính sự kiện này đã thúc đẩy Nghị viện Anh tìm phương cách để bảo vệ nghị sỹ của mình. Do đó ý tưởng về quyền "không chịu trách nhiệm" của nghị sỹ đã được luật hóa bằng việc Nghị viện Anh thông qua Luật về tự do ngôn luận vào năm 1689, trong đó quy định quyền tự do về lời nói và quyền thảo luận của nghị sỹ trong Nghị viện không thể bị kết án bởi bất cứ tòa án nào bên ngoài Nghị viện.
      Khuôn mẫu trong quy định về quyền miễn trừ của nghị sỹ phải kể đến Nghị viện Pháp - một nước được coi là đi đầu và thực hiện quyền này rất thành công ở Châu Âu. Văn bản luật đầu tiên được Nghị viện Pháp thông qua sau cuộc cách mạng tư sản 1789 quy định rằng cá nhân nghị sỹ là bất khả xâm phạm.
      Ở Italy, manh nha từ năm 1848 đến năm 1861 khái niệm về quyền miễn trừ đã được thể hiện trong 4 điều của Hiến pháp quy định về: Quyền bất khả xâm phạm khi thể hiện chính kiến và biểu quyết tại Nghị viện (điều 51); Nghị viện là cơ quan duy nhất có thẩm quyền pháp lý trong việc xác định nhiệm kỳ của Nghị viện và nghị sỹ (điều 60); Nghị viện có quyền thông qua các quy định về thủ tục, quy trình của mình (điều 61); hạn chế quyền của cơ quan tư pháp trong việc khởi tố và bắt giam các nghị sỹ (điều 37 và 45). Các quy định trên tiếp tục được duy trì và hoàn thiện hơn trong Hiến pháp năm 1948 và Hiến pháp năm 1993 của Cộng hòa Italy.
      Nhằm bảo vệ những đại biểu của dân, ngay trong Hiến pháp đầu tiên năm 1866 của Romania đã ghi nhận sự cần thiết phải bảo vệ nghị sỹ một cách đặc biệt khi họ đang thực hiện nhiệm vụ khỏi sự can thiệp của toà án. Hiến pháp năm 1923 và sau này là Hiến pháp 1991 và 2003 đã thể hiện một cách hoàn chỉnh hơn ý tưởng này bằng quy định về quyền miễn trừ đối với nghị sỹ thông qua 2 khía cạnh: quyền không chịu trách nhiệm và quyền bất khả xâm phạm. 
      Xuất phát từ nước Anh với mục đích chống lại triều đình phong kiến, quyền miễn trừ của nghị sỹ đã được phát triển trong cuộc cách mạng tư sản Pháp (1789) và nhanh chóng trở thành nền tảng quan trọng trong các quy định của Hiến pháp ở nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, quyền miễn trừ được hiểu là sự bảo vệ nghị sỹ chống lại những hành vi hợp pháp từ phía Chính phủ nhằm vào nghị sỹ và các quan điểm chính trị của họ để cản trở họ tự do thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hịên quyền miễn trừ càng có ý nghĩa bởi thông qua việc bảo vệ cá nhân nghị sỹ thì tính độc lập của Nghị viện cũng được bảo đảm.

Tuyết Mai

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lịch sử quyền miễn trừ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO