Lịch sử nghề vận động hành lang tại Nghị viện
Như nhiều truyền thống Nghị viện khác, nghề vận động hành lang cũng có nguồn gốc từ nước Anh – quê hương của nền Nghị viện hiện đại. Vào đầu thời kỳ hình thành Nghị viện, bản chất đại diện của dân biểu Anh đã đặt ra yêu cầu các vị dân biểu cần phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri. Để thực hiện điều này, bắt đầu từ giữa thế kỷ XVII, Viện dân biểu Anh đã cho phép công dân tập trung ở các “hành lang” lớn tại nhà trụ sở Nghị viện để trình bày kiến nghị với các vị dân biểu của mình.

Chính từ đó, thuật ngữ vận động hành lang – lobbying - đã ra đời. Cho đến đầu thế kỷ XIX, cùng với việc Quốc hội Mỹ cho phép công dân tiếp xúc với các nghị sỹ để vận động họ ủng hộ những chính sách đang và sẽ được Nghị viện xem xét, thuật ngữ “vận động hành lang” bắt đầu xuất hiện. Từ đó, hình thành nên những nhóm người hoặc tổ chức chuyên nghiệp giữ vai trò trung gian giữa cử tri, các nhóm lợi ích với nghị sỹ nhằm tác động tới những chính sách và dự luật đang xem xét tại Nghị viện. Những người này được gọi là các nhà vận động hành lang (lobbyist). Họ hoạt động với mục đích rất trong sáng và được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, do hoạt động vận động hành lang thường gắn với những cuộc tiếp xúc cá nhân, nên dần dần hoạt động này đã bị biến tướng. Người được mệnh danh là “vua lobby” ở Quốc hội Mỹ thế kỷ XIX, Samuel Ward từng nói rằng “bữa ăn tối” là phương thức hiệu quả nhất để tiến hành vận động hành lang. Chính vì thế, trong thế kỷ XIX, hoạt động vận động hành lang bị gắn liền với nhiều điều tiếng xấu do tình trạng các nhà vận động hành lang thường lợi dụng mối quan hệ của mình để hối lộ nghị sỹ nhằm đổi lấy sự ủng hộ của họ đối với những chính sách mà thân chủ của mình đang theo đuổi. Vận động hành lang trong thời kỳ này được miêu tả như một con “quái vật”, tìm mọi cách luồn lách đến các phòng, ban, các hành lang để làm lũng đoạn Quốc hội.
Trước tình trạng đó, Quốc hội Mỹ đã ban hành nhiều đạo luật để đưa hoạt động vận động hành lang vào khuôn khổ như Luật Đăng ký đại diện nước ngoài năm 1938, Luật Liên bang về hoạt động vận động hành lang năm 1946, Luật về Công khai hóa hoạt động vận động hành lang năm 1995. Theo những quy định này, mọi cá nhân, tổ chức vận động hành lang phải đăng ký hoạt động với Văn phòng Quốc hội, phải công khai hóa danh sách khách hàng, các cuộc tiếp xúc, những vấn đề đã vận động và số tiền công được chi trả... Qua đó, hoạt động vận động hành lang ở Quốc hội Mỹ đã đi vào khuôn khổ hơn, trở nên rất phổ biến và được chấp nhận như một nghề tất yếu trong nền chính trị Mỹ với gần 4.000 nhà vận động hành lang đăng ký hoạt động.
Không những thế, mô hình nghề vận động hành lang còn được nhân rộng tới nhiều Nghị viện khác trên thế giới. Điển hình như ở Nghị viện Châu Âu, tuy cơ quan này mới được thành lập nhưng những nhà vận động hành lang của Nghị viện đã xuất hiện ở đây từ rất sớm, vào cuối thập niên 1970. Cho đến nay, Nghị viện Châu Âu đã có khoảng 2.600 các nhóm lợi ích đặt văn phòng đại diện tại Brussels nhằm tác động đến quy trình lập pháp của Nghị viện. Ngày nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động vận động hành lang đã được xem là một phần tất yếu của đời sống chính trị.
Minh Hiểu