Lịch sử không phải sự khổ sai về trí nhớ

01/04/2008 00:00

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá, những gì thể hiện qua kết quả thi môn lịch sử vừa qua là “báo động đỏ”. Để tìm hiểu thêm về nguyên nhân, thực trạng và giải pháp cho việc dạy và học sử hiện nay, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với NHÀ SỬ HỌC DƯƠNG TRUNG QUỐC, ĐBQH- TỔNG THƯ KÝ HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VN.

Lịch sử không phải sự khổ sai về trí nhớ ảnh 1

      PV: Thời gian qua, người ta đã nói khá nhiều về thực trạng dạy và học sử trong các trường phổ thông hiện nay, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Phải chăng chúng ta chưa tìm ra phương pháp, thưa Ông?
      NSH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Để có phương pháp thì chúng ta phải nhận thức được vấn đề, trong đó nhận thức của người có trách nhiệm, nhà lãnh đạo là hết sức quan trọng. Tôi thiết nghĩ, chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản, có một chương trình đúng, phương pháp giảng dạy thích hợp, đội ngũ giáo viên cũng như sách giáo khoa tốt, tạo ra các phương pháp học năng động, đòi hỏi sự đầu tư, đồng thời đặt môn lịch sử như một tri thức bắt buộc mà thể hiện cụ thể là trong các kỳ thi.
      PV: Theo Ông, để xảy ra tình trạng này, lỗi thuộc về ai?
      NSH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Tôi nghĩ vấn đề này lỗi không chỉ ở phía nhà trường mà của cả người lớn và toàn xã hội. Lịch sử là môn khoa học xã hội và nhân văn vì vậy, cần sự giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, một điều mà ai trong chúng ta cũng nhận thấy đó là vị trí môn lịch sử trong chương trình giảng dạy của nhà trường rất thấp. Ngày nay, các bạn trẻ dường như bề bộn công việc hơn, họ không có quá nhiều thời gian dành cho lịch sử. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác. 
      PV: Được biết Ông có ý tưởng xây dựng một chương trình trò chơi (game) về lịch sử?
      NSH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Game là một trò chơi trí tuệ, có sức hấp dẫn với giới trẻ, thích ứng với xu thế phát triển hiện nay. Nếu chúng ta biết rõ vị trí của game và tiếp cận nó thì đó là một công cụ tốt cho giảng dạy môn lịch sử. Cách đây 10-15 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gợi ý cho chúng tôi tiếp cận một số cơ sở tin học để xây dựng chương trình này, nhưng mọi chuyện vẫn cần sự nỗ lực và phải đầu tư nếu không sẽ rơi vào tình trạng chơi các trò chơi nước ngoài được lồng  ghép. Ngày nay chúng ta đang thấy các trò chơi được gọi là trí tuệ đều khai thác rất mạnh tri thức sử  học. Tuy nhiên, cách trắc nghiệm như vậy đôi khi lại có tác động tiêu cực. Vì người ta quan niệm lịch sử chỉ là sự khổ sai về trí nhớ mà quên đi rằng lịch sử là những bài học mang tính ngụ ngôn giúp mọi người có thể ứng dụng trong cuộc sống.
      PV: Theo Ông, giới trẻ sẽ đến với môn lịch sử bằng sự say mê game hay tình yêu lịch sử?
      NSH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Tôi tin các bạn trẻ yêu sử. Khi tiếp cận họ tôi thấy hiện lên niềm tha thiết với sử nhưng rõ ràng phương pháp của chúng ta nghèo nàn và xơ cứng, đôi khi chúng ta nặng về nhồi nhét, phần nào xa rời nhu cầu thực của giới trẻ. Tôi nhận thấy các vị lão thành say mê môn lịch sử  bởi  lý do cũng rất lịch sử. Đó là khi người ta khát khao lòng tự hào dân tộc, tinh thần, ý chí giải phóng dân tộc thì họ tiếp nhận nó như một nguồn lực. Trong khi các bạn trẻ khi chào đời đã tiếp cận ngay với cái mới, cái cao xa. Điều đó không đáng trách nhưng chính nó đã khiến các bạn nhấc chân lên khỏi mặt đất.
      PV: Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là nhu cầu hay lợi ích?
      NSH DƯƠNG TRUNG QUỐC: Nhu cầu tùy thuộc vào lợi ích. Đừng tách rời lợi ích. Nếu môn sử là môn học bắt buộc phải thi thì chắc chắn các bạn trẻ sẽ phải đầu tư. Lợi ích xã hội là tạo ra con người công dân đủ phẩm chất để có thể phát triển; Đồng thời xây dựng được những giá trị xã hội cần phải vươn tới. Các bạn trẻ cần phải cân nhắc việc lựa chọn, chi phí thời gian, công sức của mình cho việc trang bị kiến thức.
      PV: Xin cám ơn Ông!

Bích Ngọc thực hiện

    Nổi bật
        Mới nhất
        Lịch sử không phải sự khổ sai về trí nhớ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO